Nhiều người đồng cảm

Vừa qua, chị Hoa Thanh (quê Hải Dương) đã đăng tải lên mạng xã hội bảng tính toán chi tiêu một tháng của gia đình. Trong đó, điều khiến chị vô cùng bức xúc là kinh tế của vợ chồng eo hẹp, thế nhưng mỗi tháng đều phải gửi tiền về quê cho gia đình chồng.

"Những người có điều kiện thì em không nói nhưng với vợ chồng em cũng chỉ là người làm công ăn lương thôi. Hằng tháng ngoài tiền sinh hoạt phí còn tiền học, tiền sữa cho con, thêm chút tiền dành dụm ốm đau nữa, nói thật là cũng không dư được nhiều nhặn gì", chị Hoa Thanh chia sẻ. 

Vợ bức xúc vì lương 25 triệu đồng, nuôi 2 con vẫn phải biếu nhà nội 5 triệu-1
Bản kế hoạch chi tiêu gây nhiều tranh cãi trên mạng xã hội (Ảnh chụp màn hình).

Theo đó, hiện tại thu nhập của vợ chồng chị Thanh là 25 triệu đồng/tháng. Trước khi tổ chức lễ cưới, chồng chị hằng tháng vẫn gửi về quê 8 triệu đồng để bố mẹ lo cho em ăn học. Sau đám cưới, mẹ chồng nói bớt cho 3 triệu, vợ chồng chị mỗi tháng gửi về 5 triệu đồng.

Ngay sau đó, chị Thanh đã nhiều lần muốn ý kiến nhưng chồng đều bảo thôi, vì ở quê bố mẹ đã về hưu, lương không nhiều và cũng không làm được công việc gì. 

"Không phải tôi chi li với bố mẹ chồng nhưng mọi người biết nuôi 1 đứa con nhỏ tốn kém cỡ nào. Tôi tính qua loa một tháng riêng tiền học, tiền ăn trên lớp của con là 4 triệu đồng, thêm sữa non tăng đề kháng, tăng cân, vitamin… chẳng dám mua đồ ngoại hay xịn, đắt đỏ gì. Thêm tiền gửi về nữa là tháng vừa rồi tôi âm tiền", chị Thanh kể.

Vợ bức xúc vì lương 25 triệu đồng, nuôi 2 con vẫn phải biếu nhà nội 5 triệu-2
Chị Thanh cho biết gánh nặng nuôi 2 con khiến kinh tế gia đình eo hẹp (Nguồn ảnh: Pexels).

Ngay sau những dòng tâm sự của chị Thanh, nhiều cư dân mạng tỏ ra đồng cảm. Xuân Trường cho biết: "Không nên đặt gánh nặng lên vợ chồng trẻ, nên họp gia đình lại và mong chồng sẽ hiểu hơn cho người nội trợ".

"Sao không thấy khoản nào cho ông bà ngoại, chỉ mỗi chồng là có bố mẹ thôi sao?", bạn Quyên Phạm cũng bức xúc.

"Bố mẹ ở quê không làm gì thì 2 vợ chồng tính phương án đón bố mẹ lên ở chung thôi, tiện cả đôi đường", bạn Nguyễn Huy Công đưa ra phương án.

Gánh nặng người trẻ 

Thực chất hoàn cảnh như chị Hoa Thanh không hiếm gặp, đặc biệt khi người trẻ mang gánh nặng khi bố mẹ không có việc làm ổn định. 

Chị Nguyễn Thị Hà (35 tuổi, ngụ Hà Nội) chia sẻ, sau khi kết hôn, vì bố mẹ chồng ở quê chỉ phụ thuộc vào nông nghiệp, không đủ kinh phí để nuôi dưỡng em trai đi học nên đã đưa ra đề nghị nhờ vợ chồng chị.

Ban đầu, chị Hà vô cùng mệt mỏi vì vợ chồng vừa mới dành dụm ít tiền để mua nhà. Mỗi tháng trừ tiền trả góp nhà, chị gửi về quê 5 triệu đồng để bố mẹ nuôi em, phần còn lại co kéo cho sinh hoạt gia đình rất eo hẹp.

"Tôi có đứa con thứ nhất và đợi rất lâu khi mọi thứ ổn định mới dám sinh tiếp đứa thứ hai. Đến khi em trai học xong đại học và có việc làm ổn định thì cuộc sống vợ chồng dễ thở. Thế nhưng, tôi nghĩ mọi thứ sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn đã nói chuyện thẳng thắn với bố mẹ chồng ngay từ đầu", chị Hà nói.

Vợ bức xúc vì lương 25 triệu đồng, nuôi 2 con vẫn phải biếu nhà nội 5 triệu-3
Nhiều người trẻ có công việc chưa ổn định cũng áp lực vì phải phụng dưỡng bố mẹ (Nguồn ảnh: Pexels).

Nguyễn Thị Lý (27 tuổi, ngụ tại TPHCM) chia sẻ, khi mới vừa tốt nghiệp cao đẳng, cô được nhận vào một công ty với mức lương 7 triệu đồng/tháng, bao ăn ở.

Số tiền ít ỏi so với chi phí ở TPHCM khiến cô gái trẻ luôn phải dè chừng trong mọi việc chi tiêu. Thế nhưng, bố mẹ cô luôn dồn ép, gọi điện nhắn tin xin tiền vào ngày cuối tháng.

"Tôi rất mệt mỏi, vì trừ hết chi phí thì lương chẳng còn bao nhiêu. Sau đó, em gái vào TPHCM, tôi phải tranh thủ thời gian làm thêm ngoài giờ để có thể vừa duy trì cuộc sống, nuôi em và gửi về bố mẹ. Nhiều lúc tôi cũng buồn vì bố mẹ sẵn sàng nói với tôi là đã nuôi dưỡng ăn học hơn chục năm nên đã tới lúc tôi phụng dưỡng…", Lý nói.

Sau đó năm 2020, chị Lý đã đăng ký đi xuất khẩu lao động Nhật. Lý do theo chị, với mức lương ở xứ người thì việc gửi tiền phụng dưỡng bố mẹ sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn so với làm việc tại Việt Nam.

Anh Hoàng Long (27 tuổi, ngụ TPHCM) kể, bản thân mỗi tháng vẫn phải có 1 khoản nhất định gửi về quê cho bố mẹ, ít nhất 2 triệu đồng.

Thế nhưng, trong rất nhiều trường hợp bất đắc dĩ, có tháng anh đã phải gửi về hơn 15 triệu đồng. Việc này trở thành áp lực không hề nhỏ.

"Ở quê có nhiều bất trắc xảy ra, sức khỏe của bố mẹ tôi cũng không ổn định nên chi phí y tế thường tiêu tốn nhiều. Tổng thu nhập của tôi 20 triệu đồng, có tháng gửi về cho bố mẹ xong chỉ còn lại vài triệu đồng, cuối tháng vẫn phải mượn tiền bạn bè. Tôi cũng mong muốn có một khoản tiết kiệm nhất định nhưng hiện tại mọi thứ vẫn khó khăn", anh Long nói thêm.

Theo Dân Trí