Ông chính là Nguyễn Hữu Dật (1603-1681), quê ở huyện Tống Sơn, nay là huyện Hà Trung tỉnh Thanh Hóa. Ông là con Tham tướng Chưởng cơ Nguyễn Triều Văn, được sinh ra ở Thăng Long, sau đó cha ông đưa gia đình vào nam theo chúa Nguyễn Hoàng từ năm 1609.

Theo sách Đại Nam chính biên liệt truyện: "Chưa đến tuổi lên mười mà Nguyễn Hữu Dật đã biết chơi trò bày trận cùng trẻ nhỏ trong miền, đặt trống chiêng cờ xí, tự nhận mình là đại tướng.

Cho nên, chỉ mới đến tuổi 16, họ Nguyễn Hữu được chúa Nguyễn Phúc Nguyên để mắt tới, chọn tuyển làm văn chức ở dinh Chúa. Nhưng, do vẫn còn tính xốc nổi của tuổi trẻ nên Nguyễn Hữu Dật được chúa Nguyễn sai Triều Văn đưa về nhà, tiếp tục rèn cặp, để sau này mới sử dụng". 

Đến năm 1626, ở tuổi 23, Nguyễn Hữu Dật mới chính thức được gọi vào cung làm quan. Ông đã cho thấy khả năng mưu trí đánh giặc của mình trong cuộc chiến tranh lần thứ nhất giữa Đàng Ngoài và Đàng Trong, năm 1627.

Cụ thể, bằng trí thông minh hơn người, ông dùng kế ly gián tung tin: “Ngoài Thăng Long, những kẻ phản thần đang âm mưu gây loạn, khiến chúa Trịnh hoang mang, lo lắng chuyện thực hư, cuối cùng phải rút quân về”. Ở các lần chiến tranh tiếp theo, kế phản gián và ly gián càng được Nguyễn Hữu Dật sử dụng khéo léo, lợi hại hơn.

Vị tướng nào có tài thiên văn, sánh ngang Khổng Minh của Trung Hoa?-1
Sử sách ca ngợi Nguyễn Hữu Dật là người sáng suốt, có tài lược, được ví như Gia Cát Lượng. (Ảnh minh hoạ)

Nguyễn Hữu Dật còn được biết đến là người giỏi xem thiên văn, giúp ông rất nhiều trong việc đánh trận. Việc này được sử sách ghi chép qua hai câu chuyện:

Chuyện đầu tiên diễn ra vào mùa thu năm 1657, khi chúa Trịnh Căn cho rằng tướng Thắng Nham đóng quân ở luỹ Đồng Hồn, đất ấy thấp và ẩm ướt, sợ đến mùa thu lụt, sẽ bị quân Nam đánh úp, nên muốn dời đồn đến chân núi Thổ Sơn.

Người do thám đem việc ấy về báo, Hữu Dật bảo Hữu Tiến: "Tôi đã tính đến ngày 25 là ngày Quý Hợi, sao Chẩn gặp triều độ mặt trời, tất có gió dữ mưa to, lại có khí đen suốt đến phần sao Đẩu. Mây trắng che vào chấn cung, phương bắc tức có nước lụt. Ta nhân dịp này, đánh úp đồn của Thắng Nham, tất là phá được”.

Đến ngày ấy quả nhiên mưa to gió lớn, nước sông lên cao. Hữu Dật đem quân thẳng tiến đến Đồng Hôn, theo nước lụt, đánh phá đồn ấy. Thắng Nham lên Thổ Sơn chạy trốn, quân chúa Nguyễn thu được khí giới rất nhiều.

Thắng to, Hữu Tiến mừng bảo Hữu Dật: "Ông tính giỏi như thần vậy”. Hữu Dật khiêm tốn nói: “Nhờ oai linh chúa thượng và sức các tướng, tôi có giỏi gì đâu”.

Chuyện thứ hai diễn ra vào mùa thu năm sau tức năm Mậu Tuất (1658) khi Nguyễn Hữu Tiến muốn quấy rối quân Trịnh, chia quân lần lượt ra các huyện Đông Thành, Hưng Nguyên và Nam Đàn (Nghệ An) đánh phá. Quân Trịnh phòng thủ nghiêm cẩn, nên quân chúa Nguyễn phải rút về.

Chợt có tên Phạm Phượng đến quân thứ Hữu Tiến nói: "Năm ngoái Thắng Nham giữ Đồng Hôn, bị Đốc chiến (Nguyễn Hữu Dật) đánh thua, Trịnh Căn sai Tham đốc là Vân Khả lĩnh quân thay giữ. Vân Khả là người tham bạo, có thể tìm cách đánh lấy được”.

Hữu Tiến sai người nói với Hữu Dật. Hữu Dật vui mừng nói: “Trước đây ta xem thiên văn thấy mây đen che vào sao Khôi, ngày 11, Mậu Thìn, là ngày lục long, tất có mưa lụt. Nhân lúc nước lên to mà đánh, tất là thắng hắn”.

Tướng Đật bè hẹn Hữu Tiến hội quân để đánh. Đến ngày đó quả nhiên mưa to, Hữu Dật trước đó đã đem thuyền quân ập đến lũy Đồng Hôn, đánh gấp. Quân Trịnh kinh sợ tan vỡ, Vân Khả trốn về Yên Trường, Hữu Tiến dẫn quân chiến thắng trở về.

Nhận xét về Nguyễn Hữu Dật, sách Đại Nam liệt truyện khen ngợi ông là người sáng suốt, có tài lược: “Ban đầu từ làm văn chức, ra làm giám chiến, danh vọng đã vang dậy rồi.

Đến lúc làm tướng, nhiều lần bày mưu cao, đánh đâu thắng đó, người đương thời rất nể trọng thường ví với những bậc quân sư nổi tiếng như Khổng Minh, Lưu Bá Ôn. Sau khi ông mất, dân Quảng Bình thương và nhớ, gọi là Bồ Tát, lập đền thờ ở xã Thạch Xá”.

Theo VTC