Ngày 17/10, việc giải cứu nhóm công nhân gặp nạn ở thủy điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) vẫn chưa có hồi kết. Mưa lớn được dự báo kéo dài 5 ngày đang làm gián đoạn công tác tìm kiếm, cứu hộ của lực lượng chức năng.
Sau khi xảy ra thêm trận lũ ống đêm 12/10 khiến 13 cán bộ, chiến sĩ ở tiểu khu 67 hy sinh, nhiều người đặt câu hỏi vì sao các sự cố thiên tai liên tiếp xảy ra quanh khu vực này.
Đới đứt gãy hoạt động mạnh
Theo TS Trịnh Xuân Hòa, Phó viện trưởng Viện Khoa học địa chất và khoáng sản, địa hình tại huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế, nhất là khu vực xung quanh thủy điện Rào Trăng 3 có nhiều điểm đặc biệt cần phân tích.
Ông Hòa nói địa hình Rào Trăng phân cắt trung bình, 2 bên bờ sông dốc và hẹp, mặt cắt thung lũng dạng chữ V, kéo dài theo phương á vĩ tuyến.
Khu vực này tồn tại đới đứt gãy Đrakrông - A Lưới với quy mô lớn, đồng thời gần nơi giao nhau giữa đứt gãy Đrakrông - A Lưới với một đới đứt gãy địa phương theo hướng đông bắc - tây nam.
Ngoài ra, thảm phủ tại đây là rừng tái sinh, cây thân gỗ là chủ yếu, cây bụi khá phát triển với độ che phủ 90%. Đất đá chủ yếu là granit phức hệ Hải Vân.
Trận sạt lở trưa 12/10 vùi lấp khu nhà điều hành thuỷ điện Rào Trăng 3.
Từng có thời gian nghiên cứu về khu vực này, ông Hòa cho biết dọc tuyến đường thủy điện Alin đến thủy điện Rào Trăng chỉ quan sát thấy đới phong hóa mạnh và đều có bề dày 6-9 m. Đây là nơi quá trình trọng lực sườn xảy ra rất mạnh.
"Tại khu vực Rào Trăng 3, sản phẩm phong hóa thành phần chủ yếu là cát, sạn bở rời. Vật liệu phong hóa bở rời hoặc hỗn độn, mềm hoặc chỉ cứng một phần, khả năng liên kết kém", ông Hòa phân tích.
Vị chuyên gia nhận định nhóm nguyên nhân tác động kích hoạt gây trượt lở đất đá gồm mưa và cắt xẻ taluy cao, dốc để làm công trình. Việc làm đường giao thông và lấy mặt bằng xây dựng nhà ở cũng làm mất cân bằng sườn dốc, dẫn đến nguy cơ xảy ra trượt lở đất đá.
Lực lượng chức năng tìm người mất tích ở tiểu khu 67.
Về điều kiện khí tượng ở khu vực này, ông Phạm Văn Chiến, Phó giám đốc Đài khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ, nhận định thủy điện Rào Trăng 3 nằm ở đầu nguồn sông Bồ, không có dân cư sinh sống và đi lại rất khó khăn. Các trạm quan trắc không được đặt ở đây nên cơ quan khí tượng chưa có nhiều thông tin về số liệu mưa lũ xảy ra tại khu vực.
Tuy nhiên, ông Chiến đánh giá tần suất xảy ra mưa lũ ở khu vực này tương tự lưu vực sông Bồ. Tại đây, mưa có xu hướng xảy ra nhiều, với lượng lớn hơn so với các lưu vực sông khác ở Trung Trung Bộ.
Sự khác biệt này xảy ra do địa hình Thừa Thiên - Huế có sự chuyển tiếp khá đột ngột từ vùng núi qua đồng bằng.
Tác động của con người gây mất cân bằng địa chất
Một chuyên gia ngành địa chất đánh giá sự cố xảy ra tại thủy điện Rào Trăng 3 là vô cùng nghiêm trọng. Chưa có cơ sở nào cho thấy nguyên nhân của sự cố này đến từ việc quy hoạch thủy điện. Nhưng sự việc xảy ra là bài học để chủ đầu tư, lãnh đạo địa phương và các nhà khoa học nhìn nhận, đánh giá kỹ lượng về nguy cơ sạt lở ở thủy điện được xây dựng tại các vùng sâu, vùng xa.
Ở góc độ chuyên môn, vị này cho biết khi xây dựng một công trình thủy điện, các công đoạn cần làm là phải xẻ núi, đắp đập, làm công trình phụ trợ... Trong khi, một quả núi phải mất quá trình hàng triệu năm mới hình thành thế cân bằng, thì sự can thiệp của con người sẽ làm mất đi xu thế này.
"Tôi gọi đây là xu thế vĩnh cửu mà tự nhiên đã tạo ra hàng triệu năm. Nếu không phải tác động của tự nhiên như là động đất, núi lửa, thì việc con người tác động mà không có những giải pháp gia cố, có thể gây ra những sự cố đáng tiếc như Rào Trăng hay nhiều thủy điện khác", chuyên gia phân tích.
Việc đưa phương tiện cơ giới vào thủy điện Rào Trăng 3 gặp khó khăn do đường 71 còn nhiều đất đá.
Chuyên gia này cũng cho rằng đối với chủ đầu tư, đây có thể là thiệt hại mà không thể cứu vãn, nhưng cũng là một bài học.
Từng là người giám sát thi công tại các dự án thủy điện, vị này cho biết đối với một số công trình, mảng giám sát an toàn trong quá trình công nhân thi công được đề cao. Chủ đầu tư có những yêu cầu cụ thể, dễ dàng cho nhóm tư vấn, giám sát thực hiện.
Với vụ việc ở Rào Trăng 3, chuyên gia cho rằng chưa thể nhận định rõ nguyên nhân sạt lở do quy hoạch, giám sát hay tự nhiên. Nhưng theo lý thuyết, việc xây dựng các hồ thủy điện chắc chắn gây ra các kích thích cho những khu vực xung quanh, kết hợp với nguyên nhân nội sinh ở dưới lòng đất có thể tạo ra những tương tác gây ra sạt lở.
Đánh giá thêm về nguy cơ trượt lở đất đá trên địa bàn huyện Phong Điền, TS Trịnh Xuân Hòa (Phó viện trưởng Viện Khoa học địa chất và khoáng sản) dẫn kết quả điều tra cho thấy tất cả các điểm trượt đều xảy ra khi có mưa, hoặc trước đó có mưa lớn kéo dài. Và theo thống kê, huyện Phong Điền có 40/42 điểm trượt xảy ra tại taluy.
Nguyên nhân nội tại hàng đầu gây trượt lở là các hệ thống đứt gãy phát triển rất mạnh với nhiều phương giao cắt nhau, làm cho khu vực này xuất hiện các đới dập vỡ quy mô rộng. Còn nguyên nhân tác động kích hoạt của các đới này thuộc về hoạt động xây dựng của con người.
Ông Hòa cảnh báo tình trạng trượt lở ở huyện Phong Điền (khu vực có thủy điện Rào Trăng 3 và 4) chủ yếu xảy ra tại khu vực đồi núi cao và có mức độ phân cắt mạnh. Khu vực này chạy dọc theo đường quốc lộ 71 đi từ xã Phong Xuân, huyện Phong Điền đến xã Hồng Vân, huyện A Lưới.
Theo Zing