Lươn (Unagi) là một trong những món ăn được ưa chuộng nhất ở Nhật Bản, đây là món ăn truyền thống thơm ngon và bổ dưỡng thường được ăn kèm với cơm nóng cùng một chút rong biển khô. Tuy nhiên giá của món ăn này cũng không hề rẻ.

Chỉ tính riêng giá lươn giống loại nhỏ thôi cũng đã lên tới 35.000 USD/kg vào tháng 1/2018 (khoảng hơn 800 triệu đồng/kg) - đắt ngang giá vàng tại cùng thời điểm. Không những thế giá lươn đều tăng lên gấp 2 hay 3 lần sau mỗi năm.

Bài viết này sẽ đi sâu về phương pháp chế biến món lươn nướng Nhật Bản (Kabayaki) - một trong những lý do khiến giá trị món lươn được tăng lên rất nhiều.


Làm thế nào để chế biến món lươn Nhật Bản

Nướng lươn tưởng chừng là 1 công việc dễ dàng nhưng với các đầu bếp người Nhật, họ phải mất nhiều năm trời rèn luyện. Đầu tiên những con lươn tươi sống sẽ được người đầu bếp cho lên thớt, họ sẽ ghim đầu lươn cố định bằng một chốt kim loại có thể tháo rời.

Vì sao lươn Nhật đắt như vàng? 8 năm học mổ, 3 năm học xâu, cả đời học nướng!-1
Mổ lươn là kỹ năng phải mất 8 năm để học.

Sau đó con lươn sẽ được mổ bụng theo phong cách Kansai (mổ bụng nhưng không cắt đầu, để nguyên lát rồi nướng) hoặc phong cách mổ Kanto (mổ bụng nhưng cắt đầu, chia nhỏ ra rồi mới xâu lại để nướng).

Phần xương sống của lươn cũng sẽ được lọc bỏ ra ở bước này, chỉ riêng việc học mổ lươn theo hai phong cách này thôi cũng đã mất tới 8 năm học nghề!

Tiếp đến là xâu lươn lại trước khi đem lươn đi nướng (mất thêm 3 năm để học), người đầu bếp sẽ phải dùng các que nhọn bằng kim loại để đâm qua các lát thịt lươn rất mỏng. Điều này đòi hỏi sự khéo léo và tinh tế của đôi bàn tay.

Vì sao lươn Nhật đắt như vàng? 8 năm học mổ, 3 năm học xâu, cả đời học nướng!-2
Xâu lươn cũng là 1 kỹ năng phải mất đến 3 năm học nghề. 

Cuối cùng là đem lươn đi nướng, theo những đầu bếp lâu năm cho biết thì sau khi mất tới 11 năm học mổ lươn và xâu lươn lại trước khi nướng thì việc nướng lươn sẽ phải mất... cả đời để làm chủ kỹ năng này.

Người nướng sẽ phải nướng các miếng thịt lươn mềm mại, chín vàng và tươm mỡ óng ánh cùng kết cấu giòn ngon chắc thịt đã làm nên tên tuổi và sức hút trong nét ẩm thực của vùng Kansai (Osaka) - Nhật Bản.

Để làm được điều này thì người đầu bếp sẽ phết lên các miếng thịt lươn một ít mirin (một loại rượu gạo giống với rượu sake, nhưng có hàm lượng cồn thấp hơn và hàm lượng đường cao hơn). Khi lươn nướng đã đạt yêu cầu, chúng sẽ được nhúng ngập trong sốt tare.

Vì sao lươn Nhật đắt như vàng? 8 năm học mổ, 3 năm học xâu, cả đời học nướng!-3
Nướng lươn là kỹ năng cần cả đời để hoàn thiện.

Đây là loại nước sốt đồ nướng ngọt vị táo, dùng để ướp món nướng, làm nước chấm hay dùng để xào rau, mì... Sốt tương tare sẽ được làm ngấm vị ngọt vào bên trong con lươn thông qua việc nướng lươn một thời gian ngắn nữa.

Cuối cùng thì món lươn nướng cũng đã thực hiện xong, người đầu bếp sẽ cắt chúng thành các lát nhỏ để đặt lên cơm cùng một ít rong biển, người Nhật thường ăn món cơm lươn trong ngày để cung cấp thêm năng lượng và sức mạnh cho phần còn lại của năm.

 

Theo Trí Thức Trẻ