Giữa trưa nắng gắt, chúng tôi về làng Yên Xá, xã Phan Đình Phùng (Mỹ Hào, Hưng Yên) tìm gặp ông Đỗ Khắc Mạo (72 tuổi) – người cha khốn khổ có 3 đứa con đang khỏe mạnh bỗng hóa điên.

Vợ chết, mấy bố con lần lượt hóa điên

Vừa đặt chân đến cổng nhà ông Mạo, ai cũng giật mình khi nhìn thấy một khối lô cốt được dựng bằng những thanh củi mục án ngữ trong sân. Chúng tôi cất tiếng gọi nhưng không có ai đáp lại. Lúc này, một người phụ nữ ở nhà bên chạy qua và nhanh nhảu: “Bố con ông ấy điên hết cả rồi, có biết gì đâu mà gọi”.

Bà Chiền - người hàng xóm của gia đình ông Mạo mời chúng tôi sang nhà uống nước. Tại đây, bà Chiền đã giải thích về nguồn gốc của khối lô cốt: “Nó được thằng út dựng lên đó. Mỗi ngày, nó cao và to thêm một chút. Người dân quanh đây chẳng ai dám lại gần, chỉ sợ nó đổ rơi vào người thôi. Chúng tôi nhiều lần muốn tháo gỡ nó xuống nhưng không dám”, bà nói.


Khối lô cốt được dựng trước nhà.

Theo bà Chiền, ông Mạo vốn là một người bình thường, chịu thương chịu khó, còn vợ ông làm nghề dạy học. Ông bà có 5 người con nên cuộc sống rất vất vả. Dù vậy căn nhà nhỏ luôn đầy ắp tiếng cười hạnh phúc.

Năm 2011, gia đình ông Mạo bất ngờ gặp đại họa. Một lần đi làm cỏ ruộng, bà Mạo bị cảm nằm gục giữa cánh đồng, đến khi phát hiện đã quá muộn. Từ ngày đó, mấy bố con ông cứ lần lượt hóa điên.

“Bà ấy ra đi là một cú sốc lớn đối với ông Mạo và lũ trẻ. Ông ấy từ một người hiền lành, chăm chỉ bỗng đổ đốn thành kẻ nghiện rượu và hung hãn. Có lẽ nỗi đau mất vợ cùng bao lo toan cuộc sống đã khiến ông chán nản mọi thứ”, bà Chiền tâm sự.

Mỗi lần buồn, thương nhớ người vợ quá cố, ông Mạo lại tìm đến rượu để rồi không bao giờ… tỉnh lại nữa. “Người dân trong làng đã quá quen với hình ảnh ông ấy cầm chai rượu, vừa đi vừa nói nhảm, bới rác tìm mồi nhắm”, người phụ nữ thở dài.


Một người con điên đang nằm cuộn tròn trong chiếc chiếu cũ dưới bếp.

“Chúng tôi thương bố con ông ấy nhưng chẳng biết phải làm sao”

Bà Chiền cho hay, ông Mạo có 5 người con thì đến giờ 3 người bị điên. Đứa con út tên Huyền (30 tuổi) bệnh nặng nhất, được gửi vào bệnh viện tâm thần đã mấy năm; hai người con tên Quý (35 tuổi) và Phúc (32 tuổi) bị nhẹ hơn nên sống cùng ông trong căn nhà tình thương. Riêng hai người con đầu đều bình thường, đã lập gia đình và đi làm ăn xa.

“3 bố con ông ấy điên điên dại dại nên chẳng biết gì hết. Đồ đạc người ta quyên góp ủng hộ chỉ được vài bữa là đem phá hỏng hoặc vứt đi. Thậm chí nhiều nhà hảo tâm biếu đồ ăn thức uống cũng chẳng chịu ăn ngay, đợi đến khi mốc mới lấy tay bốc đưa lên miệng”, bà Chiền kể.


Ông Mạo ăn miếng cơm thiu từ nhiều ngày.

Nói đoạn, bà tiếp tục trầm ngâm: “Thằng Quý suốt ngày lang thang ngoài đường nhặt rác và xin ăn. Hễ thấy nhà nào có cỗ là nó lại gần, ngồi ngoài cổng chờ được cho đồ ăn. Bữa trước, tôi đi chợ sớm qua quán phở bò bắt gặp nó đang ngồi cạnh cái thùng nhựa người ta dùng để đổ nước phở thừa của khách. Nó vừa lấy tay vét từng sợi phở vừa cười mãn nguyện.

Còn thằng Phúc tỉnh táo hơn nhưng cục tính lắm. Nó thường đứng ở đầu ngõ chửi bới, cầm gạch ném người qua đường. Có lần nó gây sự với đám thanh niên làng khác, bị đánh một trận no đòn, may có hàng xóm can ngăn không thì giờ chẳng còn mạng sống.

Giờ nó không dám hung hăng nhưng suốt ngày dắt dao bên người, thậm chí đi ngủ cũng ôm dao. Mấy nay nó xin làm phụ hồ cho cai xây nhưng hôm đi hôm không. Dù nó hay tỉnh táo nhưng cũng chẳng quan tâm đến bố và anh trai đâu. Cái công trình kiến trúc kia do nó dựng lên đó. Chúng tôi thương bố con ông ấy nhưng chẳng biết phải làm sao”.


Tại một góc nhà khác, Phúc đang nằm ngủ.

Sau một hồi trò chuyện, cuối cùng bà Chiền và những người hàng xóm đã dẫn tôi vào tận bên trong ngôi nhà tình thương – nơi bố con ông Mạo đang sinh sống.

Bước đến cửa, tôi cảm nhận rõ mùi hôi tanh của quần áo bẩn và đồ ăn thiu thối bốc lên nồng nặc. Ông Mạo đang nằm trên chiếc giường không có chiếu nhai miếng mỳ tôm sống. “Mày là đứa nào? Đến đây làm gì? Tao giết”, ông trợn mắt rồi quát lớn.

Thấy vậy, bà Chiền vội giải thích: “Cô ấy không làm gì ông đâu, chỉ đến thăm và tặng quà thôi”. “Vậy à? Ngồi đây nào”, ông Mạo chỉ xuống chiếc ghế ở gian giữa nhà. Có lẽ đây là giây phút hiếm hoi ông tỉnh để nhận thức mọi thứ xung quanh.

“Thi thoảng con cả của ông ấy vẫn vào đây chăm sóc bố và các em. Tôi nghe nói thời gian tới nó sẽ đưa các em vào bệnh viện tâm thần điều trị, hy vọng sẽ có một phép màu xảy ra để chúng bình thường như trước. Lúc ấy ông Mạo có chết cũng nhắm mắt xuôi tay”, bà Chiền tâm sự.

Ông Vương Văn Toàn – Phó Chủ tịch UBND xã Phan Đình Phùng cho biết, gia đình ông Mạo thuộc diện đặc biệt khó khăn. Từ ngày vợ mất, 4 bố con ông Mạo lần lượt “hóa điên”.

“Căn nhà mà bố con ông Toàn đang ở được chính quyền kêu gọi, giúp đỡ xây dựng. Tuy nhiên chỉ trong thời gian ngắn nó trở nên bẩn thỉu, bên trong đều bị các con ông phá hỏng. Chúng tôi thường xuyên cử người đến quan tâm, dọn dẹp ngôi nhà nhưng cứ vài hôm con ông lại phá”, ông Toản nói.

Theo Khám phá