Như đã đưa tin, tối ngày 3/1, theo Vietnamnet, chiều cùng ngày, tại họp báo Chính phủ thường kỳ, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an thông tin, công an cả nước liên tiếp điều tra sai phạm trong đăng kiểm, đặc biệt ở các tỉnh phía Nam. 

Một trong những thông tin gây sự chú ý của người dân là một số trung tâm đăng kiểm không đủ tiêu chuẩn nhưng vẫn lập danh sách kiểm định viên ảo, hợp thức hóa quy định của Chính phủ khi thành lập trung tâm đăng kiểm như phải có 3 kiểm định viên và phải có 1 kiểm định viên bậc cao.

“Thậm chí khi bị bắt có giám đốc trung tâm đăng kiểm còn không biết viết, không biết đọc. Hỏi thì người này khai học hết lớp 3 từ 50 năm trước nên không biết chữ nhưng vẫn lên làm giám đốc”, Trung tướng Tô Ân Xô nói.

Vì sao mù chữ vẫn được làm giám đốc trung tâm đăng kiểm?-1
Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an

Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết, đối tượng trên là Giám đốc Trung tâm đăng kiểm 50-17D ở huyện Nhà Bè (TP.HCM). “Hành vi liều lĩnh như thế cũng là lần đầu được phát hiện, ngoài ra còn có nhiều nữa trong quá trình điều tra”, ông Xô cho biết.

Những hành vi như trên được Trung tướng Tô Ân Xô đánh giá đã xâm phạm trật tự quản lý công cộng, gây mất an toàn cho người điều khiển, ảnh hưởng xấu đến dư luận.

“Đây là một loại virus Việt Á trong kiểm định phương tiện. Bộ Công an đang tiếp tục điều tra mở rộng, số lượng bị can sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới”, ông Xô khẳng định.

Vì sao mù chữ vẫn được làm giám đốc trung tâm đăng kiểm?-2
Chân dung ông Hồ Hữu Tài, giám đốc trung tâm

Liên quan đến vấn đề này, ngày 4/1, trao đổi với Thanh Niên, đại diện Phòng Kiểm định xe cơ giới (Cục Đăng kiểm Việt Nam, Bộ GTVT) cho biết, Trung tâm Đăng kiểm 50-17D theo mô hình xã hội hoá và giám đốc trung tâm là ông Hồ Hữu Tài.

Theo cơ quan này, ông Tài là giám đốc nhưng không phải đăng kiểm viên, không chịu trách nhiệm tổ chức, điều hành hoạt động kiểm định và ký giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (ATKT&BVMT), không bị ràng buộc về yêu cầu kỹ thuật cũng như không có vai trò trong công tác kiểm định.

Cục Đăng kiểm Việt Nam chỉ quản lý lãnh đạo trung tâm đăng kiểm là đăng kiểm viên, chịu trách nhiệm tổ chức, điều hành hoạt động kiểm định và ký giấy chứng nhận ATKT&BVMT.

Do đó, các trung tâm đăng kiểm xã hội hoá về bản chất là một doanh nghiệp đầu tư dịch vụ kinh doanh đăng kiểm. Giám đốc trung tâm có thể là người đầu tư hoặc người đứng tên trên giấy tờ mà không phải là đăng kiểm viên.

Vì sao mù chữ vẫn được làm giám đốc trung tâm đăng kiểm?-3
Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 50 - 17D, nơi ông Tài làm giám đốc

VnExpress cho biết, Nghị định 139/2018 quy định lãnh đạo trung tâm đăng kiểm là người chịu trách nhiệm tổ chức, điều hành hoạt động kiểm định của đơn vị và ký giấy chứng nhận kiểm định. Người này phải là đăng kiểm viên xe cơ giới đã thực hiện nhiệm vụ của đăng kiểm viên tối thiểu 36 tháng.

Đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam lý giải, trung tâm đăng kiểm hoạt động như một doanh nghiệp, sẽ có nhiều lãnh đạo cùng điều hành. Quy định trên được áp dụng với lãnh đạo chịu trách nhiệm chuyên môn, tổ chức, điều hành hoạt động kiểm định và ký giấy chứng nhận kiểm định xe.

"Khi soạn thảo quy định về xã hội hóa trung tâm đăng kiểm, Cục đã lường trước các vấn đề này, song việc lựa chọn lãnh đạo trung tâm là do doanh nghiệp đầu tư thực hiện. Do đó, bên cạnh các đơn vị làm tốt vẫn còn có đơn vị lựa chọn lãnh đạo chưa có năng lực", đại diện Phòng Kiểm định nói.

Thực tế, có lãnh đạo trung tâm kiểm định không phải là đăng kiểm viên, chỉ hiện diện với vai trò quản lý tài chính, tài sản của chủ đầu tư. Ở những trung tâm này, Phó giám đốc phụ trách là đăng kiểm viên và chịu trách nhiệm ký giấy chứng nhận kiểm định phương tiện và tổ chức, điều hành hoạt động kiểm định.

Đ.K (t/h)
Theo Vietnamnet