Ngày 9/6, cơ quan y tế Đức cảnh báo về một trường hợp mắc bệnh rất hiếm gặp Borna (BDV). Tờ Frankfurter Rundschau cho hay ca bệnh là người dân ở Mühldorf am Inn, bang Bayern, Đức. Ca bệnh này gây chú ý bởi virus Borna rất hiếm gặp nhưng có tỷ lệ tử vong rất cao lên tới 100%.
Bệnh thần kinh hiếm gặp
Theo Văn phòng Y tế và An toàn Thực phẩm của bang Bavaria, Đức, virus gây bệnh Borna (BoDV-1) là mầm bệnh cho động vật trong hơn 250 năm. Virus Borna vốn chỉ gây bệnh trên động vật, chủ yếu là ngựa, nhưng trong nhiều trường hợp nó nhảy sang người.
Năm 2018, BoDV-1 lần đầu tiên được xác định là nguyên nhân gây ra chứng viêm não nghiêm trọng (viêm não) ở người. Nghiên cứu về căn bệnh này cũng khá ít ỏi.
Virus Borna dưới kính hiển vi điện tử. Ảnh: The Lancet.
Trong nhiều thập kỷ, khả năng lây truyền từ động vật sang người của virus Borna 1 (BoDV-1) trở thành chủ đề tranh luận của giới chuyên gia.
Các nghiên cứu trước đây đã tìm cách liên kết sự lây nhiễm của con người với những rối loạn tâm thần khác như rối loạn lưỡng cực hoặc tâm thần phân liệt, nhưng kết quả vẫn còn gây tranh cãi.
Một nghiên cứu công bố trên tạp chí The Lancet Infectious Diseases năm 2020 được đánh giá khá cao nhờ những mô tả chi tiết về những người mắc bệnh ở Đức (tháng 1/1995 – tháng 8/2018). Trong đó, 9 trường hợp tử vong do viêm não. 7/9 người dương tính với virus Borna 1.
Cả 7 người này đều khởi phát bệnh kèm theo đau đầu, sốt, triệu chứng thần kinh như đi không vững, suy giảm trí nhớ, co giật, lú lẫn, mất dần ý thức. Bệnh nhân rơi vào trạng thái hôn mê sau khi nhập viện và tử vong trong vòng 16 đến 57 ngày.
Từ những dữ liệu được điều tra, nhóm tác giả kết luận bệnh do virus Borna gây ra tương đối hiếm nhưng có tỷ lệ cao dẫn tới viêm não nặng, tử vong không rõ nguyên nhân.
Chuột chù là vật chủ chứa virus Borna. Virus có thể lây lan khi động vật hoặc người nào đó tiếp xúc phân, nước tiểu, nước bọt của loài vật này. Ảnh: Morgen Post.
Không có cách điều trị
Bệnh do virus Borna gây là bệnh gây chết người với các triệu chứng thần kinh, ảnh hưởng động vật máu nóng. Bệnh Borna rất hiếm gặp.
Tên gọi Borna dùng để chỉ thành phố Borna, Đức, nơi xảy ra dịch bệnh vào cuối những năm 1800, ảnh hưởng nhiều kỵ binh thời đó.
Cho đến nay, chỉ có một số trường hợp mắc bệnh BoDV-1 ở người được xác định, xảy ra từ năm 1996 đến năm 2022. Tính đến tháng 6/2022, số ca mắc bệnh được xác định ở mức trung bình là hai con số. Trong đó, trường hợp ở Đức là ca bệnh mới nhất, cho thấy Borna đã tái xuất.
Năm 2021, 7 người bị bệnh Borna trên khắp nước Đức, 5 người trong số họ đến từ Bavaria. Đầu tiên, virus được phát hiện trong chùm ca bệnh liên quan một người cấy ghép tạng.
Hai trong số những bệnh nhân được cấy ghép đã tử vong sau đó. Một người sống sót nhưng bệnh để lại hậu quả nặng nề.
Sau đó, các trường hợp độc lập khác không liên quan chùm ca bệnh này được phát hiện ở Bavaria, Brandenburg, Sachsen-Anhalt.
Rất hiếm người thoát khỏi cái chết khi nhiễm virus Borna. Ngay cả khi sống sót, họ cũng phải đối mặt hậu quả rất nghiêm trọng. Ảnh: Freepik.
Theo Văn phòng Y tế và An toàn Thực phẩm của bang Bavaria, Đức, BDV có thể gây viêm não, dẫn đến tử vong.
Triệu chứng của bệnh là đau đầu, sốt, yếu cơ, mệt mỏi. Sau đó, họ sẽ gặp các triệu chứng thần kinh như rối loạn hành vi, giọng nói, dáng đi. Khi bệnh chuyển nặng, người mắc sẽ rơi vào hôn mê trong vài ngày hoặc vài tuần.
Đặc biệt, ngoài 3 trường hợp sống sót, tất cả ca mắc còn lại đều tử vong. Không có cách điều trị cho người hoặc động vật nhiễm virus này. Sau khi các triệu chứng đầu tiên xuất hiện, bệnh nhân sẽ chết trong vài tuần hoặc vài tháng.
Trong hầu hết trường hợp, ngay cả khi sống sót sau khi nhiễm virus, người bệnh vẫn bị tổn thương lâu dài. Ba ca còn sống sau khi mắc bệnh này vẫn đang phải vật lộn với hậu quả rất nghiêm trọng, không thể quay trở về cuộc sống bình thường.
Vật chủ tự nhiên duy nhất chứa virus BoDV-1 hiện nay là chuột chù. Virus xuất hiện trong nước bọt, nước tiểu, phân của loài vật này.
Nguy cơ lây truyền BoDV-1 sang người là rất hiếm. Trong bối cảnh vaccine phòng bệnh cho người không có sẵn, các quan chức y tế khuyến cáo nên giảm nguy cơ lây nhiễm bằng cách tránh tiếp xúc chuột chù và phân của chúng.
Theo Zing