Câu chuyện "đổi avatar Facebook có màu cờ Pháp và đoạn hashtag #prayforparis" đang trở thành một trong những chủ đề gây tranh cãi nhất trong suốt 2 ngày hôm nay. Để bạn đọc có thêm cái nhìn mới về câu chuyện này, chúng tôi xin được đăng một góc nhìn của bạn facebooker Lương Thế Huy - với những quan điểm và thông tin rất đáng tham khảo.
-----
Những tranh luận về “đổi màu cờ Pháp” gần đây, làm chúng ta nhớ tới lần mạng xã hội Facebook lần đầu đưa ra tính năng này với “nhuộm cầu vồng” khi hôn nhân bình đẳng tại Hoa Kỳ được hợp pháp hóa. Cũng rất nhiều người lúc đó lên tiếng rằng “chuyện ở Mỹ thì liên quan gì tới Việt Nam?”. Lần này cũng vậy, chỉ khác là đổi màu cờ Pháp không phải để chúc mừng, mà là chia sẻ nỗi đồng cảm với đất nước vừa gánh chịu tổn thương này.
Tôi nhớ hồi tham gia tổ chức các chiến dịch vận động quyền của người đồng tính, song tính, chuyển giới (LGBT) vào cao điểm năm 2014, báo chí liên tục đưa tin, mọi người đều nói về hôn nhân đồng giới và quyền của người đồng tính, có một nhận xét làm tôi rất buồn từ một người cũng đang hoạt động vì quyền của nhóm yếu thế khác. Đại ý rằng nhóm của họ còn chịu kỳ thị, khổ sở hơn nhóm LGBT nhiều lần, mình làm rầm rộ vậy có “quá” không? Vâng, cuộc sống thì rất ngắn, ai làm được gì thì làm, mình làm tốt cho người này không có nghĩa là mình có lỗi với người khác, còn xã hội quan tâm đến quyền LGBT nhiều quá thì cũng đừng vội vu cho họ là thiên vị hay thiếu hiểu biết.
Nhiều thắc mắc nơi này loạn lạc, nơi kia chiến sự, Beirut, Syria, Palestine... một ngày hàng trăm, hàng ngàn người chết sao không thấy ai tiếc thương như ở Paris?
Thứ nhất, người ta có thể không biết Beirut là thủ đô nước nào, nằm ở đâu trên bản đồ, nhưng người ta luôn từng biết về Paris, có bạn bè hay chí ít là ký ức về nó. Năm 2011 khi Steve Jobs qua đời cũng có người làm hình so sánh: "Một người Mỹ chết một triệu người khóc, Một triệu trẻ em châu Phi chết, một người khóc", để châm biếm sự bất công trong thương cảm. Nhưng nên hiểu rằng thương cảm là một điều rất cá nhân. Mọi sinh mạng thì đều đáng giá, nhưng với từng người thì nó gây ra những tình cảm khác nhau. Bạn không thể tới đám tang nhà người ta rồi bảo: "Ở đây có mỗi một người chết mà khóc to quá, bên Châu Phi hàng ngàn người đang chết đói kìa!” Đó không phải là một lập luận chấp nhận được. Tôi có thể khóc vì một con mèo qua đời, không có nghĩa là tôi không có tình người. Đó không phải đạo đức giả, mà là nhận thức, quan hệ tới đâu thì tình cảm tới đó. Người ta không thể đồng cảm với điều người ta không biết.
Beirut mới bị IS đánh bom cảm tử ngày 12/11 làm chết 45 người, 239 người bị thương.
Thứ hai, vậy đây có phải là lỗi của truyền thông đưa tin thiên vị hay không? Tại sao báo chí phương Tây im lặng trước vụ việc khủng bố tương tự ở Beirut hay Syria, mà chỉ tập trung khắc họa tấm thảm kịch của những người da trắng? Nên nhớ, báo chí phương Tây bao phủ toàn thế giới không có nghĩa là họ đưa tin của toàn thế giới! Việc cả thế giới đọc Reuter, AP, AFP không phải là lỗi của họ, giống như câu chuyện tôi kể ở trên về việc xã hội thảo luận nhiều về quyền LGBT. Bạn chỉ chăm chăm vào báo chí phương Tây rồi thất vọng không thấy tin tức ở phương Đông thì đó là do bạn không chịu tìm báo phương Đông mà đọc.
Thứ ba, Paris khác với Beirut, thủ đô của Lebanon, cơ bản ở chỗ Paris không phải là vùng chiến sự! Bạn được mong đợi là sẽ thong thả dạo chơi, chụp ảnh ngoài đường vào buổi tối ở Paris, nhưng bạn sẽ không mong điều đó ở Beirut. Ngược lại bạn cũng không bao giờ nghĩ mình có thể bị bắn chết khi đang ở một rạp hát Paris! Vụ khủng bố này là “sự khởi đầu” cho thay đổi ở Paris, khác với Beirut lại là “sự tiếp diễn” của những khủng hoảng lâu nay. Vậy tức là “khởi đầu” quan trọng hơn là “tiếp diễn”? Không phải vậy. Nhưng cũng không phủ nhận mọi sự khởi đầu đều sẽ gây chú ý hơn là tiếp diễn. Chúng ta cần giải pháp cho cả hai, chấm dứt sự tiếp diễn những điều tồi tệ, nhưng cũng sẽ dành nỗ lực hết sức để sự khởi đầu tồi tệ không trở thành điều hàng ngày.
Việc tốt dù nhỏ nhất cũng nên khuyến khích, việc xấu dù nhỏ nhất cũng nên tránh. Đổi avatar hay đăng tấm ảnh, nói vài dòng cảm thương vẫn là việc tốt nhỏ nên làm. Chửi bới, mỉa mai, hoài nghi, xúc phạm những người đang làm việc tốt là việc xấu nhỏ nên tránh. Một vài người hưởng ứng theo phong trào mà không hiểu ý nghĩa của nó? Không sao cả, ít ra họ có cơ hội để được nghe, được giáo dục về vấn đề xã hội. Hãy để không gian mỗi người được tự do làm, hoặc không làm, điều khiến họ cảm thấy thoải mái. Quan trọng là chúng ta biết nuôi trong mình cái mầm thiện. Bởi, còn biết thương cảm thì còn có thể làm người.
Theo Kênh 14/Trí thức trẻ