vi sao tao quan 2 ong chi co 1 ba? hinh anh 1
Hình ảnh Táo quân "hai ông một bà" trong tranh dân gian Đông Hồ

Phong tục truyền thống của người Việt, ngày 23 tháng Chạp là ngày tiễn Táo quân về trời, để báo cáo những chuyện gia đình trong một năm.

Sự tích Táo quân không xa lạ với hầu hết người Việt Nam, tuy nhiên nhiều người vẫn băn khoăn về tính phi lý trong sự tích này.

Không hề ngược đời

Theo PGS. TS Đỗ Lai Thúy, nhà nghiên cứu văn hóa, văn học dân gian, không chỉ trong sự tích Táo quân mà sự tích Trầu cau cũng có tình huống gần tương tự. Trong đời sống ngày nay, chuyện “hai ông một bà” khó có thể chấp nhận.

Sự tích Táo quân phản ánh một giai đoạn từng tồn tại trong lịch sử đó là chế độ đa phu, một người phụ nữ có thể lấy nhiều chồng.

“Ngày nay, chế độ một vợ một chồng là hợp pháp, nếu lấy đó để xem xét câu chuyện này sẽ thấy trái với luân thường, đạo lý. Thậm chí, hai người đàn ông có chung vợ còn bị coi là nỗi nhục. Tuy nhiên, nhìn dưới góc độ lịch sử xã hội thời kỳ đó hoàn toàn không ngược đời”, ông Thúy nói.

Nhà nghiên cứu văn hóa phân tích, lịch sử con người trên thế giới đều trải qua các giai đoạn tạp hôn, tất cả đều là vợ chồng của nhau, rồi đến quần hôn tức là hôn nhân theo nhóm. Sau đó đến thời kỳ mẫu hệ, vai trong phụ nữ được đề cao và xuất hiện chế độ đa phu.

Thời phong kiến ảnh hưởng là thời kỳ phụ hệ, người đàn ông được lấy nhiều vợ, chế độ đa thê kéo dài nhất, nhiều vùng vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Chế độ một vợ, một chồng xuất hiện sau cùng.

“Sự tích Táo quân dù không phản ánh hoàn toàn chế độ đa phu, mối quan hệ hai ông một bà không diễn ra đồng thời. Tuy nhiên, qua lời kể dân gian, vì thương xót cho ba nhân vật trọn tình vẹn nghĩa nên đã tác thành “hai ông một bà”, phong họ là ba vị thần trông coi việc bếp núc”, PGS Thúy cho hay.

Bi kịch có hậu

Theo TS. Trần Phương, giảng viên khoa Văn hóa & Phát triển, HV Báo chí & Tuyên truyền, sự tích Táo quân có cả ở Việt Nam và Trung Quốc cùng nhiều dị bản.

Sự tích Việt Nam có mô-típ chung là câu chuyện về ba người, do hoàn cảnh éo le mà trở thành hai chồng một vợ. Họ nguyện chết cùng nhau để không chia lìa, cảm động vì điều đó Ngọc Hoàng phong họ làm Táo quân.

Nguồn gốc Táo quân của người Trung Quốc cũng rất đa dạng nhưng truyền thuyết về cặp đôi "thần bếp" với chồng tên Tô Cát Lợi và vợ Vương Thị được xem là phổ biến nhất.

“Điểm chung của sự tích là đều ca ngợi những nhân vật sống tình nghĩa, lý giải cho phong tục thờ cúng, tiễn Táo quân vào ngày 23 tháng Chạp. Chuyện hai ông một bà có thể coi là một bi kịch có hậu khi cả vị này đều được phong thần, bên nhau mãi mãi.

Qua đó, dân gian cũng gửi gắm ước mong bị kịch này sẽ không lặp lại. Vì vậy, người ta có câu: Thế gian, một vợ, một chồng/ Không như vua bếp hai ông một bà”, TS Phương cho hay

Theo Dân Việt