Trong hôn nhân, yếu tố tin tưởng lẫn nhau vô cùng quan trọng. Đương nhiên vào cuộc sống, có nhiều những thành phần khác là “kẻ thứ ba”, “người thứ tư”… muốn chen chân vào cuộc sống vợ chồng. Tuy vậy, quan trọng nhất vẫn là thái độ của người trong cuộc.
Nếu như chồng hoặc vợ không trao cơ hội, không có gì mập mờ thì cho dù đối phương có cố gắng thế nào, cũng chẳng tổn hại được đến hạnh phúc.
Mới đây, một cô vợ đăng tải bài viết chia sẻ chuyện của chồng và một người bạn. Cô đăng hình cuộc nói chuyện của chồng và bạn khác giới, xin ý kiến chuyện họ như vậy có bình thường hay không.
Bài viết được đăng tải.
Người bạn khác giới đã viết tin nhắn dài thể tình cảm, thậm chí có giọng điệu “ỡm ờ”, nhắc lại tình xưa như thế này:
“Anh ngủ chưa á, em về nha. Không biết sao mỗi lần gặp anh lại bị kiểu down mood (tâm trạng không tốt) hẳn.
Tối bữa thứ 2 vừa rồi, lúc đi nhậu về em có định nhắn anh xong lại thôi. Hôm qua cũng tính nhắn gì đó xong rồi cũng thôi. Cũng không biết nói sao, kiểu có hơi buồn và hối tiếc về điều gì thì em cũng không chắc, có thể là bỏ lỡ anh.
Không phải là bây giờ đâu mà trước đó em đã từng nghĩ rất nhiều lần rồi. Em thấy tiếc về mọi thứ. Giờ đôi khi cũng muốn nhắn tin hỏi thăm anh nhưng lại sợ bất tiện. Nên em hay vào Facebook xem thôi.
Hồi anh nhắn tin mời em ăn cưới, em có buồn. Vừa chạy xe đi làm về vừa suy nghĩ, rồi lại cảm thấy bản thân lạc lõng, chẳng biết ở Sài Gòn làm gì.
Nên khi tính nói ra những cảm xúc của mình ngay bây giờ, em đã chần chừ rất nhiều vì trước giờ anh chưa bao giờ thấy em như thế này cả.
Nhưng em vẫn muốn nói ra với anh là em đã từng như thế và cảm xúc ngay lúc này. Vì sau này sợ nhiều khi em không nói ra được nữa. Thật sự nhìn anh sống tốt, em thấy vui cho anh. Nếu anh có dịp vào lại Sài Gòn thì alo anh em mình cà phê nha”.
Tin nhắn dài của người phụ nữ.
Đọc xong ai cũng thấy rõ, cô gái này có vẻ như nhắc đến cảm xúc của mình và sự hối tiếc khi anh chồng đi lấy vợ. Cô cũng bày tỏ sự nuối tiếc vì cả hai không đến được với nhau.
Người chồng phải đến 6 tiếng sau mới nhắn lại, giọng điệu vô cùng thoải mái:
“Mỗi đêm anh đều dậy tầm 3-4 lần pha sữa cho con nên không thức khuya như khi xưa nữa. Anh toàn ngủ sớm lắm. Thấy em khỏe khoắn, vui tươi, công việc ổn định, được làm điều mình thích, thích đi đâu thì đi là anh cũng vui cho em và cho anh.
Anh giờ có gia đình rồi nên không có dịp vào Sài Gòn được. Có dịp ra Huế em nhớ alo cho anh nhé”.
Người chồng đáp trả tuy nhẹ nhàng nhưng đâu ra đấy, tỏ rõ lập trường.
Người chồng nhắn tin rất vô tư, rất bình thường và cũng từ cái bình thường đó vạch rõ giới hạn, nói thẳng chuyện mình đã có gia đình, phải chăm lo cho con cái. Anh chẳng hề nhắc đến chuyện cũ, chỉ nhìn thực tại và đối xử với người phụ nữ kia như một người bạn bình thường.
Thái độ thẳng thắn của anh khiến ai đọc được cũng thấy yên tâm hộ chị vợ. Chồng vô tư và quyết liệt, giữ khoảng cách như vậy thì chẳng phải lo.
Người chồng cũng chẳng hề ầm ĩ hay nói gì gắt gỏng, anh chỉ bình thản nói chuyện như hai người bạn, tuy nhẹ nhàng nhưng có lẽ đối phương đọc xong sẽ hiểu tất cả.
Nhắc đến tình xưa không phải là điều hiếm hoi giữa những cặp đôi "không nên duyên". Tuy nhiên, nhắc đến sau khi một trong hai hoặc cả hai đã có gia đình thì nên ý tứ.
Và đương nhiên đứng trên góc độ của một cô vợ, câu chuyện xưa đó chẳng có gì hay ho, thậm chí mang chút đe dọa đến cuộc hôn nhân của chính họ.
Vậy mới nói, vấn đề nào cũng thế, cái chính và quan trọng nhất là thái độ của người trong cuộc. Người phụ nữ khác hay "kẻ thứ ba" có cao tay đến thế nào nhưng người trong cuộc vẫn vững vàng với quan điểm cũng như lập trường thì chẳng có gì phải lo ngại.
Theo Pháp luật và bạn đọc