Không chấp nhận được sự thật vợ mắc COVID-19 tử vong
Theo chị Bích công việc hàng ngày của chị là cung cấp thông tin tình trạng bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Hồi sức COVID-19. Mỗi ngày chị Bích nhận hơn 100 tin nhắn trả lời tình trạng sức khỏe của bệnh nhân cho thân nhân.
Bên cạnh công việc hỗ trợ tra cứu thông tin cập nhật sức khỏe của bệnh nhân chị Bích còn làm nhiệm vụ rất khó khăn là thông báo tin bệnh nhân đã mất cho gia đình.
Câu chuyện mà chị Bích sẽ không bao giờ quên đó là trường hợp một bệnh nhân COVID-19 đã mất nhưng chồng không chấp nhận sự thật nằm 3 ngày ở cổng Bệnh viện Chợ Rẫy để ngóng chờ vợ.
"Ngày hôm đó, người cháu của bệnh nhân có nhắn tin qua Zalo nhờ tôi xác nhận thông tin về trường hợp bệnh nhân nữ sinh năm 1984 mắc COVID-19 đang điều trị tại bệnh viện. Sau đó, tôi xác minh thông tin thì bệnh nhân đã mất.
Tuy nhiên, người chồng thì vẫn đứng đợi tại bệnh viện chờ đón vợ, người nhà khuyên nhủ kiểu gì cũng không về. Trong khi đó, 2 người con của anh dương tính với SARS-CoV-2 đã đưa đi cách ly.
Gia đình lo lắng nếu anh cứ ở viện như vậy nguy cơ lây nhiễm rất cao, nên người cháu có nhờ tôi nhắn tin phản hồi vào tin nhắn SMS của chồng là bệnh nhân đã mất để người chồng chấp nhận sự thật. Lúc đó, tôi cảm thấy rất xót xa. Nữ bệnh nhân còn rất trẻ nên người chồng không thể chấp nhận được sự thật này", chị Bích xúc động chia sẻ.
Chị Bích đang tra cứu thông tin bệnh nhân trên hệ thống để hỗ trợ cho thân nhân
Sau những câu chuyện buồn chị Bích cũng có câu chuyện khiến chị có sự động viên. Đó là trường hợp bệnh nhân đi làm giúp việc tại TP.HCM sau đó bị dương tính và được chủ nhà đưa vào viện điều trị.
Sau đó con của bệnh nhân có liên lạc để tìm kiếm thông tin về mẹ mình. Tuy nhiên, khi chị Bích tra trên hệ thống thì không có bất cứ thông tin gì về bệnh nhân. Qua rất nhiều cuộc gọi trao đổi, hỏi ra mẹ bệnh nhân có hai tên. Và cuối cùng chị Bích cũng tra được thông tin bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện và người con đã cảm ơn chị rất nhiều.
Lúc đó chị Bích cũng cảm nhận được niềm hạnh phúc của người thân bệnh nhân vì đã tìm được thông tin về mẹ mình.
Sự mất mát quá lớn
Làm công việc thường xuyên phải thông báo tin buồn, bệnh nhân đã tử vong cho gia đình, chị Nguyễn Thị Tuyết Hằng, Phòng Kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện cho hay: "Khi tôi thông báo tin bệnh nhân mất, có những gia đình rất bình tĩnh nhưng đa số các trường bất ngờ, sốc và ngất đi, phải truyền lại cho người thân khác nghe điện thoại. Có những trường hợp khóc mà tôi cũng lặng theo."
Chị Hằng đang gọi điện báo tin cho người thân bệnh nhân mắc Covid-19
Theo chị Hằng mỗi một lần phải thông báo bệnh nhân mất cho gia đình thân nhân, chị cũng cảm nhận thấy rõ nỗi đau mất mát như người thân của mình, đó là nỗi đau đớn quá to lớn.
Cho nên cả khi chị Hằng ở nhà, cả xóm đó đều biết số và gọi tới nhờ giúp, dù chị đang ở nhà vẫn có giải đáp cho người thân của bệnh nhân.
Chị Hằng suy nghĩ đơn giản, ví dụ như người nhà chị mắc bệnh chị cũng muốn biết họ đang ra sao, nếu không biết chắc chắn sẽ rất lo lắng. Do vậy, nếu giúp được ai chị luôn cố gắng giúp đỡ cho gia đình bệnh nhân.
Chị Hằng vẫn còn nhớ mãi: "Ngày hôm đó có một trường hợp bệnh nhân mắc COVID-19 mất, tôi báo tin buồn cho người nhà, người nhận cuộc gọi là nam, anh đã rất xúc động khi tiếp nhận thông tin.
Sau đó, anh rất bình tĩnh nói chuyện lại với tôi, anh có kể một người ở trong xóm đi làm công trình qua nhà hàng xóm chơi và lây bệnh cho gia đình. Gia đình anh có 5 người mất là dì, mẹ, bà… và 11 người thân khác đang điều trị COVID-19. Sự mất mát của gia đình anh quá lớn.
Anh có chia sẻ: 'Tôi biết có dịch bệnh không dám đi đâu... Nhưng hàng xóm có sang chơi chỉ nói chuyện, trả lời vài câu… nhưng giờ đã lây bệnh hết cho cả gia đình và dòng họ tôi!'.
Anh vừa nói vừa khóc khiến cho tôi đã rất xúc động".
Theo Tổ Quốc