Chỉ sau 4 giờ có kết quả

Ngày 8.6,  Bộ Y tế Hàn Quốc xác nhận, nước này vừa thêm 14 người nhiễm virus nguy hiểm MERS–CoV, nâng tổng số người nhiễm loại virus chết người lên 87 trường hợp. Đến nay, Hàn Quốc đã có người thứ 6 tử vong vì nhiễm MERS-CoV.

Trước tình hình này, ngày 8/6, Bộ Y tế tập huấn phòng chống dịch MERS-CoV trực tuyến cho cán bộ nhân viên y tế 63 tỉnh, thành trong cả nước.

Việt Nam đủ khả năng xét nghiệm MERS-CoV sau 4 giờ - 1
Hành khách trở về từ vùng dịch được khai báo y tế tại sân bay Nội Bài
 
Tại buổi tập huấn, PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết, một số bệnh viện trong cả nước đã đủ khả năng xét nghiệm MERS-CoV như Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, Viện Pasteur TP.HCM, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương.

Đặc biệt, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương là 1 trong 2 cơ sở trong cả nước có hệ thống xét nghiệm chuẩn quốc tế. 12 máy xét nghiệm của bệnh viện đủ khả năng xét nghiệm được virus Corona gây ra hội chứng MERS. Những máy xét nghiệm tại bệnh viện sẽ cho kết quả sau 4 giờ đồng hồ.

TS. Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bênh nhiệt đới Trung ương cũng cho biết, bệnh viện đã xây dựng nhanh bản kế hoạch, mục tiêu của kế hoạch phát hiện sớm các ca bệnh nghi ngờ, cách ly, khoanh vùng để xử lý ổ dịch, chẩn đoán điều trị kịp thời, tích cực hạn chế thấp nhất tỷ lệ tử vong.

Bệnh viện cũng áp dụng quy trình tiếp nhận người bệnh tại phòng khám, người có yếu tố dịch tễ, nghi ngờ sẽ được khám riêng, đi theo quy trình 1 chiều, đi cầu thang riêng để nếu nghi ngờ được chuyển vào thẳng phòng cách ly, hạn chế được nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng.

Ngoài ra, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cũng thành lập 3 đội đặc nhiệm phòng chống dịch lưu động, luôn trong tình trạng thường trực. Hệ thống chống nhiễm khuẩn bệnh viện được tăng cường bằng cách lắp đặt hệ thống chống nhiễm khuẩn bay hơi, tiệt trùng không khí…

Trong khi đó, tại TP.HCM, lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM cho biết, bệnh viện đã việc tăng cường và chủ động trong công tác phòng, chống dịch; tuyên truyền phổ biến cho các cán bộ y bác sĩ trong việc chủ động phòng chống dịch tại bệnh viện; lên kế hoạch tập huấn cho cán bộ y bác sĩ; bệnh viện đã có buồng cách ly để bảo vệ tối đa cho điều trị người bệnh.

Hiện, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM đã xây dựng quy trình tiếp nhận bệnh nhân MERS-CoV, khu cách ly khoa nhiễm sẽ tiếp nhận bệnh nhân theo quy trình, khám bệnh, xét nghiệm, điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế đã ban hành.

Không chủ quan, lơ là

Tại buổi tập huấn, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, nguy cơ dịch MERS-CoV tràn vào Việt Nam đang ở mức cấp bách.

Hiện nay, Hàn Quốc có số ca nhiễm MERS-CoV và tử vong đứng thứ hai sau các nước Trung Đông. Hằng ngày, hàng nghìn người xuất nhập cảnh từ 2 nước này. Lượng người này dễ mang virus MERS-CoV vào Việt Nam nếu không được giám sát chặt chẽ.

Việt Nam đủ khả năng xét nghiệm MERS-CoV sau 4 giờ - 2Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến 

“Lúc này nếu ai đó hỏi về dịch MERS-CoV đối với Việt Nam, tôi sẽ trả lời không phải nguy cơ nữa mà dịch chết người này đang ở mức cấp bách”, Bộ trưởng Bộ Y tế nói.

Bà Tiến cho rằng, kinh nghiệm từ Hàn Quốc cho thấy, phát hiện ca bệnh muộn sẽ khó khống chế dịch. Vì thế, tại Việt Nam, các nhân viên y tế không được chủ quan. Hệ thống y tế, các ban ngành phải quyết tâm không cho dịch MERS-CoV xâm nhập.

“Không những không chủ quan, lơ là mà nhân viên y tế không được buông lơi một giây, một phút”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ngành y tế phải theo dõi ca nghi nhiễm tại cộng đồng, lấy bệnh phẩm ở các đơn vị khác nhau xét nghiệm mới có khả năng ngăn dịch. Tuy nhiên, nếu phát hiện người nghi nghiễm MERS-CoV dương tính, Bộ trưởng Y tế yêu cầu cứu sống bệnh nhân trong mọi khả năng có thể.

Trong khi đó, GS.TS. Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cũng quan ngại khi số ca mắc và chết tại Hàn Quốc tăng nhanh hơn so với tốc độ dự đoán của các nhà khoa học (chỉ 2 tuần, Hàn Quốc đã có 87 ca mắc và 6 ca tử vong).

Thứ trưởng Bộ Y tế lưu ý, khi có bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng ho, sốt đến khám, các bác sĩ cần khai thác ngay tiền sử dịch tễ có đi từ vùng có dịch hay không, nâng mức độ giám sát đối với có dịch.
“Chỉ cần bệnh nhân sốt mà có yếu tố dịch tễ, cần đưa ngay vào giám sát, lấy mẫu xét nghiệm”, GS.TS. Nguyễn Thanh Long nói.


Theo Danviet.vn