Thứ trưởng Thuấn khẳng định, Bộ Y tế đang nỗ lực phối hợp với các nhà cung cấp vắc-xin trên thế giới để mua và sản xuất vắc-xin COVID-19. Việc cung cấp vắc-xin phụ thuộc vào tiến độ thực hiện các thử nghiệm lâm sàng của nhà sản xuất. Hiện chưa rõ số lượng liều vắc-xin Việt Nam đăng ký mua từ nước ngoài.

Việt Nam đặt mua vắc-xin COVID-19 của Nga, Anh, Mỹ-1

Hiện Việt Nam có 4 đơn vị đang nghiên cứu vắc-xin COVID-19 gồm Vabiotech, Polyvac, Ivac, Nanogen. Ông Thuấn đánh giá các đơn vị này đang có "triển vọng rất tích cực". Quy trình thử nghiệm vắc-xin ở Việt Nam trước khi đưa vào sử dụng phải tuân thủ những quy định chặt chẽ và đòi hỏi thời gian. Dự kiến cuối năm 2021 ra mắt sản phẩm. Bộ Y tế đánh giá sản xuất vắc-xin đang là ưu tiên của tất cả quốc gia, với hy vọng có thể ngăn chặn, khống chế COVID-19 và đưa cuộc sống trở về bình thường.

Tối cùng ngày, báo cáo của Tiểu ban Điều trị (Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19) cho biết, trong số các bệnh nhân đang điều trị hiện có trường hợp bệnh nhân 793 (BN793) đang điều trị ở BV Bệnh nhiệt đới T.Ư là người duy nhất có tình trạng nặng, tiến triển sức khoẻ ổn định. Hiện bệnh nhân đang thở oxy, đã chuyển âm tính ít nhất 1 lần với SARS-CoV-2.

BN793, người đàn ông 58 tuổi quê Bắc Giang - đã được kết thúc ECMO (tim phổi nhân tạo) từ ngày 4/9, rút ống nội khí quản ngày 5/9. Đây là một trong các bệnh nhân có diễn biến nặng, nguy kịch điều trị tại Bệnh viện này, giai đoạn 2. Đến 7/9, bệnh nhân thở oxy kính mũi, huyết động ổn định. Bệnh nhân đã có thể tự ăn đường miệng được. Đây là ca bệnh COVID-19 nguy kịch thứ 2 phải dùng ECMO (tại BV Bệnh nhiệt đới T.Ư (sau bệnh nhân 19) và thở máy xâm nhập được điều trị thành công.

Hiện nay, cơ bản các ổ dịch đã được kiểm soát, tuy nhiên tại các đô thị lớn, mật độ dân cư cao, nguy cơ lây nhiễm còn hiện hữu nếu như vẫn còn tình trạng chủ quan, lơ là của người dân đối với việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch như không đeo khẩu trang khi ra ngoài, tụ tập ăn uống, vui chơi đông người…

Theo Tiền Phong