Khói bụi khắp nơi

Cuối năm thường là dịp mà các công trường ở Hà Nội tăng tốc để về đích đúng tiến độ. Tuy nhiên, do không che chắn cẩn thận và tập kết vật liệu xây dựng bừa bãi, những công trường này đang tạo ra một lượng bụi rất lớn, gây ô nhiễm không khí trầm trọng cho Thủ đô.

Công trường đang thực hiện đào, san gạt đất đối diện các số nhà 270, 272, 274 đường Tây Tựu (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), đoạn từ quốc lộ (QL) 32 rẽ vào. Ghi nhận tại công trường này cho thấy lượng bụi lớn phát sinh từ đây. Nơi này thường xuyên có xe tải chở đất, đá ra vào, bánh xe cuốn bụi từ mặt đường bay lên mù mịt. Theo quan sát của phóng viên, công trình này chỉ được che chắn tạm bợ, nhiều vị trí quây tôn quá thấp, không đủ ngăn bụi bặm phát tán ra môi trường

Bà Nguyễn Thị Huệ, bán hàng nước đối diện công trình trên cho biết, hàng nước của bà chỉ cách công trường chừng 5-6 mét nên ngày nào cũng phải hứng trọn lượng bụi lớn thải ra từ đây. “Hôm nào cũng thế, cứ mở hàng được một tí là bụi bay vào dính đầy trên cửa nhà, thềm nhà với chỗ bàn ghế ngồi uống nước. Lúc nào tôi cũng phải mang khẩu trang dù ngồi trong nhà”, bà Huệ vừa nói, vừa lấy khăn lau những chai nước dính đầy bụi bẩn.

Cứ nửa tiếng là bà Huệ lại phải lau một lần. Sau khi lấy ngón tay quẹt lên mặt bàn, đầu ngón tay của bà dính một mảng bụi đen sì. “Đây các cậu nhìn xem, cái này mà hít vào phổi thì thế nào. Ngày nào cũng tiếp diễn như vậy. Họ chạy nhiều nhất vào ban đêm. Chúng tôi cũng có phản ánh tới chính quyền rồi nhưng đến giờ vẫn chưa được giải quyết”, bà Huệ bức xúc nói.

Cách đó khoảng 2,5km là một đại công trường nằm gần khu vực đường Di Trạch và đường Vân Canh (Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội). So với công trường trước, lượng bụi tại đại công trường này cao gấp nhiều lần do quy mô, diện tích lớn hơn rất nhiều và đơn vị thi công gần như không có biện pháp che chắn nào. Chẳng những không được quây tôn, những đụn đất, cát lớn cũng không được phủ bạt dù nằm ngay sát đường cái. Trên mặt đường là những lớp sỏi, đá và cát dày cộp. Những mảng bụi dài cuộn lên mù mịt mỗi khi những chiếc xe tải chở đất, cát ra vào công trường.

Chỉ sau 5 phút có mặt tại đây, xe máy và quần áo của chúng tôi bị phủ một lớp bụi trắng xoá. “Trước kia, tôi còn hay đạp xe quanh đây để tập thể dục. Nhưng giờ thì ô nhiễm quá, không thể chịu nổi. Cứ hôm nào đi qua là y như rằng lúc về bị ho, nghẹt mũi. Tôi còn bị ngã xe mấy lần vì đá, sỏi vứt bừa bãi ra đường”, ông Trần Hữu Thắng, người dân sống tại xã Di Trạch (Hoài Đức, Hà Nội), phản ánh.

Trên đường Cổ Linh (Long Biên, Hà Nội), chúng tôi lại gặp một công trường khác đang cấp tốc thi công, lượng bụi phát sinh nhiều nhưng không có biện pháp che chắn. Theo bảng thông tin đặt tại công trường, đây là công trình xây dựng tuyến cống thoát nước Long Biên - Cự Khối (phường Long Biên, quận Long Biên, Hà Nội).

Tương tự, con đường dẫn vào Bệnh viện Đa khoa Thanh Xuân (quận Thanh Xuân, Hà Nội) thuộc dự án đường vành đai 2.5 đoạn Đầm Hồng đã bị xuống cấp nghiêm trọng nhiều năm qua nhưng chưa được xử lý. Con đường này phủ đầy cát, sỏi, đá dăm, lượng xe cộ (đặc biệt là xe tải) đi qua đây cũng khá nhiều nên lượng bụi phát sinh ra môi trường là rất lớn.

Không chỉ vậy, vật liệu xây dựng còn bị tập kết bừa bãi ở nhiều vị trí. Theo ghi nhận của chúng tôi, trên tuyến đường này có một bãi tập kết phế thải xây dựng và một công trình xây dựng (thuộc dự án Bệnh viện Đa khoa Thanh Xuân) đang hoạt động. Bãi tập kết phế thải xây dựng thường xuyên có xe tải ra vào, kéo theo lượng bụi và khí thải rất lớn. Chưa rõ lượng cát, sỏi, đá và vật liệu xây dựng tập kết bừa bãi trên đường chủ yếu thuộc về bãi tập kết phế thải hay thuộc về công trình xây dựng.

Vì sao Hà Nội ô nhiễm không khí kỷ lục?-1
Bụi phát sinh khi xe tải ra, vào tại công trường trên đường Tây Tựu (gần đoạn giao với QL32), Bắc Từ Liêm, Hà Nội

Một trong những nguyên nhân khác tạo nên ô nhiễm không khí tại Hà Nội là lượng lớn ô tô, xe tải đổ về Thủ đô mỗi ngày. Trên quốc lộ 5 (cửa ngõ phía Đông của Hà Nội) vào giờ cao điểm, lượng phương tiện thường xuyên quá tải. Xe kéo theo bụi và khói khiến tuyến đường này trở nên ngột ngạt.

Chỉ sau vài phút ghi nhận tại đường Nguyễn Văn Linh, Long Biên, Hà Nội (nằm trên QL 5, đoạn qua Hà Nội), áo quần của chúng tôi đều bị ám mùi khói xe khét lẹt, vướng nhiều bụi. “Vào những giờ cao điểm xe ùn tắc, khói xe ô tô, bụi đường phun vào đầy nhà tôi, mùi khét lẹt rất khó thở. Vì ô nhiễm khói, bụi mà vợ, các cháu của tôi phải chuyển sang bên huyện Đông Anh tá túc”, ông Nguyễn Văn Tường, người buôn bán xe đạp ở đường Nguyễn Văn Linh, cho biết.

Có rửa đường nhưng vẫn chưa đủ

Tháng 11/2024, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông ký công văn về việc triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm cải thiện chất lượng không khí trên địa bàn thành phố. Một trong những giải pháp được nhấn mạnh là duy trì thường xuyên hoạt động phun nước rửa đường tại các trục, tuyến giao thông chính phân cấp. Tuy nhiên, dường như việc phun nước rửa đường này chưa được thực hiện thường xuyên như chỉ đạo của lãnh đạo thành phố.

Ông Nguyễn Văn Tường (nhà cạnh đường Nguyễn Văn Linh nêu trên) phản ánh, cứ khoảng vài ngày là đường Nguyễn Văn Linh sẽ được phun nước, rửa đường một lần, nhưng gần như không thấm vào đâu so với lượng khói bụi phát thải từ các phương tiện giao thông. “Tôi nghĩ cần phải phun nước, rửa đường thường xuyên hơn, có thể mỗi ngày một lần thì may ra mới có thể giảm bớt được phần nào khói bụi tại đây”, ông Tường nói.

Theo anh Nguyễn Văn Nam, một người dân sống trên đường Nguyễn Văn Linh, để giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí về lâu dài, cần có những giải pháp mở rộng kết cấu hạ tầng giao thông, tổ chức phân luồng hợp lý để giảm thiểu tình trạng tắc nghẽn thường xuyên. Đây cũng là giải pháp được lãnh đạo thành phố Hà Nội nêu trong công văn trên.

“Tôi hầu như không thấy xe phun nước, rửa đường chạy trên QL32 bao giờ, hoặc do người ta chạy ít quá nên mình không để ý. Tôi cũng mong trong thời gian tới, đường QL32 và đường Tây Tựu chỗ tôi sống được xịt rửa nhiều hơn. Và mong chính quyền đôn đốc các công trình xây dựng phải che chắn đầy đủ đúng theo quy định pháp luật, không để người dân chúng tôi phải chịu khổ vì hứng bụi mỗi ngày nữa”, bà Nguyễn Thị Huệ, nhà cạnh công trường trên QL32 nêu trên, nói.

Tại con đường xuống cấp dẫn vào Bệnh viện Đa khoa Thanh Xuân, ông Đỗ Văn Bằng, người dân sống tại khu vực này, cho rằng, cần phải có giải pháp khắc phục ngay bởi tình trạng ô nhiễm đã kéo dài trong nhiều năm.

Theo Tiền Phong