Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Nhà Bè, TP.HCM đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự theo tố giác của anh Phạm Quang Liêm (47 tuổi, ngụ Nhà Bè) về việc con gái 3 tuổi của anh này bị người hàng xóm 71 tuổi ở gần nhà dâm ô.

Qua điều tra, Công an huyện Nhà Bè cho biết không có căn cứ xác định người đàn ông 71 tuổi dâm ô bé gái. Thời điểm 15-18h ngày 15/4, người bị tố cáo là ông T. ở nhà cùng với vợ, không tiếp xúc với cháu bé.

Kết quả giám định cũng kết luận màng trinh cháu bé không rách, không thấy tinh trùng trong âm hộ và hậu môn, có tế bào nam nhưng không đủ cơ sở đối chiếu với ADN của người bị tố cáo. 

Bên cạnh đó, các mẫu so sánh khăn, quần quáo của bé gái không có tế bào của ông T. mà chỉ có tế bào của cha cháu bé. Do đó, cơ quan điều tra không đủ căn cứ để xác định ông T. có hành vi Dâm ô.

Ngay sau khi nhận được quyết định không khởi tố vụ án, phía bị hại đã khiếu nại lên cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Nhà Bè.

Bỏ qua lời khai của cháu bé?

Luật sư Lê Ngọc Luân (Đoàn Luật sư TP.HCM, người hỗ trợ pháp lý cho gia đình bé gái) cho rằng căn cứ mà cơ quan điều tra viện dẫn hoàn toàn không phải là cơ sở để không khởi tố vụ án, cũng không phải chứng cứ xác định ông T. không có hành vi dâm ô đối với bé L.

Vì sao không khởi tố vụ bé gái nghi bị ông lão 70 tuổi dâm ô?-1
Bé L. khai ông T. đã sờ vào vùng kín của bé, thơm má, thơm môi và cho kẹo. Ảnh: H.T.

Về căn cứ cho rằng ông T. ở trong nhà nên có chứng cứ ngoại phạm, phía bị hại nói cháu bé trình bày bị xâm hại ngay tại nhà ông T.. Điều này cũng phù hợp với chứng cứ là vào đêm 24/4, khi điều tra viên hỏi nhà ông già nào làm bé đau thì bé gái đã dắt tay điều tra viên chỉ căn nhà của ông T.

Khi đến nhà ông T., bé gái xác nhận bị làm đau "ở trong nhà".

"Điều này khẳng định con gái tôi bị ông T. xâm hại tình dục phía bên trong căn nhà ông ấy ở. Do đó, không có căn cứ để chứng minh cho việc ngoại phạm của ông T.", đơn khiếu nại của anh Liêm nêu.

Luật sư Luân cho rằng lẽ ra đây sẽ là căn cứ bổ sung xác định nghi can nhưng cơ quan điều tra lại lấy đó làm căn cứ xác định ông T. ngoại phạm? Phó Viện trưởng VKS Nhà Bè cung cấp thông tin cơ quan điều tra đã sử dụng lời khai của ba người làm chứng (trong đó có người thân thích của ông T.), lời khai của vợ ông T. và lời khai của chính ông T. để dùng làm căn cứ là không khách quan.

Vào các ngày 17/4, 25/4 và 18/6, Cơ quan cảnh sát điều tra huyện Nhà Bè cùng với luật sư đã cho cháu bé nhận dạng. Điều tra viên in 4 hình ảnh người đàn ông già có hình dáng tương đồng vào một tờ giấy khổ A4, trong đó có hình ông T.

Khi điều tra viên hỏi: "Ông già nào làm con đau...?", bé L. chỉ đúng hình của ông T.

Để khách quan, công an tiếp tục in 4 hình ảnh ông lão tầm 70 tuổi tóc bạc nhưng không có ông T. để nhận dạng thì bé trả lời ngay "không có". Công an tiếp tục thử hỏi lại khi đưa tờ giấy có mặt ông T., bé chỉ đúng ông T. là người có hành vi xâm hại mình.

Nội dung các buổi làm việc hoàn toàn phù hợp với nội dung file ghi âm và hai video mà cha cháu bé đã ghi lại vào 1h sáng 17/4 cung cấp cho cơ quan điều tra.

Điều tra viên đã hỏi cháu bé nhiều vấn đề khác và bé trả lời chính xác. Ví dụ họ tên cha mẹ, em trai, tên của mình, tên của điều tra viên và biết rõ bé chưa đủ 3 tuổi.

"Cơ quan điều tra và VKS không xem xét cũng không đưa ra giải thích, căn cứ để bác bỏ hay chấp nhận các chứng cứ nói trên? Vậy, cơ quan điều tra và VKS giải thích thế nào về sự trùng khớp, về nội dung lời khai, các buổi nhận dạng, thực hiện tại hiện trường do chính cơ quan điều tra thực hiện và có sự giám sát của VKS?", đơn kiến nghị của cha cháu bé đặt câu hỏi.

Giám định pháp y khác với kết quả các bệnh viện?

Đơn kiến nghị trình bày vào đêm 16, sáng 17/04, ngoài việc bé gái nghi bị xâm hại tình dục, cháu còn bị dập ở môi và tay chân bị xước vì ngã. Tuy nhiên, trong bản kết luận giám định pháp y lại nêu "khám bộ phận liên quan: Không dấu vết thương tích trên cơ thể".

Kết quả này theo gia đình bé L. là hoàn toàn trái ngược với tình trạng sức khỏe, thương tổn của cháu. 

Vì sao không khởi tố vụ bé gái nghi bị ông lão 70 tuổi dâm ô?-2
Gần 5 tháng từ khi xảy ra sự việc, gia đình anh Liêm vẫn miệt mài đi đòi công lý cho con gái. Ảnh: T.Q.

"Trong trường hợp có sự mâu thuẫn giữa các chứng cứ như vậy, lẽ ra cơ quan điều tra và VKS phải có biện pháp làm rõ, đề nghị giám định lại/bổ sung hoặc xem xét lại hồ sơ giám định hoặc đề nghị giám định viên làm rõ. Nhưng cơ quan điều tra đã không xem xét, mặc nhiên thừa nhận kết luận giám định và sử dụng làm căn cứ không khởi tố vụ án. Điều này là sai phạm", luật sư Luân nêu quan điểm.

Sau khi tố cáo và đã làm giám định pháp y, ngày 19/4, gia đình anh Liêm đưa cháu đi khám tại các bệnh viện. Khi đến Bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc thì được xác nhận màng trinh cháu L. bị "tưa". Sau đó, bé L. tiếp tục được đưa đến khám tại các bệnh viện khác và được xác nhận bé bị viêm âm hộ.

Tất cả các chứng cứ, bệnh án của con, anh Liêm đều cung cấp nhưng cơ quan điều tra vẫn khẳng định bé L. không có tổn thương ở bộ phận sinh dục để làm căn cứ không khởi tố vụ án.

Về việc các mẫu tã lót, khăn, quần áo của bé L. chỉ có tế bào của cha cháu bé, phía bị hại giải thích đã nhiều lần trình bày với cơ quan điều tra và VKS rằng các vật dụng đó đều do anh Liêm giao nộp và trước khi nộp anh có cầm lên và chụp ảnh nhằm mục đích lưu giữ, xác định những thứ đã nộp.

"Tôi không hiểu lý do gì, nay phía cơ quan điều tra thể hiện tại quyết định không khởi tố vụ án rằng trên các mẫu so sánh có hiện diện tế bào của tôi. Rồi từ đó, sử dụng như căn cứ để loại trừ và xác định ông T. ngoại phạm; trong khi đó việc hiện diện tế bào của tôi ở đây là điều hiển nhiên vì tôi đã cầm lên chụp ảnh", anh Liêm thắc mắc trong đơn.

Theo Zing