Gần 1 tháng sau vụ phi công Dương Lê Minh tử nạn tại Vũng Tàu, PV Báo Giao thông trở lại ngôi nhà tại Nha Trang (Khánh Hòa), nơi mà người vợ và hai con của anh vẫn chưa thoát được tâm trạng đau buồn sau sự ra đi đột ngột của chồng, cha. Phía trước còn đầy những khó khăn, chông gai chờ đợi ba mẹ con trong cuộc mưu sinh nhưng chia sẻ với Báo Giao thông, vợ anh Minh vẫn mong viết tiếp truyền thống gia đình trên những cánh bay...
Chị Anh, vợ phi công tử nạn tại Vũng Tàu, bế con trai đầu thắp hương trước di ảnh chồng
Nhớ ba, con gọi tên trên di ảnh
“Mẹ ơi, lên… ba”, giọng bập bẹ của con trai cả Dương Lê Văn (20 tháng tuổi), cố chập chững, với tay mẹ Phạm Trần Bảo Anh (29 tuổi) đòi dắt lên phòng thờ đặt di ảnh Thiếu tá Dương Lê Minh. “Ba, ba!”- Văn rối rít, tay chỉ về di ảnh cha. Cậu con trai còn quá nhỏ để có thể cảm nhận được nỗi đau mất mát, mồ côi. Chị Anh héo hon sau gần một tháng nhận tin dữ chồng cùng 2 học viên phi công tử nạn trong lúc bay huấn luyện trên máy bay số hiệu 8632EC130T2 tại Bà Rịa - Vũng Tàu, trưa 18/10. Nước mắt như khô cạn, giọng chị Anh khản đặc: “Tội lắm, lúc còn sống sau mỗi dịp về công tác về nhà, anh lại ôm riết hai đứa nhỏ. Giờ ngày nào cháu cũng nhớ. Nghe con gọi ba mà tôi chỉ biết ngoảnh mặt lau nước mắt”.
Dưới nhà, bà Trần Thị Kim Oanh (mẹ ruột chị Anh) tất bật giữ cháu ngoại Dương Lê Thành chưa được tròn 5 tháng. “Cháu nằm bệnh viện cả tuần để điều trị sốt siêu vi mới về. Mẹ nó giờ chẳng buồn ăn uống, thiếu sữa nên con không khỏe”, bà Oanh nói. Quê Nha Trang, từ ngày con gái mang bầu, sinh cháu thứ nhất, bà Oanh vào nhà trọ của vợ chồng con gái trên địa bàn quận Bình Thạnh (TP.HCM) chăm sóc con cái. Ngày Anh xuống dưới nhà công vụ của chồng ở gần Trung tâm bay huấn luyện tại Bà Rịa-Vũng Tàu, bà Oanh cũng khăn gói xuống cùng để đón cháu ngoại thứ hai. Chị Anh nghỉ chế độ sinh nên từ ngày chồng tử nạn, cả nhà lại dắt díu nhau về quê Nha Trang. Bà Oanh buồn rầu: Từ ngày chồng mất, Anh như người mất hồn. Ai cũng lo cho con rồi các cháu nữa. Quá nhỏ để cảm nhận hết sự đau thương, rồi tương lai nữa…
Chị Anh bộc bạch: Mọi chuyện xảy ra quá đột ngột, đau lòng. Lúc nghe tin dữ, chị Anh đang ở nhà nấu ăn, chờ chồng về như thường nhật. Mọi hi vọng vỡ tan trong nỗi đau thương. “Cả nhà đang có những ngày tháng rất hạnh phúc, quây quần bên nhau, giờ thành ly biệt”, chị Anh ngậm ngùi. Rồi chị kể: cùng “đồng hương” Nha Trang, trong lần về quê ăn Tết năm 2014, cả hai biết nhau lúc đi cà phê với bạn bè. Tình yêu tâm đầu ý hợp nên đám cưới tổ chức ít tháng sau đó và có với nhau hai đứa con trai kháu khỉnh trong năm 2015-2016. Những ngày tháng 10/2016, lần đầu tiên cả hai vợ chồng tổ chức được ngày mừng sinh nhật chung (sinh cùng tháng - PV). Sau đó, anh Minh ra Đà Nẵng bay trực thăng gần tuần lễ. 3 ngày trước khi gặp nạn, cả nhà quây quần trong căn phòng công vụ gần Trung tâm huấn luyện. “Sáng 18/10, anh Minh trước khi đi làm vẫn hôn chào vợ con, không ngờ đó lại là nụ hôn cuối”, chị Anh nức nở.
Hai con của Thiếu tá Dương Lê Minh phải nhờ bà ngoại, người thân chăm sóc
“Huyền thoại" hai thế hệ anh hùng
Chắp tay trước di ảnh, chị Anh vẫn còn xúc động xen tự hào. Với chị, chồng luôn là hình mẫu của sự yêu thương, trách nhiệm với gia đình, vợ con. “Anh có nụ cười mà tôi hay gọi là tỏa nắng, hiền hậu, không than phiền bất cứ điều gì trong công việc, cuộc sống vì sợ tôi lo lắng. Anh ấy thương con lắm. Dù rất bận công tác nhưng vừa rồi, anh đã thực hiện được lời hứa đưa con đi chơi công viên, đu quay. Anh luôn dặn hai vợ chồng gắng nuôi dạy và định hướng để con theo nghiệp cha, viết tiếp giấc mơ chinh phục bầu trời”, chị Anh tâm sự.
Không riêng gia đình, trong đơn vị, đồng nghiệp, học trò đều rất khâm phục tài đức của Trung tá Dương Lê Minh và người cha Anh hùng LLVTND, Thượng tá Dương Văn Thanh (nguyên Phó trung đoàn 910, Quân chủng Phòng không - Không quân, giảng dạy tại Trường Sỹ quan không quân) cũng từng là một phi công lão luyện. Theo Đại tá Phạm Văn Đông, Phó chính ủy Trường Sỹ quan không quân, đây là gia đình có truyền thống theo nghiệp phòng không. Thượng tá Thanh là giảng viên bay, sử dụng thành thạo ba loại máy bay với hơn 2.195 giờ bay; Đảm trách thành công nhiệm vụ bắn đạn thật về đề tài sử dụng rốc-két C5-KO, lắp đặt trên máy bay L-39 của Quân chủng Phòng không - Không quân.
“Định mệnh” ập đến trong lúc bay huấn luyện chiến đấu vào khoảng 15h25 ngày 29/4/2005, Thượng tá Thanh cùng học viên phi công Đào Việt Hưng trên chuyến bay L-39 đột ngột chết máy trên không. Máy bay lao vào hướng đảo Hòn Tre, cách bờ Nha Trang khoảng 3km. Biết không thể nào tự khắc phục được sự cố kỹ thuật, Thượng tá Thanh khẩn báo cho Sở Chỉ huy và nhận được lệnh “cho phép đồng chí nhảy dù để thoát hiểm”. Giữa làn ranh sinh - tử mong manh, Thượng tá Thanh ra lệnh cho phi công Hưng nhảy dù, còn mình cố gắng điều khiển máy bay lướt sang trái, tránh lao vào khu du lịch trên đảo và chịu tử vong vì máy bay lao áp sát xuống biển, không đủ độ cao thực hiện thao tác thoát hiểm.
Ngày Thượng tá Thanh gặp nạn, người con trai duy nhất của mình là Dương Lê Minh cũng đang là học viên của Trường sĩ quan Không quân (niên khóa 2002-2006). Tưởng chừng ngã khụy sau cú sốc ấy nhưng anh Minh vẫn quyết nối nghiệp cha làm phi công. Trao đổi với Báo Giao thông, anh Nguyễn Minh Tiến (hiện là Trưởng phòng Đào tạo, Trung tâm huấn luyện bay), từng là bạn học cùng khóa với anh Minh tự hào: Minh là tấm gương về đam mê, nhiệt huyết, vượt qua khó khăn, áp lực để theo đuổi nghiệp phi công. Khi tốt nghiệp (2007), các anh Minh, Tiến đều đạt học viên xuất sắc và được nhận vào Trung tâm huấn luyện, rồi nắm giữ các vị trí quan trọng. Đặc biệt, anh Minh tiếp tục được cử huấn luyện tại các nước Mỹ, Đức, Anh, Pháp, trở thành phi công cấp I (cao nhất VN) với hơn 4.000 giờ bay.
Trung úy Trần Hùng Vương (24 tuổi, quê Nam Định, Trung tâm huấn luyện) từng là học viên của thầy giáo Dương Lê Minh tâm sự: Phương pháp dạy của thầy Minh rất khoa học, gắn liền thực tiễn. Các tiết dạy chuyên ngành phi công, hàng không luôn tạo sự thu hút với người học. Trong cuộc sống, thầy Minh nổi tiếng người dễ gần, thân thiện, cởi mở chẳng mất lòng ai.
Gập ghềnh "giấc mơ bay"
Trong phòng, hai bàn thờ của hai cha con anh hùng tỏa khói hương. Nhiều bằng khen, huân huy chương, ảnh kỷ niệm được treo trang trọng. “Tôi sẽ kể cho con mỗi ngày về cha, ông như những huyền thoại. Chỉ mong con có thể nối nghiệp bay như tâm nguyện của anh Minh”, chị Anh nói. Ngẫm về tương lai, chị Anh tần ngần: Anh Minh là trụ cột gia đình, bao năm nay cả nhà trông nhờ vào anh. Khó khăn giờ sẽ nhiều hơn, áp lực cuộc sống không nhỏ.
Bà Oanh cho biết: Cả hai mẹ con chờ hết chế độ nghỉ sinh của Anh sẽ tiếp tục đưa các cháu vào Bình Thạnh (TP.HCM) để thuê trọ. Anh hiện đang làm cho một công ty quản lý quỹ trên địa bàn Bình Thạnh với mức lương khoảng 10 triệu đồng/tháng. Số tiền rất khó cân đối giữa thành phố “đắt đỏ” Sài Gòn. Theo bà Oanh, tôi định nói cháu ở quê nhưng khó nhất là xin việc mới. Hai vợ chồng Anh cũng từng tính chuyển xuống Bà Rịa - Vũng Tàu ở nhưng rồi chưa thành. Đất khách mưu sinh, mất trụ cột, một mình Anh khó mà gánh vác nổi. Thương cho hai đứa cháu nhỏ bỗng lâm cảnh mồ côi cha, thiệt thòi đủ đường. “Khó khăn thế nào tôi cũng không sợ, chỉ mong nuôi dạy con đúng như ước nguyện để anh yên lòng”, chị Anh bộc bạch.
THeo KHám phá