Theo báo cáo từ Bộ Y tế, tình hình dịch bệnh do virus Zika trên thế giới vẫn đang có những biến phức tạp, hiện đã có 73 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận các trường hợp nhiễm virus Zika.
Ngày 11/10/2016, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo dịch bệnh do virus Zika đang có dấu hiệu lan rộng tại châu Á và có khả năng sẽ tiếp tục ghi nhận các trường hợp nhiễm virus Zika do sự giao lưu, du lịch giữa các nước.
Bộ Y tế họp khẩn cấp phòng chống dịch bệnh
Tại khu vực Đông Nam Á ghi nhận 7/10 quốc gia có sự lưu hành virus Zika. Tại Việt Nam, đến ngày 17/10/2016 đã ghi nhận 07 trường hợp nhiễm virus Zika tại các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh.
Cũng theo báo cáo, ngày 14/10/2016, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm của Bộ Y tế đã ghi nhận 01 trường hợp trẻ 4 tháng tuổi sinh sống tại huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk có triệu chứng dị tật bẩm sinh nghi mắc chứng đầu nhỏ.
Ngay sau khi nhận được thông báo, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên đã tiến hành điều tra, lấy mẫu máu gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để xét nghiệm virus Zika, hiện Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đang phối hợp với phòng xét nghiệm của đại học Nagasaki Nhật Bản tiến hành các xét nghiệm virus học.
Trước tình hình trên, sáng ngày 17/10/2016, Văn phòng Đáp ứng khẩn cấp phòng chống dịch bệnh (EOC) đã tổ chức cuộc họp khẩn dưới sự chủ trì của GS.TS. Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, với sự tham gia của các đơn vị và tổ chức quốc tế liên quan.
GS.TS. Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì cuộc họp
Văn phòng EOC đưa ra nhận xét và kết luận như sau:
Dịch bệnh do virus Zika đã lưu hành tại Việt Nam, có thể sẽ tiếp tục xét nghiệm phát hiện thêm các trường hợp mắc trong thời gian tới, đặc biệt tại các vùng có lưu hành muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết và Zika.
Mặc dù chứng đầu nhỏ có thể ghi nhận tại 1-10% trẻ được sinh ra từ các bà mẹ bị nhiễm virus Zika trong 3 tháng đầu thời kỳ thai nghén nên có thể tại Việt Nam sẽ có trường hợp dị tật bẩm sinh chứng đầu nhỏ do vi rút Zika (hiệnThái Lan cũng đã ghi nhận 02 trường hợp đầu nhỏ có liên quan với virus Zika).
Tuy vậy chứng đầu nhỏ còn có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra như nhiễm vi rút (Rubella…), vi khuẩn (Giang mai…), ký sinh trùng (Toxoplasma…), nhiễm độc, suy dinh dưỡng, yếu tố di truyền. Để xác định nguyên nhân, Lãnh đạo Bộ Y tế chỉ đạo Cục Y tế dự phòng phối hợp với Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bệnh viện Sản tuyến Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên thành lập đoàn điều tra, xem xét, khám lâm sàng cụ thể.
Tiếp tục lấy mẫu để phối hợp với phòng xét nghiệm Đại học Nagasaki Nhật Bản xét nghiệm khẳng định.
Sau khi có kết quả điều tra, Bộ Y tế sẽ có thông báo chính thức.
Để chủ động phòng chống dịch bệnh lây lan trong cộng đồng đặc biệt đối với phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh, Bộ Y tế (Văn phòng Đáp ứng khẩn cấp phòng chống dịch bệnh - EOC) đã nâng mức cảnh báo và đáp ứng hoạt động của Văn phòng EOC và khuyến cáo người dân thực hiện tốt một số nội dung sau:
- Phụ nữ dự định có thai không nên đi đến vùng dịch khi không thực sự cần thiết. Trong trường hợp phải đi đến các vùng có dịch, cần tìm hiểu kỹ các thông tin về dịch bệnh và các điều kiện chăm sóc y tế, đồng thời áp dụng các biện pháp phòng chống muỗi đốt để tránh lây truyền virus Zika như sử dụng kem xua muỗi, mặc quần áo dài và ngủ màn kể cả ban ngày.
- Phụ nữ mang thai, đặc biệt có thai trong 3 tháng đầu, đang sinh sống hoặc đã từng đến vùng có dịch mà có sốt hoặc phát ban và có ít nhất một trong số các triệu chứng đau mỏi cơ/khớp, viêm kết mạc mắt cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn.
- Chủ động phòng chống dịch bệnh một cách tích cực, tham gia diệt muỗi, diệt lăng quăng (bọ gậy) tại các hộ gia đình; kiểm tra, loại bỏ vật phế thải không để muỗi sinh sản và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Theo Trí thức trẻ