Những ngày gần đây, đoạn clip ghi lại cảnh nhiều người dân tham dự buổi lễ rằm tháng bảy tại một ngôi chùa ở Hà Nội chen lấn, xô đẩy để tranh giành đồ cúng cô hồn gây cảnh tượng hỗn loạn được chia sẻ rầm rộ trên các trang mạng xã hội.
Video ghi lại cảnh tượng hãi hùng trong ngày cúng rằm
Nhiều người cho rằng, việc giành giật đồ cúng cô hồn gây cái nhìn phản cảm. Tuy nhiên cũng có ý kiến việc này là bình thường, thậm chí nếu được ăn những đồ cúng đó, người ăn sẽ sớm được bình an, may mắn.
Nhiều người mang theo lồng gà để vợt tiền hoặc đồ cúng
Xô đẩy, giẫm đạp lên nhau để cướp
Những hình ảnh được ghi lại tại đường phố Sài Gòn trong ngày cúng rằm
TP HCM - nơi rất coi trọng lễ cúng cô hồn và vì thế trên mâm cúng, người ta thường để nhiều tiền cùng những vật dụng giá trị. Lợi dụng tín ngưỡng này, nhiều nhóm thanh niên đã rủ nhau cùng tụ tập đi giật đồ cúng, ngay cả khi người dân còn chưa kịp hoàn thành nghi lễ.
Các nhóm người này dùng xe gắn máy quần thảo các tuyến đường, ghi nhận nơi nào có mâm cúng lớn rồi gọi điện thoại cho nhau hẹn giờ cùng đến... xử. Ngay khi gia chủ vừa bày biện lễ vật, các nhóm này hô hào cùng xông vào, kẻ cướp người giật náo loạn đường phố.
Những món cúng cướp được như gà, vịt, lợn quay… được họ bán lại cho các quầy bánh mì, quán ăn... Những đồ vật có giá trị như mâm, lư đồng được họ bán cho các tiệm tạp hóa, cửa hàng gia dụng...
Ngã nháo nhào vì cướp đồ cúng
Không chỉ "soi" những mâm cúng lớn, thậm chí dù mâm lễ chỉ có tiền lẻ và đồ cúng là trái cây, kẹo bánh... họ vẫn cố giật cho bằng được. Để đựng được nhiều, có người còn cầm theo bịch nilon to.
Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Lê Quý Đức (nguyên Phó viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển) cho hay, cúng cô hồn vào ngày Rằm 15/7 là một phong tục tốt mang tính nhân văn, nhân bản. Cô hồn được xem là những hồn ma không nơi nương tựa, đói khổ, bị đày đọa. Cúng cô hồn mang ý nghĩa tâm linh, từ bi hỉ xả nhằm mục đích bố thí, cúng dường cho những vong hồn vật vờ.
Thành quả "cướp" được gói gọn trong chiếc lồng gà
Tuy nhiên, tín ngưỡng khi không được thể hiện đúng cách sẽ trở thành mê tín dị đoan và tạo điều kiện cho những hành vi xấu nảy sinh. Điển hình là việc nhiều gia chủ thả tiền thật trong ngày cúng cô hồn để lôi kéo đám đông tạo ra việc giành giật, gây mất trật tự, mất vệ sinh đường phố... trong một vài năm qua đã để lại ấn tượng xấu.
“Hành động hàng trăm người lao vào cướp giật lễ vật cúng cô hồn đều phản văn hóa, không có gì giống với phong tục truyền thống. Hiện tượng cướp đồ cúng lễ cho thấy họ không được giáo dục về văn hóa tâm linh, phản ánh sự tha hóa và người ta cũng chẳng hiểu cúng cô hồn là cái gì cả.
Việc người dân chen lấn, xô đẩy nhau để hôi đồ lễ chúng sinh nơi cửa chùa sẽ khiến nhà chùa mất đi sự tôn nghiêm vốn có. Hành vi này khi không điều chỉnh sẽ thành thói quen nguy hiểm, không chỉ ảnh hưởng đến phát triển nhân cách con người mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển của toàn xã hội”, PGS.TS Lê Quý Đức cho hay.
“Mọi người không nên đổ lỗi cho tập quán cúng cô hồn hay cúng thí thực. Hiện tượng cướp giật đồ cúng cô hồn thực chất bắt nguồn từ một tâm lý đang xuất hiện trong xã hội, tâm lý khát tiền, khát làm giàu nhanh chóng.
Từ chỗ ngưỡng mộ cái giàu đến chỗ tham lam vô lối, mê tín vô cùng đến mức hạ thấp phẩm giá. Để tránh xảy ra hình ảnh cướp giật đồ lễ, cần phải giáo dục về văn hóa tâm linh, nâng cao đời sống của người dân”, ông chia sẻ thêm.
N.L
Theo Vietnamnet