Thu nhập 30 triệu đồng, có nhà riêng, nhưng vẫn "chật vật"
Tính toán chi tiêu gia đình cuối tháng, chị Hoa (27 tuổi, quận Hoàng Mai, Hà Nội) ngán ngẩm vì không cất riêng được một khoản tiết kiệm.
"Chúng tôi tiêu xài khá hoang phí", người phụ nữ thừa nhận, nói "quyết tâm thay đổi từ bây giờ".
Chị Hoa làm việc tại một công ty truyền thông, còn anh Quý (30 tuổi), chồng chị, là nhân viên văn phòng. Tổng thu nhập hàng tháng của cả hai là 30 triệu đồng.
Người phụ nữ liệt kê: Chi phí sinh hoạt hàng tháng của gia đình ba thành viên khoảng 20 triệu đồng, học phí trường mẫu giáo quốc tế của con trai 2 tuổi rưỡi tốn 10 triệu đồng, chưa kể tiền du lịch (trung bình 10 triệu đồng) hoặc các khoản phát sinh khác.
Để tiết kiệm chi phí sống tại thành phố, nhiều hộ gia đình thường gửi thức ăn từ quê lên.
Cặp vợ chồng đã có nhà riêng ở Hà Nội do bố mẹ hai bên "tài trợ" nên không mất tiền thuê trọ. Họ dành phần lớn thu nhập để "nâng cấp cuộc sống", như mua quần áo có thương hiệu, ăn nhà hàng đắt đỏ, sắm nhiều thuốc bổ, thực phẩm chức năng cho các thành viên.
Hàng ngày, chị Hoa "đi chợ" trong siêu thị hoặc trung tâm thương mại, chọn thực phẩm với tiêu chí đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm dù biết mức giá cao hơn ở chợ. Cuối tuần, cả gia đình "đổi gió", dùng bữa tại các nhà hàng buffet, lẩu nướng hoặc quán Hàn Quốc.
"Đến tối, chúng tôi gọi thêm trà sữa hoặc đồ ăn vặt bên ngoài. Chưa kể những lần tụ tập bạn bè, bữa tiết kiệm nhất cũng tiền triệu", chị nhớ lại.
Một khoản chi tiêu khác "ngốn" nhiều tiền bạc của vợ chồng trẻ là chi phí dành cho con trai, từ quần áo hiệu, các loại bỉm, sữa, siro, thuốc thảo dược nhập từ nước ngoài. Mỗi lọ siro Úc đắt đỏ giá từ 450.000 - 500.000 đồng, chị Hoa cũng chấp nhận mua, chỉ mong con khỏe mạnh.
Người vợ nhận thấy "30 triệu đồng chỉ đủ sống ở Hà Nội", chưa đáp ứng tiêu chí "sống thoải mái" của họ. Nhiều tháng, cặp đôi rơi vào cảnh "thắt lưng buộc bụng" do không biết tính toán chi tiêu.
"Chúng tôi đặt mục tiêu tăng thu nhập lên 40 triệu đồng/tháng và học cách tiết kiệm trong trường hợp sau này sinh thêm con", anh Quý nói.
Để tăng thu nhập, người chồng tính "nhảy" việc, cần học thêm chuyên môn 6 tháng. Còn chị Hoa đã thử kinh doanh online hai năm, nhưng chán nản và đã từ bỏ.
"Tôi mong muốn tìm thêm một công việc khác để nâng cao thu nhập. Xu hướng hiện nay là làm 2 - 3 nghề cùng một lúc mới đủ để gia đình sống thoải mái, nhưng tôi thấy 'nghề làm mẹ' còn… vất vả quá", chị Hoa thở dài.
Thu nhập 28 triệu đồng, thuê nhà, chi tiêu khoa học
Vợ chồng anh Hoàng Anh (35 tuổi) và chị Nhật Linh (33 tuổi), cùng là nhân viên văn phòng, có tổng thu nhập hàng tháng 28 triệu đồng. Họ được đồng nghiệp nhận xét là "cặp đôi khoa học", khi đặt ra mục tiêu và hạn mức chi tiêu cụ thể, cố gắng mỗi tháng có thể tiết kiệm 30% thu nhập (8 triệu đồng).
- Tiền thuê nhà (một căn chung cư tầm trung, 2 phòng ngủ, ở quận Cầu Giấy): 7,5 triệu đồng.
- Tiền ăn, uống: 5 triệu đồng.
- Chi phí sinh hoạt: 1 triệu đồng.
- Tiền hiếu, hỉ: 500.000 đồng.
- Xăng: 500.000 đồng.
- Những khoản giải trí, phục vụ đời sống tinh thần: 3 triệu đồng.
- Khoản phát sinh (tiền học thêm, mua đồ cho bố mẹ hai bên): 2,5 triệu đồng.
Theo chuyên gia, chi phí chi tiêu thiết yếu và thuê nhà chiếm khoảng 60% thu nhập.
"Vợ tôi là người liệt kê và tính toán các khoản chi tiêu trong gia đình. Nguyên tắc của tôi là đầu tháng sẽ đưa hết các khoản tiền cần thiết cho vợ. Số tiền còn lại tôi dành cho những sở thích cá nhân", anh Hoàng Anh nói.
Chị Nhật Linh hài lòng với mức thu nhập 28 triệu đồng của hai vợ chồng, cảm thấy "đủ sống" ở Hà Nội, chứ chưa hẳn là "sống chất lượng". Cặp đôi sống tiết kiệm và giản dị, không mua sắm quần áo hay mỹ phẩm.
Họ hạn chế ăn ngoài, thay vào đó cố gắng nấu cơm mỗi ngày, vừa đảm bảo dinh dưỡng, vừa giảm chi phí.
Nhưng nếu sau này tính đến việc mua nhà và sinh con, Nhật Linh đặt mục tiêu phải cải thiện thu nhập ít nhất thêm 20 triệu đồng để cuộc sống "dễ thở" hơn.
"Chúng tôi luôn tìm cách tăng thu nhập như làm thêm, bán hàng online, song thấy không hiệu quả", chị Linh chia sẻ.
Cả hai thừa nhận đôi khi cảm thấy cuộc sống tại Hà Nội quá "khắc nghiệt" và chi phí đắt đỏ. Họ từng muốn bỏ về quê, nhưng lo lắng không có việc làm nên vẫn đành bám trụ tại thành phố.
Tổng cục Thống kê cho biết thu nhập bình quân theo tháng của người lao động trong năm 2022 đạt 6,7 triệu đồng, tăng 16% (tương đương 927.000 đồng) so với 2021 và tăng 12,7% (tương đương 759.000 đồng) so với năm 2019 - thời điểm trước khi Covid-19 bùng phát. Theo Tổng cục, thu nhập và chi tiêu phản ánh chủ yếu đến mức sống và chất lượng sống của người dân. Trong giai đoạn 2016-2020, đi cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế, thu nhập tăng theo và kéo theo mức chi tiêu tăng. Chi tiêu của người dân chủ yếu là tiêu dùng cho đời sống và có sự khác biệt rõ rệt giữa các vùng kinh tế, nhóm dân cư. Năm 2020 chi cho đời sống bình quân một người một tháng là 2,7 triệu đồng (chiếm tới 93% trong tổng chi tiêu hộ gia đình), trong đó chi cho ăn uống bình quân đầu người một tháng xấp xỉ 1,35 triệu đồng. Tại khu vực thành thị, chất lượng sống của người dân cao hơn khu vực nông thôn khi chi tiêu bình quân một người một tháng là gần 3,8 triệu đồng, khu vực nông thôn là 2,4 triệu đồng. |
* Tên các nhân vật đã thay đổi
Theo Dân trí