Nguyên nhân gây bệnh tiểu đường do đâu?
Bình thường, tuyến tụy trong cơ thể người tiết ra một hormon có tên là insulin, giúp ổn định lượng đường trong máu. Bệnh đái tháo đường (dân gian hay gọi là bệnh tiểu đường) xảy ra khi cơ thể bị thiếu hụt insulin hoặc insulin hoạt động không hiệu quả.
Ảnh minh họa.
Vì sao tiểu đường được xem là căn bệnh của nhà giàu?
Ngày nay, sự du nhập của nền văn hóa phương Tây vào Việt Nam ngày càng rõ rệt, đã kéo theo chế độ ăn uống không điều độ, ít vận động, lối sống công nghiệp với đủ chủng loại thức ăn nhanh, ít dinh dưỡng nhưng quá thừa năng lượng, kèm theo áp lực công việc và cuộc sống với tình trạng căng thẳng (stress) kéo dài… từ đó làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường. Chính vì vậy, ngày nay đái tháo đường không chỉ còn là bệnh của “nhà giàu” nữa, mà nó có thể xuất hiện ở tất cả các tầng lớp kinh tế – xã hội khác nhau.
Bệnh tiểu đường có di truyền không?
Bệnh đái tháo đường có thể xuất hiện ở những người ăn uống không lành mạnh, lười vận động, hút thuốc lá, tăng huyết áp, rối loạn mỡ trong máu, béo phì, v.v… cho dù trong gia đình chưa có ai bị đái tháo đường. Tuy nhiên, khi bạn có cha mẹ, anh chị em, hoặc con cái bị đái tháo đường thì nguy cơ mắc bệnh sẽ càng cao hơn nữa, vì yếu tố di truyền cũng góp phần vào sự xuất hiện bệnh.
Dấu hiệu gì cảnh báo bệnh tiểu đường?
Bệnh đái tháo đường được ví như “kẻ giết người thầm lặng”, vì có thể diễn tiến trong một thời gian rất dài mà hoàn toàn không có triệu chứng gì rõ rệt. Vì vậy, những người có nhiều yếu tố nguy cơ mắc đái tháo đường (chẳng hạn như béo phì, tăng huyết áp, hút thuốc lá, rối loạn mỡ máu, lười vận động, ăn thức ăn nhiều năng lượng, v.v…) nên kiểm tra đường huyết định kỳ để kịp thời phát hiện bệnh, tránh xảy ra biến chứng lâu dài.
Lứa tuổi và đối tượng nào dễ mắc bệnh tiểu đường nhất?
Đái tháo đường được xem là một đại dịch của thế kỷ XXI, và Việt Nam nằm trong khu vực có tốc độ gia tăng bệnh đái tháo đường nhanh nhất trên thế giới. Vì các yếu tố nguy cơ của đái tháo đường (như béo phì, hút thuốc lá, ăn uống không lành mạnh, ít vận động, v.v…) đang ngày càng phổ biến trong đời sống hiện đại nên mọi lứa tuổi và đối tượng đều có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường.
Nhân viên văn phòng ngồi nhiều cũng là nhóm đối tượng có nguy cơ cao bị tiểu đường? Vì sao?
Nhân viên văn phòng là nghề nghiệp thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc đái tháo đường, do đặc thù của công việc là ít vận động vì phải thường xuyên ngồi trước máy vi tính, áp lực công việc dẫn đến căng thẳng (stress) ngày càng tăng, cũng như hay ăn uống thịnh soạn kèm theo uống rượu bia và hút thuốc lá để giao thiệp.
Tiểu đường không chỉ dừng lại ở lứa tuổi trung niên, thanh niên mà còn xuất hiện cả ở trẻ em nữa, vì sao?
Hiện nay, mỗi gia đình thường chỉ có 1 đến 2 con nên trẻ hay được chăm chút, nuôi dưỡng rất tốt bằng nhiều loại sữa và thức ăn nhiều năng lượng. Trẻ em ngày nay thường say mê xem TV, chơi game vi tính mà ít có những hoạt động thể lực, vui chơi ngoài trời, khiến cho tỷ lệ trẻ em béo phì gia tăng không ngừng. Mặt khác, tình trạng hút thuốc lá ngày càng phổ biến ở giới trẻ, là một yếu tố gây đề kháng insulin mạnh mẽ. Tất cả yếu tố kể trên đã góp phần làm cho dân số mắc bệnh đái tháo đường ngày càng trẻ hóa.
Những biến chứng nguy hiểm của tiểu đường là gì?
Bệnh đái tháo đường nếu không được kiểm soát tốt có thể đưa đến các biến chứng cấp tính và mạn tính. Các biến chứng cấp tính bao gồm tình trạng hôn mê do đường huyết tăng cao, như hôn mê nhiễm xêtôn axít và hôn mê tăng áp lực thẩm thấu máu. Các biến chứng mạn tính bao gồm bệnh lý mạch máu lớn như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, tắc nghẽn mạch máu nuôi chân có thể nguy hiểm đến tính mạng; bệnh lý mạch máu nhỏ như mù lòa do bệnh lý võng mạc, tiểu đạm, suy thận, và biến chứng thần kinh ngoại biên làm giảm chất lượng cuộc sống.
Có thể sống chung với tiểu đường trong bao lâu?
Ngày nay y khoa đã phát minh ra rất nhiều loại thuốc hữu hiệu giúp kiểm soát đường huyết ổn định. Nếu người bệnh đái tháo đường tuân thủ chế độ ăn uống, tập luyện, sử dụng thuốc theo sự chỉ dẫn của bác sĩ và tái khám đều đặn thì có thể có một đời sống giống như người bình thường.
Chế độ ăn uống và sinh hoạt của người tiểu đường như thế nào là tốt?
Người đái tháo đường cần tránh hai thái cực: Kiêng khem quá mức đưa đến suy dinh dưỡng, hoặc sinh hoạt bừa bãi do tâm lý bất cần. Một chế độ ăn uống hợp lý bao gồm kiêng tuyệt đối các thức ăn ngọt (đường, bánh, kẹo), ăn vừa phải chất tinh bột (cơm, cháo, mì, phở, bún, v.v…), ăn nhiều rau và trái cây ít ngọt, hạn chế muối và thức ăn nhiều dầu mỡ, uống đủ nước. Về sinh hoạt, người bệnh nên cố gắng vận động tùy theo khả năng, chẳng hạn như tránh ngồi một chỗ quá lâu, tập thể dục hoặc chơi thể thao vừa sức và đều đặn. Người bệnh cũng cần tuân thủ toa thuốc được bác sĩ chỉ dẫn, và tái khám đúng hẹn để được theo dõi chặt chẽ.
Với đàn ông, bệnh tiểu đường được ví như kẻ thù nguy hiểm bởi nó gây ảnh hưởng đến chức năng tình dục. Vậy có cách nào khắc phục tình trạng này?
Bệnh đái tháo đường không được điều trị tốt có thể gây ra bệnh lý thần kinh tự chủ, trong đó có tình trạng bất lực, giảm ham muốn tình dục. Để khắc phục, người bệnh cần phối hợp với bác sĩ để kiểm soát tốt đường huyết nhằm phòng ngừa hoặc điều trị hiệu quả biến chứng này.
Ngoài thuốc tây, trong dân gian lưu truyền một số bài thuốc nam có tác dụng chữa khỏi bệnh tiểu đường? Bác sĩ nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Các bài thuốc Nam là kinh nghiệm dân gian chứ chưa có bằng chứng khoa học thử nghiệm trên người bệnh đái tháo đường, nên vai trò điều trị hết sức hạn chế. Mặt khác, nếu người bệnh đái tháo đường sẵn có bệnh lý gan – thận, việc tự ý dùng thuốc Nam không đúng có thể làm chức năng gan – thận xấu hơn.
Lời khuyên của bác sĩ là người bệnh nên áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh, vận động vừa phải, và khám ở những cơ sở y tế có uy tín để có thể sống vui, sống khỏe với căn bệnh đái tháo đường của mình.
BS Lê Hoàng Bảo (Khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM)
Theo Một thế giới