Ngay từ khi quen vợ, tôi đã biết thu nhập của mình có phần lép vế. Khi đó cô ấy đã làm phó phòng kinh doanh của một công ty lớn, thu nhập 50-60 triệu đồng/tháng.
Trong khi đó, tôi là viên chức nhà nước, dù có làm thêm thì mỗi tháng cũng chỉ kiếm được hơn chục triệu đồng.
Biết tôi ngần ngại về sự chênh lệch này, cô ấy nói thẳng: "Em không quan tâm thu nhập của anh bao nhiêu, quan trọng là mình sống với nhau thế nào thôi". Nghe những lời nói chân thành đó, tôi thực sự xúc động.
Chúng tôi nhanh chóng quyết định gắn kết với nhau bằng đám cưới chỉ sau nửa năm quen biết.
Vợ có thu nhập cao nhưng luôn tính toán rạch ròi với tôi. (Ảnh minh họa: AI)
Tuy nhiên, khi đã là vợ chồng, sự chênh lệch lớn về thu nhập khiến tôi nhiều lúc hơi khó xử. Không như những gia đình khác, tiền sẽ thu về một mối để chi tiêu chung, vợ tôi yêu cầu lập quỹ, hàng tháng mỗi người sẽ đóng một số tiền bằng nhau vào quỹ này, dùng để thanh toán các khoản chi trong gia đình.
Cô ấy bảo, với một cặp vợ chồng son không phải ở nhà thuê, chỉ ăn cơm ở nhà buổi tối thì mỗi tháng chỉ cần mỗi người đóng 8 triệu đồng là đủ chi tiêu mọi thứ.
Khổ nỗi, 8 triệu đồng với vợ chỉ là một phần nhỏ của thu nhập nhưng lại là phần lớn số tiền tôi kiếm được mỗi tháng. Vì thế, nếu có khoản chi phát sinh, tôi sẽ cực kỳ khó xoay xở.
Nhiều lúc, để đóng đủ phần mình, tôi phải vay tạm đồng nghiệp rồi tháng sau trả bù. Những lúc vậy, anh em cùng cơ quan lại nửa đù nửa thật trêu tôi rằng: "Mang tiếng lấy vợ giỏi kiếm tiền mà vay mượn như cơm bữa".
Chuyện đối nội đối ngoại cũng là vấn đề. Mỗi lần về ngoại, vợ tôi biếu ông bà tới 5-7 triệu đồng, tất nhiên là từ lương của cô ấy. Còn tôi thì vốn chẳng có nhiều nên cố lắm cũng chỉ biếu được ông bà nội 1 triệu đồng gọi là tiền quà bánh.
Nhiều lúc tôi tự hỏi phải chăng vợ sống trong môi trường cạnh tranh quá cao nên sống rạch ròi, tính toán với cả chồng mình. Nghĩ vậy nhưng tôi im lặng không nói bởi không muốn gây căng thẳng trong gia đình.
Cưới nhau gần 2 năm cũng không thấy vợ nhắc tới chuyện có em bé. Tôi sốt ruột bàn với cô ấy nên chuẩn bị "đúc" em bé vì cả hai cũng không còn trẻ. Nghe vậy, vợ mới nói thật rằng công ty cô ấy tuy lương cao nhưng mức độ cạnh tranh rất khắc nghiệt, nếu bầu bí rồi nghỉ sinh thì có thể cô ấy sẽ mất đi cái ghế phó phòng.
Mặt khác, phần lớn thu nhập của vợ là từ lương kinh doanh, nếu năng suất lao động giảm do con mang thai và sinh con, nuôi con nhỏ, mức lương sẽ giảm mạnh, rất khó đáp ứng nhu cầu chi tiêu.
Vợ nói, không phải cô ấy trốn tránh việc làm mẹ, nhưng nếu thu nhập chỉ khoảng 10 triệu đồng trong khi tôi cũng không hơn gì thì hai đứa làm sao mà nuôi con.
Việc sinh đẻ sẽ khiến cô ấy phải hy sinh công việc trong 2-3 năm, trong thời gian đó liệu tôi có cách gì để bù đắp cho khoản thu nhập này không...
Những lời vợ nói khiến tôi phải suy nghĩ. Với tôi, bỏ cơ quan đang làm để tìm công việc có thu nhập cao hơn gần như là không thể, bởi trong thời buổi khó khăn này, kiếm được việc làm ổn định như tôi không phải là điều đơn giản, dễ dàng. Vợ đã làm bên ngoài thì thì chồng cũng cần một vị trí chắc chân để phòng trừ những lúc khó khăn.
Mặc dù vợ tôi có lý, nhưng nếu nói như cô ấy thì cả chục năm sau cũng không thể sinh con được khi tính chất công việc của cô ấy vẫn vậy. Nếu chỉ tính toán tiền bạc thì chuyện có con trở thành quá xa vời.
Trong khi đó, tôi biết rõ vợ có sổ tiết kiệm riêng với giá trị không nhỏ sau bao năm đi làm. Khi sinh con, thu nhập ít đi, cô ấy hoàn toàn có thể sử dụng khoản này để chi tiêu.
Tuy nhiên, tôi không nói ra điều này vì biết chắc rằng với quan điểm tiền ai nấy chi, mọi khoản chung phải cưa đôi rạch ròi từng đồng của vợ, khó có chuyện cô ấy phá sổ tiết kiệm, vì tôi không thể đưa ra số tiền "đối ứng" tương tự.
Nhiều lúc tôi muốn đưa ra lời khuyên cho cô ấy về việc chi tiêu trong nhà, không nên phân biệt "tiền anh, tiền tôi" quá mức nhưng rất ngại mở lời vì cảm thấy mình quá yếu thế về tài chính. Nói ra, cô ấy có thể nghĩ tôi là kẻ lợi dụng tiền bạc, muốn ngồi mát ăn bát vàng hưởng thành quả "cày cuốc" của vợ.
Trong hôn nhân, nếu vợ coi thường chồng vì rất khó chung sống, vì vậy tôi không muốn đẩy mình đến tình cảnh đó.
Nhưng nếu im lặng thì mọi chuyện sẽ cứ giẫm chân tại chỗ không có hướng giải quyết. Rất mong độc giả cho tôi lời khuyên để vợ tôi có thể thay đổi quan điểm.
Theo VTC News