Ngày 23/11, 163 đưa tin nam diễn viên Trần Chí Bằng bị tố bán vàng kém chất lượng cho khách hàng. Theo người tiêu dùng, trang sức họ nhận được khác với mẫu tài tử Hoàn Châu cách cách giới thiệu trước đó. Không chỉ vậy, vàng còn bị phai màu, nghi vấn anh bán hàng giả.
Trước ồn ào, nam diễn viên cho biết: "Là bịa đặt, họ vu khống cho tôi". Lời thanh minh của Trần Chí Bằng không được tin tưởng khi ngày càng có nhiều người mua hàng đứng ra "vạch mặt" anh.
Trước Trần Chí Bằng, Trần Tiểu Xuân hay vợ của Trần Hạo Dân - Tưởng Lệ Sa cũng vướng phải lùm xùm bán hàng rởm.
Xu hướng "ăn xổi ở thì"
Nếu như cách đây vài năm, livestream bán hàng được xem là một nghề kém sang, chỉ dành cho những nghệ sĩ hết thời, bị tẩy chay không có phim đóng mới phải hạ mình đi tiếp thị sản phẩm để kiếm sống qua ngày. Thế nhưng, thời thế đã đổi thay.
Tại Trung Quốc, nghệ sĩ livestream quảng bá sản phẩm và bán hàng đang là xu hướng mới trong showbiz Hoa ngữ. Theo Sina, kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, số lượng người mua hàng trực tuyến ở Trung Quốc tăng đột biến. Nhiều trang thương mại điện tử bắt đầu mời những ngôi sao tên tuổi quảng bá sản phẩm trong các buổi phát sóng trực tuyến để lôi kéo khách.
Angelababy kiếm được 14 triệu NDT cho nhãn hàng sau 5 tiếng livestream.
Đứng trước việc thu nhập bị siết chặt, hoạt động trong giới giải trí chưa khôi phục hoàn toàn, không ít ngôi sao đã thay đổi cái nhìn, sẵn sàng đón nhận công việc "mua vui cho khán giả" để kiếm nguồn thu nhập cao và mở rộng tương tác trực tiếp với người hâm mộ.
Theo thống kê chưa đầy đủ của Nhật báo kinh doanh Bắc Kinh, tính từ đầu năm 2020 đến nay, đã có hơn 200 nghệ sĩ, trong đó có những ngôi sao hạng A showbiz như Địch Lệ Nhiệt Ba, Angelababy, Triệu Vy, Ngô Diệc Phàm, Lộc Hàm... xuất hiện trên các kênh mua sắm trực tuyến để bán hàng hóa.
Sự xuất hiện của các tên tuổi hàng đầu đã giúp nhiều kênh thương mại điện tử thu về hàng chục triệu USD chỉ trong vài giờ livestream ngắn ngủi. Từ những ngôi sao giải trí, giờ đây họ biến thành ông hoàng, bà hoàng bán hàng online.
Theo Bắc Kinh Nhật báo, Angelababy bán được tổng cộng 97.000 đơn hàng, đạt doanh thu hơn 14 triệu NDT chỉ trong 5 tiếng livestream với số lượng người xem cực khủng 26 triệu. Hay Lưu Đào trở thành hiện tượng khi bán được số hàng hóa có trị giá 150 triệu NDT sau 4 tiếng phát sóng trực tuyến.
Sina gọi lĩnh vực kiếm sống mới của nghệ sĩ Trung Quốc là xu hướng "ăn xổi ở thì", làm ngay ăn ngay để bắt kịp thị hiếu của khán giả. Nhân viên công tác của một trang thương mại cho biết từng nhìn thấy nhiều ngôi sao hạng A tất tả chạy từ thành phố này sang thành phố khác, sáng quay phim tối phát sóng trực tuyến.
"Tôi từng chứng kiến cảnh Lưu Đào quay phim ở Quảng Đông, nhưng tối đến phải di chuyển sang Hàng Châu livestream bán hàng. Ê-kíp 10 người đi đi lại lại đến phờ phạc. Trên mạng, các bạn nhìn thấy họ rất xinh đẹp, vui vẻ và huyên náo, nhưng đằng sau đó lại là sự tạm bợ, tới đâu tính tới đó đúng cả nghĩa đen lẫn bóng", Giám đốc truyền thông của Taobao cho biết.
Đại diện của Taobao nói thêm: "Công việc đầu tiên của nghệ sĩ trong giờ nghỉ giải lao sau ống kính không phải là ăn hay ngủ mà là phải vùi đầu vào các trang kịch bản, lao vào kho hàng xem lại sản phẩm tiếp theo sẽ giới thiệu đến khán giả. Số lượng lên đến hàng chục món, nhưng chỉ có vài phút để ghi nhớ. Nhìn thì tưởng dễ như ăn kẹo nhưng thực chất còn áp lực và khó như việc leo núi đao xuống biển lửa".
Dương Mịch được mệnh danh là "nữ hoàng mang hàng" trong giới nghệ sĩ vì thành tích bán sản phẩm đáng nể trên sóng livestream.
Trên QQ, chuyên gia phụ trách truyền thông của nền tảng Kuaishou cho biết với những người nổi tiếng áp lực lớn nhất vẫn là việc phân bổ thời gian và sức lực. Trường hợp chạy show như Lưu Đào là "chuyện thường như ăn cơm bữa" trong giới nghệ sĩ, song về lâu dài sẽ khiến họ kiệt sức, làm việc qua loa cho xong chuyện. Điều này sẽ khiến sóng bán hàng trực tuyến bị loãng, chất lượng nội dung đi xuống
"Sự đổ bộ đồng loạt của giới nghệ sĩ chứng minh việc họ thấy được tiềm năng từ ngành thương mại điện tử. Tuy nhiên, ê-kíp của phần lớn ngôi sao chỉ xem đây là công việc thời vụ, dễ kiếm tiền, thu hút lượng lớn fan và tăng độ phủ sóng. Thế nhưng, làm việc trong ngành này không hề dễ dàng, bên cạnh những áp lực thông thường, họ đối mặt với không ít thách thức mà chỉ một sự cố nhỏ cũng có thể bị quật ngã bất cứ lúc nào", Ifeng cho biết.
Nổi cộm nạn bán hàng giả
Thực tế, bên cạnh sự thịnh vượng, cơn sốt livestream cũng đang mang đến cho nghệ sĩ không ít vấn đề tiêu cực và cả nguy cơ khủng hoảng.
Số lượng các ngôi sao gia nhập các nền tảng thương mại trực tuyến ngày một tăng lên, nhưng người xem cho rằng chất lượng hàng hóa ngày càng kém, nội dung chương trình xuất hiện nhiều chiêu trò làm lố quá đà hay gây tranh cãi.
Nhiều người nổi tiếng bị phàn nàn hám tiền, nhận quảng cáo bừa bãi không quan tâm đến sản phẩm đã "chọn mặt gửi vàng" để rồi đưa đến tay khán giả hàng hóa giả, kém chất lượng có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Nam diễn viên Trần Tiểu Xuân cách đây không lâu đã bị hàng nghìn người hâm mộ gửi đơn khiếu nại đến Bộ Thương mại Trung Quốc vì nghi vấn bán vàng kém chất lượng. Trong buổi livestream trước đó, tài tử Lộc đỉnh ký đã đã rao bán vàng miếng với giá 9,9 NDT, đã bao gồm cước phí vận chuyển.
Trần Chí Bằng (trái) và Trần Tiểu Xuân hứng chịu vô số chỉ trích vì bị cho là bán hàng giả.
Thấy giá hời cũng như tin tưởng vào danh tiếng của "Vi Tiểu Bảo" họ Trần, hơn 10.000 khán giả đã đặt mua. Sau cùng, sản phẩm họ nhận về là một miếng đồ mạ vàng, chứ không phải vàng miếng như quảng cáo. "Của rẻ là của ôi. Chỉ trách người hâm mộ quá tin vào Trần Tiểu Xuân mà quên đi đạo lý muôn thuở", Toutiao đánh giá.
Tuy không xảy ra tình trạng khoe thân phản cảm hay tạo chiêu trò lố lăng để câu kéo khán giả như một số streamer trên mạng xã hội, song không ít sao Hoa ngữ lại bị phàn nàn về tác phong làm việc thiếu chuyên nghiệp.
Cuối tháng 8, Trịnh Sảng từng hứng chịu vô số chỉ trích của khán giả vì nổi nóng, có hành vi mất kiểm soát trong lúc livestream bán hàng. Sau đó, cô phải lên tiếng xin lỗi đồng nghiệp và công chúng.
Chưa rút kinh nghiệm từ sự cố lần trước, đầu tháng 11, nữ nghệ sĩ trẻ tiếp tục bị phê bình vì đến muộn nhiều tiếng đồng hồ, phải đeo khẩu trang phát sóng trực tuyến do không kịp trang điểm, làm tóc. Trước đó vài ngày, cô từng bị phàn nàn thiếu chỉn chu khi xuất hiện với gương mặt mộc phờ phạc và mái tóc rối trong video tuyên truyền cho đêm hội Kuaishou chào mừng Lễ Độc thân.
Tân Hoa Xã đánh giá cơn sốt thương mại điện tử đã tạo ra bong bóng thị trường bán hàng trực tuyến vì phát triển quá đà, mất kiểm soát. "Nhiều ngôi sao cứ mù quáng nhảy vào theo trào lưu trong khi hoàn toàn thiếu hiểu biết cơ bản về lĩnh vực này. Còn các thương hiệu lại cố gắng kiếm lợi nhuận ngắn hạn từ tên tuổi của người nổi tiếng. Kết quả là tạo ra một môi trường bán hàng bát nháo, thiển cận", tờ báo uy tín bậc nhất Trung Quốc đánh giá.
Buổi livestream của Tạ Mạnh Vỹ bị gián đoạn vì bị đại diện nhãn hàng gây rối.
Tháng 10 vừa qua, buổi phát sóng trực tiếp của nam diễn viên Tạ Mạnh Vỹ bị một người lạ bất ngờ lao vào, xé áp phích và đập vỡ nhiều thiết bị ghi hình. Sự cố gây xôn xao khắp mạng xã hội.
Theo Sohu, người gây ra cảnh náo loạn trên là đại diện nhãn hàng Mạnh Vỹ nhận lời quảng cáo sản phẩm. Trong quá trình livestream, anh đã tự ý hạ giá vô tội vạ để câu kéo người hâm mộ. Điều này khiến người đại diện bất mãn, trong lúc nóng giận ông đã có hành vi bạo lực.
Trên mạng xã hội, khán giả đặt nghi vấn, nam diễn viên sử dụng chiêu trò nhằm gây chú ý vì khi sự việc xảy ra Tạ Mạnh Vỹ tỏ vẻ rất bình tĩnh, không gấp gáp gọi người đến hỗ trợ mà để mặc cho người đàn ông đập phá trước hàng chục nghìn người xem.
Không chỉ vậy, tài tử còn bị người mua liên tục phàn nàn về việc nhận được hàng giả hoặc bị hư hỏng. Trái với tuyên bố sẽ đứng ra bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước đó, khi bị khiếu nại anh chỉ biết khóc lóc xin lỗi. Theo Sina, Tạ Mạnh Vỹ đang đối diện với nguy cơ bị Tổng cục cấm sóng.
Cú tuýt còi của giới chức Trung Quốc
Lo ngại trước tình trạng mất kiểm soát trên môi trường mạng, cuối tháng 11, Tổng cục Phát Thanh và Truyền hình Trung Quốc ban hành thông báo tăng cường quản lý các chương trình phát sóng trực tuyến (livestream), tiếp thị thương mại điện tử trên mạng Internet đối với giới nghệ sĩ.
Quy định ghi rõ chính quyền không tạo cơ hội cho những nghệ sĩ vi phạm pháp luật, xuống cấp đạo đức xuất hiện và lên tiếng trước công chúng trên nền tảng truyền thông mạng.
Theo Sohu, Phạm Băng Băng, Lý Tiểu Lộ, Trần Hách... sẽ là những cái tên đầu tiên bị "triệt đường sống" vì bê bối từng vướng phải trong quá khứ. Dính vào tai tiếng chấn động, bị các nhãn hàng quay lưng, không nhà sản xuất phim nào dám hợp tác, họ vẫn có thể sống tốt, sống khỏe và kiếm được bộn tiền nhờ bán hàng online.
Lý Tiểu Lộ là một trong những cái tên nằm trong danh sách đen cấm sóng của Tổng cục.
Đây là được xem là động thái quyết liệt của Tổng cục thẳng tay "cấm cửa" nghệ sĩ vướng bê bối và siết chặt mô hình kiếm sống mới trong showbiz sau nhiều lần úp mở. "Đã đến lúc cần phải nhổ cỏ tận gốc, thanh lọc môi trường mạng", Tân Hoa Xã nhận định về chính sách mới của chính quyền Trung Quốc.
Những nghệ sĩ, chương trình vi phạm sẽ bị xử lý tùy theo mức độ nghiêm trọng. Trong đó, hình phạt nặng nhất sẽ là phạt hành chính và đóng cửa kênh phát sóng trực tiếp. Những đơn vị, cá nhân bị liệt vào danh sách đen của Tổng cục sẽ không được phép thay đổi ID hoặc chuyển đổi nền tảng để livestream trở lại.
Bên cạnh đó, quy định cũng nêu rõ các chương trình phát sóng trực tiếp phải phân loại nội dung rõ ràng. Với người nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng trong và ngoài nước, các cá nhân phải báo cáo với cơ quan chức năng khi mở kênh livestream nhằm thuận tiện cho việc quản lý.
Trên mạng xã hội, nhiều khán giả đồng tình với Tổng cục và cho rằng việc này sẽ giúp thanh lọc nền tảng thương mạng trực tuyến gần đây đã xuất hiện dấu hiệu bát nháo và giúp cho giới nghệ sĩ nghiêm túc trong công việc, cẩn trọng hơn trong phát ngôn lẫn hành động.
Theo Sina, lệnh cấm của cơ quan chức năng sẽ khiến không ít nghệ sĩ, nhất là những người đang bị "cấm vận" hoạt động rơi vào thế bí, thậm chí túng quẫn vì mất đi nguồn thu nhập triệu USD.
Theo Zing