Ngày 13/11, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) phối hợp cùng Sở Y tế tỉnh Trà Vinh và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tỉnh Trà Vinh tổ chức tọa đàm chia sẻ thông tin về mất cân bằng giới tính khi sinh cho gần 200 phụ nữ, cộng tác viên dân số trong tỉnh.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu được nghe bác sĩ Mai Xuân Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông - Giáo dục, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) chia sẻ nhiều thông tin về thực trạng, nguyên nhân, hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam.

Bác sĩ Mai Xuân Phương cho biết, tại Việt Nam, vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh tăng cao trong những năm gần đây và được dự báo còn tiếp tục gia tăng trong những năm tiếp theo. Tỷ số giới tính khi sinh ở nước ta tăng ở cả thành thị và nông thôn.

Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, nước ta sẽ dư thừa khoảng 1,38 triệu nam giới vào năm 2026. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh là do vẫn còn tư tưởng trọng nam, khinh nữ; chế độ an sinh xã hội chưa đảm bảo; lạm dụng tiến bộ khoa học công nghệ để lựa chọn giới tính trước khi sinh, do áp lực giảm sinh…

Hậu quả của tình trạng này sẽ dẫn đến thừa nam, thiếu nữ ở độ tuổi kết hôn, sinh đẻ; gây nên bất bình đẳng, bạo lực giới, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của cá nhân, gia đình và xã hội.

Theo bác sĩ Mai Xuân Phương, thực trạng về phá thai với mục đích chọn lựa giới tính khi sinh là vấn nạn đáng lo ngại hiện nay và cả trong tương lai. Để hạn chế vấn nạn này, cân bằng giới tính khi sinh, các cấp, các ngành, địa phương cần chú trọng thực hiện tốt chính sách dân số.

Ngành y tế và các đoàn thể chính trị, xã hội ở từng địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức đến từng gia đình về hệ lụy từ tư tưởng trọng nam, khinh nữ; chọn lựa giới tính khi sinh để hướng tới giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính, xóa bỏ bất bình đẳng về giới, đảm bảo các quyền của con người…

Theo VTV