Câu chuyện bản quyền World Cup 2018 đã gây “nóng” dư luận trong những năm gần đây. Không còn là câu chuyện ai sở hữu, độc quyền giải đấu nào mà hơn hết đó là vấn nạn vi phạm bản quyền bóng đá trên internet. Bài học lớn nhất có lẽ là câu chuyện của 2 năm trước, khi VTVcab bị cắt mất bản quyền C1 đã gióng lên hồi chuông lớn về thiệt hại không chỉ dành cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mà còn ảnh hướng lớn đến những người hâm mộ bóng đá chân chính.

Trong thông báo mới nhất của mình, VTV một lần nữa cảnh báo: “Ngay lúc này, rất có thể hôm nay và ngày mai, FIFA World Cup 2018 có thể biến mất tại tất cả các màn hình to, nhỏ quen thuộc của mỗi khán giả Việt Nam chỉ vì nạn livestream, truyền phát tín hiệu World Cup lậu”.


Bản quyền World Cup 2018 là vấn đề nóng những ngày qua. (Ảnh minh họa: VTV)

Theo VTV, thông báo nói trên là hoàn toàn có căn cứ khi liên tục những ngày qua, các bản tin thời sự quan trọng của nhà đài này và các kênh thông tin đã nhiều lần kêu gọi tất cả người dân Việt Nam cùng chung tay nói không với việc vi phạm bản quyền World Cup; nhưng nạn livestream “lậu” vẫn diễn ra hết sức phức tạp.

Đáng quý thay, VTV cho hay, đã có các "hiệp sĩ" đầu tiên sẵn sàng hy sinh, thức đêm, khó có thể theo liền mạch một trận đấu mà thay vào đó họ liên tục tìm kiếm, truy quét và thông báo các địa chỉ, đường link đang vi phạm bản quyền tới VTV ngay trong quá trình trực tiếp.

Bất ngờ khi phần lớn họ đều là các bạn trẻ, trong đó có các bạn học sinh cấp 2, cấp 3 sẵn sàng âm thầm thực hiện công việc này bên cạnh một số thành viên đang công tác tại các đơn vị truyền hình. Ban đầu nhóm chỉ có 4 - 5 thành viên, thành lập khoảng 1 năm trước, với mục đích cung cấp những hành vi vi phạm bản quyền video, clip Champions League (C1) của các trang báo điện tử cho VTVcab.


Một đoạn livestream vi phạm bản quyền World Cup 2018.

Đến kỳ World Cup này, khi mà vấn nạn bản quyền được trao đổi, bình luận sôi nổi thì số lượng các thành viên của nhóm tăng đột biến trong giai đoạn trước 1 tuần khai màn World Cup 2018. Một số nhà báo có uy tín trong lĩnh vực về công nghệ truyền hình cũng đã tham gia vào nhóm và giúp việc theo dõi, liên kết các đầu mối có liên quan để góp phần vào việc ngăn chặn vi phạm bản quyền đạt hiệu tốt nhất.

Theo thống kê sơ bộ của VTV, đến thời điểm hiện nay, nhóm “hiệp sĩ” này đã phát hiện được hơn 200 đường link trên YouTube, Facebook, Talk TV,… Đặc biệt hơn, ngoài internet, nhóm còn phát hiện việc bị để tràn sóng của một số đơn vị truyền dẫn tín hiệu qua vệ tinh và cả việc truyền thanh trái phép tiếng bình luận của VTV lên internet.

Theo VTV, hiện nay đã có rất nhiều ứng dụng chính thống như VTV News, VTVgo, VTVcab ON, FPT Play… đều có thể giúp cho người hâm mộ theo dõi World Cup một cách thuận tiện. Do đó, VTV kêu gọi người hâm mộ bóng đá: “Hãy lên tiếng! Đừng làm ngơ cho những tên “tội phạm” nhởn nhơ kiếm tiền và hủy hoại niềm vui của hàng chục triệu người dân Việt Nam”.

Theo Dân Việt