Nếu tử vi phương Tây dùng các chòm sao trên trời để xác định cung hoàng đạo của một người dựa vào tháng sinh, thì người Trung Quốc lấy 12 con giáp làm vòng tròn cung hoàng đạo dựa vào năm sinh của mỗi người. Do ảnh hưởng từ văn hóa Trung Hoa nên người Việt cũng tính tuổi dựa theo các con giáp.
Ngày nay, nhiều người vẫn còn thắc mắc đến nguồn gốc của 12 con giáp. Tại sao lại là Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi và được xếp theo thứ tự như vậy?
Có nhiều sự tích giải thích về 12 con giáp này, tuy nhiên dân gian Trung Quốc từ xưa thường truyền miệng một câu chuyện phổ biến. Theo đó, Ngọc Hoàng - người cai trị thiên đình chính là người đã xếp vị trí các con vật vào vòng tròn hoàng đạo, dựa trên 1 cuộc thi.
Video: Sự tích về 12 con giáp (Nguồn: Internet)
Câu chuyện được kể lại như sau:
"Ngọc Hoàng, người cai quản thiên đình đã kêu gọi tất cả loài vật tham gia cuộc thi vào ngày sinh nhật của ngài. Đó là một cuộc đua dài và gian khổ, băng qua cánh rừng gỗ rậm rạp, nguy hiểm và một con sông rộng lớn.
Mèo và chuột cùng bàn nhau gian lận bằng cách nhờ trâu khỏe mạnh và tốt bụng cho chúng đi nhờ và hứa rằng sẽ để trâu thắng. Khi 3 con vật gần cán đích, chuột ranh ma liền đẩy mèo ngã nhào xuống nước và nhảy lên trước trâu. Vậy nên, chuột về đích đầu tiên và đứng đầu trong vòng tròn 12 con giáp. Tiếp đến là con trâu.
Hổ là chúa tể muôn loài, mạnh mẽ, nhưng chỉ về đích thứ ba và trở thành biểu tượng hoàng đạo thứ ba.
Thỏ về vị trí thứ 4.
Tiếp đến là rồng quyền lực và huyền bí. Ai cũng ngỡ rằng rồng có cánh sẽ bay về đầu tiên, nhưng hóa ra rồng chỉ về vị trí thứ 5. Giải thích với Ngọc Hoàng về sự chậm trễ, rồng nói phải dừng lại để làm mưa dập tắt đám lửa lớn trên đường.
Ít lâu sau, ngựa chuẩn bị cán đích thứ 6 thì không rõ rắn từ đâu bò lên trước khiến ngựa hoảng loạn. Vậy là rắn về vị trí thứ 6 rồi đến ngựa.
Cừu, khỉ và gà cùng giúp nhau trong cuộc đua.
Trong khi vượt sông, gà nhìn thấy một cái bè, chúng cùng nhau leo lên và chèo qua sông.
Ngọc Hoàng rất hài lòng trước nỗ lực của cả nhóm và vinh danh cừu đứng thứ 8, khỉ thứ 9, và gà thứ 10.
Chó sủa một tiếng rồi nhảy qua vạch đích, đứng vị trí 11.
Cuối cùng, lợn kết thúc cuộc đua và xếp vị trí 12.
Ngọc Hoàng hỏi sao lợn lại về đích trễ, lợn trả lời: 'Con rất đói nên dừng lại tìm thức ăn. Ăn xong, con buồn ngủ liền chợp mắt. Thật may con tỉnh dậy kịp để kết thúc'.
Mọi người đều cười và tán dương sự thành thật của lợn.
Vậy còn mèo thì sao?
Mèo suýt chết đuối sau khi bị chuột phản bội.
Khi mèo về tới đích thì mọi người đã đang ăn mừng.
Vô cùng cay cú, mèo thề sẽ ghét chuột mãi mãi, và chúng mãi là kẻ thù không thể chung sống hòa thuận".
Có 1 sự khác biệt rõ ràng trong 12 con giáp của Trung Quốc và Việt Nam. Ở nước ta, Mão là Mèo chứ không phải hình tượng Thỏ như ở Trung Quốc. Theo một số chuyên gia giải thích như sau: Người Trung Quốc căn cứ vào lịch sử thuần dưỡng súc vật để chọn ra 12 con giáp. Loài mèo được người thuần dưỡng muộn hơn các loài kia nên không được chọn làm biểu tượng của vòng trong hoàng đạo.
12 con giáp của Trung Quốc (Ảnh: Internet)
12 con giáp của Việt Nam (Ảnh: Internet)
Mộc
Theo Vietnamnet