Sở dĩ chúng ta hay nghe câu nói: “Chớ đi ngày 7, chớ về ngày 3” là vì theo quan niệm dân gian, đó là ngày “Tam Nương sát” xui xẻo. Điều này xuất phát từ thời xa xưa, khi người ta hành sự vào những ngày này thường gặp phải chuyện không hay trong công việc và cuộc sống như làm nhà bị sập hoặc làm những việc hệ trọng như cưới hỏi, đi xa nhưng không thành...

Trải qua thời gian, lâu dần ông cha ta đúc kết được rằng, vào những ngày cụ thể nào đó sẽ không tốt để làm việc lớn. Từ đó mới có quan niệm về ngày tốt, ngày xấu và những quan niệm đó truyền từ đời này qua đời khác cho đến tận hôm nay. Cũng giống như ở các nước phương Tây thứ 6 ngày 13 và bản thân con số 13 cũng là con số "đen tối".

Vì sao mọi người lại kiêng chớ đi ngày 7, chớ về ngày 3?-1

Ông Trần Ngọc Kiệm, chuyên gia phong thủy chia sẻ rằng: “Thượng tuần sơ Tam dữ sơ Thất (đầu tháng ngày 3, ngày 7), trung tuần Thập tam Thập bát dương (giữa tháng ngày 13, 18), hạ tuần Chấp nhị dữ Chấp thất (cuối tháng ngày 22, 27), đó là những ngày được cho là xuất hành hoặc khởi sự đều vất vả, không được việc.

Còn các ngày mùng 5, 14, 23 trong câu nói 'Mùng 5, 14, 23, đi chơi cũng thiệt huống là đi buôn' lại được cho là ngày 'Nguyệt kỵ'. Các ngày này cộng lại đều bằng 5, dân gian thường gọi là ngày 'nửa đời, nửa đoạn' nên làm gì cũng chỉ giữa chừng, khó đạt được mục tiêu".

Đặc biệt nhất là ngày 5 tháng 5 (trùng lặp Ngũ hoàng thổ), người ta thường nói “nen nét như rắn mùng 5". Vào ngày này rắn không ra khỏi hang bởi vì thời gian đó phương lực ly tâm từ Trái Đất kết hợp với lực hấp dẫn từ Mặt Trăng, hướng tâm từ Mặt Trời và vũ trụ không bình thường làm cho rắn run sợ, ù tai, hoa mắt không dám ra ngoài. Tương truyền ai chặt được đầu rắn mùng 5 ra đường sẽ gặp nhiều may mắn.

Bạn đã hiểu vì sao lại có ngày tốt, ngày xấu và những kiêng kỵ của người xưa mà đến nay chúng ta vẫn còn giữ rồi chứ?

Theo Khoevadep