Con gái lấy chồng xa nhà thiệt thòi lắm, thiệt thòi cho mình, cho cả bố mẹ mình nữa. Ngọc về nhà chồng được mười năm, cũng tròn 10 năm cô phải ăn Tết xa bố mẹ. Người ta cứ bảo đó là lẽ đương nhiên, con gái lấy chồng thì phải theo chồng, nhưng Ngọc chẳng thể cho đó là lẽ đương nhiên.

Cứ mỗi năm đến giao thừa, gọi điện về chúc tết bố mẹ là Ngọc lại ngân ngấn nước mắt, vì tủi thân, vì thương bố mẹ. Nhà Ngọc neo người, bố mẹ Ngọc trước đây hiếm muộn, chạy chữa mãi mới sinh được Ngọc, Ngọc là con một. Lúc học đại học, Ngọc cũng không muốn đi học xa nhà quá, cô chọn học trường ngay ở tỉnh, cách nhà 20 cây số, để cứ cuối tuần là đi đi về về với bố mẹ được. Hoàn cảnh nhà mình như vậy, nên Ngọc đã quyết tâm chỉ lấy chồng gần, để được gần bố mẹ, nhưng duyên số lại đưa đẩy Ngọc gặp và yêu Phong, quê Phong ở cách nhà Ngọc tới 500 km.

Hồi yêu nhau, Ngọc đấu tranh tâm lý nhiều lắm, nhưng đúng là tuổi trẻ, lúc yêu rồi chẳng dứt ra được, cứ thế là mù quáng yêu. Trước khi cưới Ngọc cũng nói chuyện với Phong, ngỏ ý muốn Phong ở rể, vì dù sao nhà Phong cũng có ba anh em, Phong cũng đồng ý với Ngọc . Nhưng hai người kết hôn xong, bố mẹ Phong lại một mực không đồng ý cho con trai họ ở rể. Họ cho như thế là nhục là hèn, là “ chó chui gầm chạn”, bắt vợ chồng Ngọc về quê sống và làm việc. Bố mẹ Ngọc thương con gái, nhưng sợ làm ảnh hưởng tới hạnh phúc của con, nên cũng động viên Ngọc, con gái lấy chồng thì phải theo chồng.

Nhà Phong, bố anh là con trưởng, rồi Phong cũng lại là con trưởng, nên mỗi dịp lễ tết là cỗ là bàn ê hề, mọi gia đình tụ tập ở nhà bố mẹ chồng Phong, ăn uống cả ngày. Mười năm về làm dâu trưởng, Ngọc sợ nhất là mỗi dịp tết đến, cô bận suốt từ 25 tết tới mồng 5 tết. Mẹ chồng Ngọc rất cầu kì, trong khoản cỗ bàn, tết là phải cúng đủ 5 ngày tết, mỗi ngày cúng ba bữa, sáng trưa chiều tối.  Mùa đông buốt rét căm căm, Ngọc cũng phải dậy từ bốn giờ sáng để nấu cỗ cho kịp giờ cúng, cúng xong thì anh em kéo đến ăn, ăn xong thì lại kéo nhau đi chúc tết, để lại mình Ngọc – dâu trưởng – dăm sáu mâm bát rửa dọn. Vừa rửa dọn xong lại quay ra chuẩn bị cơm để cúng buổi trưa, rồi lại ăn trưa, lại rửa dọn, xong rồi lại quay ra chuẩn bị cơm cúng tối. Người ta thì ăn tết, chơi tết, còn Ngọc thì tết là khoảng thời gian ác mộng của cô. Thời gian mang bầu rồi con dại, Ngọc cũng không được nghỉ ngơi. Mẹ chồng cô quan niệm cả năm mới có mấy ngày tết, không thể qua loa được.
 
Cứ nghĩ đến tết là Ngọc sợ, người ta ăn tết, chơi tết, còn Ngọc thì tết làm quần quật ở nhà chồng - Ảnh minh họa
 
Năm nào vừa rửa dọn, cô cũng thấy tủi thân khi nghĩ đến những ngày còn được ở nhà ăn tết với bố mẹ. Bố mẹ cứ để cô ngủ tới tám, chín giờ sáng, bố mẹ dậy nấu một mâm cỗ, cúng ông bà tổ tiên, rồi gọi Ngọc dậy ăn. Ăn xong cả nhà cùng đi chúc tết, đi du xuân, đi lễ chùa. Đó mới thật sự là chơi tết, là ăn tết, càng nghĩ càng thấy tủi thân, càng nhớ bố mẹ.

Mười năm lấy chồng, chưa năm nào Ngọc được về nhà ăn tết với bố mẹ đẻ, năm nào cô cũng phải thu xếp công việc, để về thăm bố mẹ trước ngày 20 tết. Ở được hai hôm rồi cô lại phải thu xếp về nhà chồng. Vì cô là dâu trưởng, chợ búa sắm tết, mẹ chồng giao phó hết cho cô. Mẹ chồng cô bảo, ngày xưa bà đi lấy chồng cũng phải thế, phải phụng sự nhà chồng trước khi nghĩ về nhà mẹ đẻ. Phận gái ai cũng thế cả thôi, chẳng riêng gì cô. Mẹ chồng nói vậy rồi, cô còn biết nói gì nữa.

Nhưng ba năm nay, em trai chồng cũng lấy vợ, nhà cũng có thêm con dâu. Nhà em dâu lại ở cùng huyện với nhà chồng Ngọc, nên em dâu năm nào cũng được về nhà đẻ vào dịp tết. Tết trước Ngọc tỏ ý muốn xin phép về nhà mẹ đẻ ăn tết, thì chồng cô phản đối. Chồng cô bảo, mình là con trưởng, phải làm gương cho các em. Mình cũng đòi về nhà mẹ đẻ ăn tết, em dâu cũng đòi làm theo, thì bố mẹ anh biết làm sao. Em đi lấy chồng rồi phải theo chồng. Ngọc ức lắm, đến chồng mình còn không thông cảm thì làm sao ai thông cảm cho.
 
Tết năm nay Ngọc muốn được về nhà ăn Tết với bố mẹ - Ảnh minh họa

Một năm nay sức khỏe bố Ngọc yếu hẳn đi, đợt hè Ngọc cho con về thăm bố mẹ, nhìn thấy sức khỏe của bố mà xót xa. Bố cô bị huyết áp cao, chẳng biết cụ còn được ăn thêm bao nhiêu cái tết nữa. Nghĩ thương bố thương mẹ, thương cho cái phận mình. Ngọc quyết định nói với chồng năm nay sẽ về ăn tết nhà bố mẹ đẻ. Chồng cô lại nổi sung lên, nói cô cố chấp, không biết điều, luật của ông bà từ xưa đến nay, sao cô cứ thích làm trái. Ai cũng như cô thì xã hội này loạn hết, còn đâu là nề nếp gia giáo.

Ngọc nghe mà tủi thân, cô giàn giụa nước mắt nói: "Bố mẹ anh thì anh xót, thế bố mẹ tôi thì tôi không xót à? Chẳng biết bố tôi còn được ăn bao nhiêu cái tết nữa, từ nay trở đi, cách một năm tôi về ăn tết với bố mẹ tôi một năm. Tôi làm dâu nhà anh, nhưng cũng là con của bố mẹ tôi. Chẳng nhẽ tôi đi lấy chồng rồi, là bố mẹ tôi mất con".

Nghe Ngọc nói thế, chồng cô đùng đùng bỏ đi ra ngoài, trước khi đi không quên quăng cho cô một câu: “Cô muốn đi về ăn tết với bố mẹ cô, thì về luôn đi, đừng quay lại nhà tôi nữa”. Chồng cô đã nói đến vậy, thì cô cũng gạt nước mắt, gấp vali quần áo, dẫn các con về ăn tết với bố mẹ. Chồng cô muốn còn vợ còn con thì liệu mà về xin lỗi và đón cô lên, nhưng cũng phải qua tết thì cô mới lên. Tết này cô về ăn tết với bố mẹ đẻ. Cô sẽ không ngủ lười nữa, sáng sớm sẽ dậy nấu cỗ, cúng ông bà tổ tiên thay cho bố mẹ.

Theo Afamily/ trí thức trẻ