Sự khác nhau giữa quỹ “đen” và quỹ riêng

GS Lê Thị Quý, Viện nghiên cứu Giới và gia đình cho rằng, tính chất của quỹ “đen” và quỹ riêng mặc dù đều giống nhau ở khoản tiền riêng, sở hữu riêng của vợ hoặc chồng nhưng chúng có sự khác nhau. Quỹ “đen” có thể được hiểu là quỹ dự phòng kín đáo, khoản tiền thiếu minh bạch, phải cất giấu riêng mà người bạn đời không hề biết. Chữ đen ám chỉ sự không trong sáng, không sạch sẽ, trong bóng tối và không minh bạch.

Nhưng nghĩa của quỹ riêng thì khác. Quỹ riêng không phải là quỹ chung, là số tiền của riêng cá nhân được cho phép tồn tại và được tôn trọng dựa trên cơ sở sự đồng thuận giữa hai người. Ở các nước tiên tiến, luật pháp cho phép vợ chồng có quỹ riêng bên cạnh quỹ chung bắt buộc, ở đó quy định rõ trách nhiệm và bổn phận của chồng và vợ trong đó rất rõ, đặc biệt là đối với người chồng.

Ở Việt Nam hiện nay, cái quỹ tiền riêng này chủ yếu là quỹ “đen”. Do luật pháp chưa có điều luật nào quy định rõ về trách nhiệm tài chính trong gia đình của chồng hoặc vợ nên chủ yếu vấn đề đóng góp hay cất giữ tiền bạc là đều do sự tự thỏa thuận của hai vợ chồng.

Vì luật pháp chưa đề cập cụ thể đến trách nhiệm tài chính của các thành viên trong gia đình, quan niệm “chồng đi làm vợ ở nhà giữ tay hòm chìa khóa” cũng không còn nữa... Chính vì hai lý do đó nên đã nảy sinh ra vấn đề quỹ “đen”, tạo ra nhiều mâu thuẫn cãi vã xung quanh chuyện tiền anh, tiền tôi và những hệ lụy của nó.

Thực tế thì nhu cầu có quỹ riêng là đúng đắn. Tuy nhiên, quỹ riêng này chỉ có thể đảm bảo hạnh phúc gia đình, tránh được sự mất niềm tin về nhau giữa vợ chồng khi giữa họ đã đạt được sự thỏa thuận về trách nhiệm tài chính đối với gia đình.

Vì sao vợ chồng không nên có quỹ “đen”?

Anh Nguyễn Mạnh Cường (TP HCM) cho biết: Vợ anh là một người phụ nữ ngoan, hiền, đảm đang theo cảm nhận của anh trong ba năm yêu nhau. Trước khi tiến tới hôn nhân, hai người quyết định sẽ không giấu nhau bất cứ điều gì từ tài chính đến tình cảm. Lương tháng sẽ cho chung vào một tài khoản và hai vợ chồng tùy cơ sử dụng vào những mục đích phù hợp.

Tuy nhiên, khi đi nhậu với mấy ông anh cọc chèo nhà vợ thì anh được những người anh đó khuyên: “Chung thì chung nhưng vẫn phải quỹ “đen”. Đàn bà ki bo lắm, lúc mình cần khoản gì chi tiêu đặc biệt hay tế nhị rất khó lấy ra. Hơn nữa, sẽ ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình đấy!”.

Những lời khuyên đó khiến cho anh Cường cảm thấy băn khoăn, không biết làm thế nào cho đúng để có thể đảm bảo được cuộc sống hôn nhân hạnh phúc. Anh đã đưa câu chuyện này hỏi thượng tọa Thích Nhật Từ, trụ trì chùa Giác Ngộ, TP HCM.

Thượng tọa Thích Nhật Từ cho rằng, đối với các cặp vợ chồng có đăng ký kết hôn thì việc lập “quỹ chung” mang tên của hai người là rất cần thiết. Tiền chung của hai vợ chồng làm ra mà chỉ đứng tên một người thì rủi ro rất cao.

Việc có một tài khoản riêng, ngoài tài khoản chung, mà người còn lại không hề biết thì theo tâm lý thông thường sẽ khiến cho đối phương có suy nghĩ “chắc hẳn phải có nguyên nhân khác, nên mới giấu”. Trong khi đó, điểm tựa tinh thần là quan trọng nhất đối với người xây dựng tổ ấm.

Thượng tọa Thích Nhật Từ cũng cho rằng, mỗi khi có việc bội chi và thiếu thốn tài chính, người lập quỹ “đen” không hề chi ra một khoản nào để giải quyết việc chung của gia đình thì mục đích lập quỹ này là được xem là mờ ám.

Trên thực tế, khi thu nhập ngày càng tăng, một số ông chồng lập quỹ “đen” vì “chuyện đen” để phục vụ cho tiêu xài hoang phí, rượu chè, hút sách, cờ bạc, bao bồ nhí, lập phòng nhì, vốn là các yếu tố dẫn đến việc phá vỡ hạnh phúc gia đình là rất cao.

Một khi quỹ “đen” phục vụ cho tình đen thì tương lai hạnh phúc gia đình bị nhuốm màu đen của khổ đau. Lý do là khi quỹ “đen” bị phát hiện, nhiều bà vợ có cảm giác rằng mình bị chồng phản bội, tâm lý trở nên căng thẳng, nặng nề, mệt mỏi, dễ cau có, cãi vã. Đây chính là những nguyên nhân, dẫn đến sự tan vỡ hạnh phúc gia đình.

Ngay cả trong tình huống lúc đầu mục đích lập quỹ “đen” là để giúp đỡ người thân trong gia đình và họ tộc, nếu thiếu sự kiểm soát và làm chủ tâm ý, người lập quỹ đen sẵn có tiền trong tay mà vợ/chồng không biết dễ “sinh tật” khi sống trong các hoàn cảnh dễ bị cám dỗ.

Theo Gia đình và xã hội