Đối với mỗi người đàn ông thì tham vọng và khát khao xây dựng sự nghiệp thành công luôn rực cháy trong lòng. Nhưng điều đó cũng vô tình khiến họ bỏ quên đi nhiều thứ quý giá. Để đến khi giật mình nhìn lại mới thấy tiếc nuối và ân hận.

Chiến (38 tuổi) chia sẻ anh và vợ kết hôn đến nay đã được 9 năm, sinh được 2 đứa con, nếp tẻ đủ cả.

"Chúng tôi đến với nhau từ đôi bàn tay trắng, hiện tại cuộc sống đã khấm khá hơn xưa rất nhiều. Tôi mua được nhà, tậu được xe và lo cho vợ con cuộc sống đầy đủ chẳng thua kém ai. Vợ là người đi bên tôi từ khi chưa có gì trong tay, những gì tôi dành cho cô ấy bây giờ coi như là sự đền đáp", Chiến nói.

Anh chia sẻ Ly - vợ anh rất tốt, duy chỉ có một điều khiến anh khá phiền lòng. Hôm đó là cuối tuần, nhóm đồng nghiệp của Chiến đến nhà chơi, sau khi nhìn thấy Ly thì hồn nhiên hỏi anh một câu: "Nhà anh thuê giúp việc trẻ thế không sợ vợ ghen à?".

Lần ấy Chiến thật sự phải muối mặt với bạn bè, đồng nghiệp. Cũng bởi Ly diện chiếc áo khoác cũ từ cách đây cả 7,8 năm trời, đã sờn cũ và bạc màu lắm rồi, mọi người nhìn vào hiểu lầm cũng là điều dễ hiểu.

Chiến bực lắm, anh đã có một cuộc nói chuyện gay gắt với vợ, yêu cầu Ly phải bỏ chiếc áo khoác đấy đi, không được mặc thêm lần nào nữa.

Vợ mặc áo cũ khiến bạn chồng tưởng giúp việc, anh tức giận vứt đi nhưng nghẹn lại khi nghe lý do-1

"Không phải vợ tôi quá tiết kiệm, dè sẻn hay không biết chăm sóc bản thân. Bình thường cô ấy ăn mặc thanh lịch, trẻ trung lắm nhưng chẳng hiểu sao chiếc áo cũ đáng ra nên làm giẻ lau ấy mà cô ấy cứ giữ khư khư như vật báu. Thi thoảng ở nhà vợ lại mang ra mặc, có hôm cô ấy diện đi chợ khiến cả khu phố xôn xao tôi giàu có mà keo kiệt, không cho vợ mua được chiếc áo khoác mới. Tất nhiên vợ tôi đã phân bua cho chồng nhưng ai tin được có người phụ nữ không thích mặc đồ đẹp lại thích chiếc áo cũ kỹ…", Chiến kể.

Mấy hôm sau Chiến vẫn thấy chiếc áo cũ ấy được treo ngay ngắn trong tủ đồ của vợ kèm vài món đồ khác cũng có thâm niên ngang ngửa. Anh tức giận quyết định thực hiện biện pháp cứng rắn. Tự tay anh vơ đám đồ cũ, trong đó có chiếc áo khoác kia ném ra thùng rác. Ly thấy vậy cuống quýt níu tay chồng lại:

"Anh đừng vứt chúng đi… Anh có nhớ chúng đều là những món đồ anh mua tặng em không? Chiếc áo khoác, đôi giày, chiếc áo len, mũ len... này đều cũ hết cả, đáng bỏ đi rồi nhưng... những tình cảm hạnh phúc, vui vẻ trong những thời điểm đó em không đành lòng bỏ đi. Em nhớ và luyến tiếc vô cùng anh ạ. Khi ấy chúng mình không giàu có về vật chất nhưng ngày nào trong nhà cũng đầy ắp tiếng cười. Anh quan tâm vợ con, dành nhiều thời gian cho gia đình… Đâu phải như bây giờ, em mặc toàn váy tiền triệu nhưng anh chỉ về quẳng cho em xấp tiền rồi thôi…".

Nói đến câu cuối giọng Ly đã nghèn nghẹn muốn khóc. Chiến thẫn thờ không biết phải đáp lại vợ thế nào. Cuối cùng anh ôm chặt cô vào lòng, lau những giọt nước mắt trên má vợ mà mắt anh cũng đã đỏ hoe.

Cuộc sống khấm khá hơn đồng nghĩa với việc Chiến bị cuốn vào guồng quay của công việc và những mối quan hệ xã giao bên ngoài. Anh ngày càng ít có thời gian ở nhà, có khi cả tuần cũng chẳng ăn tối với vợ con được một bữa. Nhiều lần Ly khuyên chồng dù có thế nào cũng phải giữ sức khỏe và dành thời gian cho gia đình, quan tâm đến con cái. Chiến không nghe, còn mắng vợ: “Đàn bà thì biết gì”.

Vợ mặc áo cũ khiến bạn chồng tưởng giúp việc, anh tức giận vứt đi nhưng nghẹn lại khi nghe lý do-2

Tới lúc này anh mới nhận ra những điều Ly nói đều đúng cả. Thường xuyên đi nhậu không ăn cơm nhà, làm việc và sinh hoạt không có giờ giấc nên sức khỏe của anh giảm sút đáng kể. Hai đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn nhưng cả tháng nay anh chưa trò chuyện, tâm sự với con được 1 lần. Nhất là tình cảm vợ chồng Chiến trở nên xa cách hơn dù thật sự anh không có người phụ nữ nào khác bên ngoài.

"Tiền và sự nghiệp quan trọng thật nhưng tôi nhận ra trong cuộc sống cũng còn những thứ quan trọng không kém, đó là gia đình, vợ con, cha mẹ. Nếu chúng ta bỏ lỡ những điều quý giá đó thì kể cả khi đã giàu sang phú quý cũng chẳng còn ý nghĩa…", Chiến tâm sự.

Hy vọng những người đàn ông đều hiểu được điều đó, biết cân bằng giữa sự nghiệp và gia đình. Gia đình là bến bờ bình yên, là nơi mỗi người trở về, hãy đầu tư thời gian và tâm sức xứng đáng để nơi ấy luôn đầy ắp tiếng cười và sự ấm áp.

Theo Pháp luật và bạn đọc