Tỉa chân nhang và thay tro bát hương nếu cần thiết
Một năm gia đình nào cũng thắp hương vào ngày giỗ chạp, rằm, mùng 1 nên lượng chân nhang trong bát hương sẽ rất nhiều, vừa gây mất thẩm mỹ lại có thể là nguyên nhân dẫn tới việc cháy bát hương. Bởi thế, bạn có thể nhẹ nhàng tỉa bớt chân nhang và chỉ để lại số chân nhang lẻ là: 3,5,7,9 (số lẻ tượng trưng cho phần âm). Số chân nhang thừa sau khi làm lễ xong có thể mang đi đốt.
Khi thay tro bát hương, 1 số người sẽ mua rơm nếp về đốt lấy tro hoặc mua tại các cửa hàng bán đồ thờ cúng. Tuy nhiên, trong quá trình thay tro, cần giữ lại phần cốt của bát hương là đá hoặc kim loại quý. Tro thừa nên mang rắc ở sông, suối.
Dọn dẹp và trang trí lại nhà cửa
Để tiễn năm cũ đi và chào đón năm mới sắp đến, việc dọn dẹp nhà cửa là một phần không thể bỏ qua của các gia đình.
Bàn thờ là vị trí quan trọng nhất, việc chăm sóc và bài trí bài thờ luôn được chú trọng hàng đầu nhằm bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên, những người đã khuất và cầu mong tài lộc, hạnh phúc cho gia đình. Theo quan niệm của người dân thì việc dọn dẹp nhà cửa sẽ giúp đem lại nhiều may mắn trong dịp năm mới.
Mâm cơm tất niên
Dù bôn ba làm việc xa gia đình thì bạn cũng nên tranh thủ cố gắng sắp xếp mọi việc và về tham gia bữa cơm đoàn tụ đêm 30 để tình cảm gia đình thêm gắn bó và bày tỏ sự thành kính với những người đã khuất, cùng nhau đi qua năm cũ và chào đón một năm mới với nhiều điều mới mẻ.
Mở cửa, bật đèn đón sinh khí từ đất trời
Đêm 30 Tết, tất cả các cửa trong nhà phải được mở trước giao thừa, đèn nến được bật càng nhiều càng tốt, để cả nhà tràn ngập trong ánh sáng, đón nguồn sinh khí linh thiêng từ đất trời, mang lại sức sống và may mắn cho cả gia đình.
Vào thời khắc giao thừa, con cái sẽ chúc bố mẹ những lời tốt đẹp và cùng nhau lên chùa hái lộc đầu năm. Có nhiều người làm ăn đều chọn đêm giao thừa xuất hành với mong ước sẽ gặp nhiều thuận lợi, may mắn trong năm mới.
* Thông tin bài viết mang tính chất tham khảo, chiêm nghiệm
Theo Khoevadep