Vì sao tòa sơ thẩm tiếp tục quyết định tạm giam bà Phương Hằng?

Tòa án cấp sơ thẩm có quyền tạm giam thời gian tối đa đối với các bị can thuộc loại tội nghiêm trọng là 90 ngày với trường hợp bất khả kháng.

Như đã đưa tin, ngày 5/5, TAND TPHCM ra quyết định tạm giam đối với bà Nguyễn Phương Hằng (52 tuổi, Tổng giám đốc công ty cổ phần Đại Nam) thêm 60 ngày để chờ xét xử. 

Trong vụ án này, bà Hằng và ông Đặng Anh Quân đang bị tạm giam, những người còn lại được áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú. Bà Nguyễn Phương Hằng bị khởi tố ngày 24/3/2022 và bị tạm giam cho tới nay.

Trước thông tin sự việc, bạn đọc băn khoăn rằng cơ quan điều tra đã tạm giam bà Hằng hơn 1 năm, vậy tòa sơ thẩm tiếp tục tạm giam thêm 60 ngày nữa dựa theo căn cứ nào?

Giải đáp băn khoăn của độc giả, TS. LS. Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư Hà Nội khẳng định, việc tạm giam 60 ngày đối với bị can Nguyễn Phương Hằng giai đoạn xét xử sơ thẩm là có căn cứ và phù hợp với quy định của pháp luật.

Vì sao tòa sơ thẩm tiếp tục quyết định tạm giam bà Phương Hằng?-1
Ngày 05/5, TAND TPHCM đã ra quyết định tạm giam bà Nguyễn Phương Hằng thêm 60 ngày để chờ xét xử.

Luật sư Cường phân tích, theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự Việt Nam, vụ án hình sự thông thường sẽ trải qua ba giai đoạn là điều tra, truy tố và xét xử.

Theo đó cả ba giai đoạn này, ba cơ quan tố tụng là cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án đều có thẩm quyền quyết định tạm giam bị can để phục vụ cho quá trình điều tra, truy tố, xét xử.

Tạm giam được áp dụng đối với bị can, bị cáo trong các giai đoạn khác nhau của tố tụng hình sự. Mục đích chính của biện pháp ngăn chặn tạm giam là để ngăn chặn bị can bỏ trốn, tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội hoặc gây cản trở, khó khăn cho cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết vụ án.

Việc tạm giam áp dụng thường xuyên, phổ biến và có nhiều hiệu quả ở giai đoạn điều tra, tuy nhiên giai đoạn truy tố và giai đoạn xét xử, thậm chí sau khi xét xử các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn có thể áp dụng biện pháp tạm giam để truy tố, xét xử và để đảm bảo thi hành án theo quy định của pháp luật.

Pháp luật quy định rất cụ thể về trường hợp nào phải tạm giam

Theo luật sư Cường, pháp luật về tố tụng hình sự Việt Nam quy định rất cụ thể trường hợp nào tạm giam, trường hợp nào không áp dụng biện pháp tạm giam, quy định cụ thể về thủ tục, về thẩm quyền, về thời hạn tạm giam đối với từng loại tội khác nhau.

Theo đó, thời hạn tạm giam bị can để điều tra không quá 2 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá 3 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá 4 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Vì sao tòa sơ thẩm tiếp tục quyết định tạm giam bà Phương Hằng?-2
TS. LS. Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư Hà Nội.

Trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, xét thấy cần phải có thời gian dài hơn cho việc điều tra và không có căn cứ để thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam thì chậm nhất là 10 ngày trước khi hết thời hạn tạm giam, Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát gia hạn tạm giam.

Trong thời hạn tạm giam, nếu xét thấy không cần thiết phải tiếp tục tạm giam, Cơ quan điều tra phải kịp thời đề nghị Viện kiểm sát hủy bỏ việc tạm giam để trả tự do cho người bị tạm giam; hoặc xét thấy cần thiết thì áp dụng biện pháp ngăn chặn khác. Khi đã hết thời hạn tạm giam, người bị tạm giam phải được trả tự do.

Trường hợp xét thấy cần thiết, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng áp dụng biện pháp ngăn chặn khác.

Trong vụ án này, bị can Nguyễn Phương Hằng và các đồng phạm bị truy tố về tội lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân theo quy định tại khoản 2, Điều 331 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 với khung hình phạt là phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.

Đây là tội phạm nghiêm trọng theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 9 Bộ luật hình sự nên theo các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành, thời hạn tạm giam để điều tra sẽ không quá 5 tháng nhưng không tính thời hạn điều tra bổ sung khi viện kiểm sát hoặc tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Khi hồ sơ chuyển sang viện kiểm sát, Bộ luật tố tụng hình sự cũng quy định thẩm quyền tạm giam để truy tố theo thời hạn truy tố mà bộ luật tố tụng hình sự đã quy định cho viện kiểm sát.

Về thẩm quyền quyết định tạm giam được quy định đối với những người được liệt kê tại điều 113 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 như sau: Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp.

Tòa cấp sơ thẩm có quyền tạm giam bị cáo đến 90 ngày

Luật sư Cường cho biết, giai đoạn chuẩn bị xét xử đối với vụ án nghiêm trọng như vụ án này, thời hạn để xét xử cho đến khi mở phiên tòa sơ thẩm không quá 75 ngày, trong thời hạn này tòa án có quyền gia hạn tạm giam để phục vụ cho việc xét xử và đảm bảo thi hành án.

Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định thời hạn tạm giam để tòa án chuẩn bị xét xử không được quá thời hạn chuẩn bị xét xử quy định tại khoản 1 Điều 277 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.

Đối với bị cáo đang bị tạm giam mà đến ngày mở phiên tòa thời hạn tạm giam đã hết, nếu xét thấy cần tiếp tục tạm giam để hoàn thành việc xét xử, HĐXX sẽ ra lệnh tạm giam cho đến khi kết thúc phiên tòa.

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, tòa án phải mở phiên tòa; trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan, tòa án có thể mở phiên tòa trong thời hạn 30 ngày.

Như vậy, với vụ án nghiêm trọng như vụ án này, thời hạn xét xử cho đến khi mở phiên tòa của tòa án cấp sơ thẩm là 75 ngày, nếu trường hợp bất khả kháng thì có thể kéo dài đến 90 ngày. Trong thời hạn này thì tòa án có quyền áp dụng biện pháp tạm giam đối với các bị can, bị cáo để đảm bảo cho việc xét xử được thuận lợi.

Thậm chí sau khi xét xử sơ thẩm, HĐXX vẫn có quyền quyết định tạm giam để thực hiện các thủ tục tố tụng tiếp theo. 

Theo Dân Trí

Xem link gốc Ẩn link gốc https://dantri.com.vn/ban-doc/vi-sao-toa-so-tham-tiep-tuc-ra-quyet-dinh-tam-giam-ba-phuong-hang-20230510080510265.htm?fbclid=IwAR2C2AdPm_GlmjLdRZMEDBWfqrtJd-FIDlyJI09nd8MtVKQNCoPum22HrWU

Nguyễn Phương Hằng

Tin tức mới nhất