Duyên nợ với... bãi rác
Phải khó khăn lắm chúng tôi mới đến được bãi rác. Người đầu tiên chúng tôi gặp là một phụ nữ đang tuổi về chiều. Chị mặc áo khoác, quần bảo hộ lao động, chân mang giày. Gương mặt chị sạm nắng nhưng rất tươi bởi chị luôn nở nụ cười.
Chị tên là Nguyễn Thị Hoà, 47 tuổi, nhà ở ấp Trường An, xã Trường Tây, huyện Hoà Thành (Tây Ninh). Chị xuất thân làm nghề mua phế liệu. Một mình một xe đạp, chị đã lăn lóc khắp hang cùng ngõ hẹp của huyện Hòa Thành tìm mua những thứ mà người ta vứt đi.
Nhưng rồi cũng chẳng được bao nhiêu. Chị tìm đến bãi rác của huyện kiếm thêm. Nhiều người - cũng như chị - đeo bám vào bãi rác khiến cho công việc làm ăn của chị ngày càng khó khăn hơn. Chị quyết định bỏ bãi rác Hòa Thành tìm về bãi rác Bến Cầu.
Cái duyên của chị đến với nghề bươi móc rác này bắt nguồn từ một cuộc tình đổ vỡ. Chị Hòa kể cho chúng tôi nghe, thuở còn con gái, chị phải lòng một người đàn ông ở Bình Dương rồi đi đến kết hôn.
Chị về nhà chồng. Tại đây, ngoài bổn phận làm vợ chị còn phải gồng gánh công việc mưu sinh bởi nhà chồng không có ruộng rẫy đất cát gì. Hàng ngày chị đi mua ve chai về bán kiếm sống qua ngày.
Có được người vợ tháo vát như thế nhưng chồng chị Hòa không chí thú cùng vợ làm ăn mà sa vào đổ đốn. Những canh bạc thâu đêm suốt sáng đã nuốt biết bao nhiều mồ hôi và công sức của chị. Rồi một đứa con trai chào đời trong điều kiện khó khăn. Người chồng không đoái hoài tới mẹ con chị, vẫn miệt mài theo canh bạc.
Sau bao lần cố gắng năn nỉ, thuyết phục người chồng vẫn chứng nào tật nấy, chị Hòa quyết định ly hôn. Ra khỏi nhà chồng bằng 2 bàn tay trắng, chị quyết tâm làm lại.
Chị đã gắn bó với bãi rác này nhiều năm để mưu sinh
Chị thuê đất để trồng cây thuốc nam nhưng bị lỗ. Trong thời gian này, chị vẫn lui tới nhà chồng để chăm sóc sức khỏe cha chồng. Chị nói, chồng mình có lỗi chứ cha chồng thì một ngày cũng là cha.
Cứ thế kéo dài vài năm thì cha chồng chị qua đời. Chị trở về chốn cũ ở Hòa Thành, Tây Ninh. Chiếc cào 3 răng trong tay chị vừa bổ xuống một gói rác to. Rác bên trong bung ra. Chị ngồi xuống moi móc bên trong gói rác.
Một mảnh nhựa, một lon bia, một vỏ chai nước ngọt. Cứ thế chị say sưa trong công việc. Chị nói : "Thằng con của em nay đã lớn đã hiểu chuyện. Nó thấy mẹ quá khổ nên nó về đây theo mẹ cùng lượm rác.
Em nào chịu được như thế đâu. Con nó thương mẹ nhưng mẹ không muốn con khổ. Em tìm cho nó công việc phụ hồ ở một công trình xây dựng rồi. Giờ nó cũng ổn, em cũng yên tâm. Cha nó thấy vậy đánh tiếng muốn quay trở lại nhưng em ngán lắm rồi. Thôi sống một mình cũng vui "...
Mù mịt tương lai
Ông Nguyễn Bá Cọng, quản lý bãi rác cho biết, quyết định của UBND thị trấn bắt đầu từ tháng 9 đóng cửa bãi rác vì ô nhiễm. Ông nói, chúng tôi phải chấp hành thôi nhưng sống ở đây không phải chỉ có một mình chị Hòa mà còn có 6 mảnh đời khác bám theo bãi rác.
Những người sống nhờ vào bãi rác, ai cũng có số phận nghiệt ngã. Người nào cũng nghèo, không vốn liếng chỉ biết bám vào đây tìm nguồn sống qua những thứ mà mọi người vứt đi. 7 người, 7 hoàn cảnh nhưng họ thương yêu nhau không bon chen giành giật.
Hàng ngày, những con người lam lũ này bằng đôi tay miệt mài cào bới họ bất chấp mùi hôi thối bốc lên, lũ ruồi nhặng vo ve quanh mình. Bù lại, những gì họ kiếm được mang lại nguồn thu nhập tương đối ổn định từ 80.000 đến 100.000 đồng/người/ngày.
Nguồn thu nhập như thế nếu ở nơi khác có lẽ cũng tạm được. Nhưng tại đây, quanh năm phải hít thở mùi hôi thối phát sinh bệnh trong người lúc nào không biết.
Đến khi bệnh trở nặng mới đi khám rồi thì cũng qua loa cho quên đi bệnh tật để lao vào cuộc mưu sinh. Hầu hết các chị em tại đây ai nấy cũng đều bị bệnh, nhưng có chung một ý nghĩ không cố làm thì lấy gì mà sống. Họ chấp nhận riết thành quen.
Bé Ngọc Diễm
Ông Cọng chỉ tay về phía có bụi cây. "Anh nhìn xem, dưới hàng cây là hàng võng. 7 người 7 võng dùng để nghỉ ngơi sau những giờ lao động mệt nhọc. Nhưng nếu anh chú ý sẽ thấy trên chiếc võng cuối cùng, một người đang nằm và gần đó có một đứa bé chừng 4 - 5 tuổi".
Tôi dõi mắt nhìn theo. Quả thật như lời ông nói. Thì ra người đàn ông nằm võng trong lúc đang làm việc thì lên cơn đau tim. Ông cũng là 1 trong 7 mảnh đời tại bãi rác này. Và đứa bé kia, cháu Nguyễn Thị Ngọc Diễm là con nuôi của vợ chồng ông.
Ông Cọng cho biết thêm, vợ chồng người đàn ông này nhận đứa bé về nuôi lúc bé mới 18 tháng. Cha mẹ cháu bỏ lại con để đi tìm cuộc sống tốt đẹp hơn. Hiện nay cháu đã gần đến tuổi đến trường nhưng chưa có một bấy kỳ giấy tờ nào để làm thủ tục nhập học. Bé theo cha mẹ nuôi vào bãi rác từ lúc nhỏ nên rất nhút nhát.
Bãi rác hiện diện tại đây đã 15 năm. Trong quãng thời gian đó, từ những thứ mọi người vứt bỏ đã nuôi sống nhiều người. Khi bãi rác đóng cửa, không biết những con người miệt mài lao động này không vốn liếng, không học thức, cuộc sống họ rồi sẽ ra sao? Ông Cọng thở dài, dõi mắt về phía xa xăm...
Theo Vietnamnet