Vụ nhạc sĩ Giáng Son bị BH Media khiếu nại bản quyền "con đẻ" của mình là tác phẩm Giấc Mơ Trưa (thơ: Nguyễn Vĩnh Tiến) khi chị lập kênh YouTube và đăng tải bài hát này đang thu hút sự quan tâm của nhiều nghệ sĩ.
Nhạc sĩ Giáng Son
Cụ thể, ca khúc Giấc Mơ Trưa của nhạc sĩ Giáng Son bị đánh gậy bản quyền với lý do đoạn âm thanh nữ nhạc sĩ đăng tải giống với đoạn âm thanh màn trình diễn Giấc Mơ Trưa của nghệ sĩ đàn nhị Dương Thùy Anh, được sở hữu bởi BH Media và Hồ Gươm Audio.
Hình ảnh nữ nhạc sĩ Giáng Son đăng kèm để mô tả việc ca khúc của chính cô đã bị đánh bản quyền bởi đơn vị khác
Phản hồi đơn khiếu nại của nhạc sĩ Giáng Son, ông Nguyễn Hải Bình, Tổng Giám đốc BH Media, cho biết: "Khi chúng tôi xem lại 2 tác phẩm đó thì thấy khác nhau nhiều nhưng hệ thống của YouTube quét và thấy sự trùng khớp".
Phía BH Media khẳng định nhạc sĩ Giáng Son nói đơn vị này "đánh gậy bản quyền" tác phẩm của chị là không chính xác. Bởi lẽ, việc chủ sở hữu tác phẩm thỉnh thoảng bị "ăn gậy bản quyền" vẫn xảy ra trên mạng xã hội.
Phía BH Media giải thích về sự việc sở hữu bản quyền Giấc Mơ Trưa nhưng không được phía nhạc sĩ Giáng Son chấp thuận
Không đồng tình với quyết định trên, ngày 15/10 vừa qua, Giáng Son "vỗ mặt" BH Media rằng "các bạn rất lươn lẹo".
Cô cho biết YouTube chỉ cung cấp công cụ cho đối tác tự quản lý và thực thi, nếu đối tác không tự ý bật Content ID (phải là nội dung độc quyền) và ra lệnh quét trùng khớp thì không có chuyện video âm nhạc của Giáng Son bị dính xác nhận bản quyền từ BH Media.
Sau đó, nữ nhạc sĩ lập tức đã gửi đơn kiến nghị lên Trung tâm Bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC). Và theo kết quả VCPMC, nhạc sĩ Giáng Son không hiểu lầm sự việc. VCPMC cho hay, đơn vị này đã gửi công văn mời BH Media làm việc, theo đơn đề nghị của nhạc sĩ Giáng Son.
Được biết, trước nhạc sĩ Giáng Son, nhạc sĩ Ngọc Khuê cũng ngỡ ngàng khi bản thân không thể đăng tải bài hát của ông lên kênh YouTube. Nhạc sĩ Ngọc Khuê cho biết ông bị gần 20 video, trong đó có cả bài hát Hà Nội Mùa Thu Vắng Em mà ông mới sáng tác gần đây.
"BH Media sở hữu khá nhiều tác phẩm dù chính tác giả cũng ngỡ ngàng vì bản thân chưa từng hợp tác với đơn vị này" - ông cho biết.
Mới đây, VTV công khai lên án việc BH Media xác nhận sở hữu bản quyền ca khúc Tiến Quân Ca - Quốc ca do nhạc sĩ Văn Cao hiến tặng cho nhân dân và Tổ quốc.
Sự việc gây bức xúc khi video Quốc tang của Đại tướng Võ Nguyên Giáp phát sóng trên VTV1, quốc tang đồng chí Tổng bí thư Lê Khả Phiêu cũng đã bị BH Media nhận quyền sở hữu.
Chương trình Chuyển Động 24h lên án việc đơn vị BH Media sở hữu bản quyền ca khúc Tiến Quân Ca
Video Quốc tang đồng chí Tổng bí thư Lê Khả Phiêu...
... Thậm chí video Quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp phát sóng trên VTV1 cũng bị phía đơn vị này sở hữu bản quyền
Ngoài ra, một số tác phẩm dân gian như Quan Họ Bắc Ninh Giã Bạn hay vở cải lương Tiếng Trống Mê Linh, Nửa Đời Hương Phấn cũng được diễn viên Gia Bảo thể hiện sự bức xúc.
Theo đó, đây là tác phẩm do dòng tộc Gia Bảo đặt hàng sáng tác và hiện cho phát miễn phí trên YouTube. Tuy nhiên sau nhiều năm, loạt tác phẩm này đột nhiên bị BH Media báo cáo vi phạm bản quyền.
Dù sau đó, phía BH Media đã gỡ báo cáo vi phạm nhưng việc ngang nhiên nắm giữ bản quyền của đơn vị này gây nhiều tranh cãi.
Sản phẩm Quan Họ Bắc Ninh Giã Bạn bị đánh bản quyền
Diễn viên Gia Bảo cũng vô cùng bức xúc với những tác phẩm do do dòng tộc của anh đặt hàng sáng tác và hiện cho phát miễn phí trên YouTube cũng bị đánh bản quyền
Nhạc sĩ Nguyễn Minh Cường chia sẻ: "Khi có bất kỳ bản ghi nào đó ra đời, người chủ sở hữu sẽ đăng ký với công ty chủ của Facebook và Youtube rằng tôi đang sở hữu 1 bài hát này và tôi muốn đăng ký content ID là một dãy số để có thể dựa vào dãy số này dùng những thuật toán, tool để truy quét những sai phạm về vấn đề bản quyền.
Tuy nhiên chính sách này cũng nêu rõ: Bạn chỉ được tạo tài sản cho những mục mà bạn sở hữu quyền, chẳng hạn như hãng nhạc không được tạo tài sản Phần sở hữu trong bản sáng tác khi không có hợp đồng thích hợp và nhà xuất bản âm nhạc không được tạo tài sản Bản ghi âm thanh".
Trên trang cá nhân, anh cũng khẳng định ca khúc Tiến Quân Ca chỉ có đơn vị duy nhất có thể sở hữu bản quyền ca khúc này đó là Chính phủ.
Nhạc sĩ Nguyễn Minh Cường thể hiện sự bức xúc trước việc BH Media nắm giữ bản quyền ca khúc Quốc Ca
Hiện nay, các trang mạng xã hội rất nghiêm ngặt về vấn đề "bắt" bản quyền trong các video hay livestream của người sử dụng. Thế nhưng, điều trớ trêu ít ai ngờ tới là chủ nhân một bài hát lại bị đánh bản quyền về chính "đứa con" của mình. Những vụ việc gần đây khiến giới âm nhạc phản ứng gay gắt.
Thực tế, quy định về bản quyền trong sản xuất âm nhạc tại Việt Nam hiện vẫn còn mới mẻ. Nhưng điều đó không có nghĩa họ có thể bỏ qua những vi phạm về bản quyền.
Thị trường âm nhạc Việt đã bắt đầu hội nhập thế giới. Các nền tảng mới cũng ra đời nhiều hơn và đa định dạng, đa tính chất hơn. Điều đó đồng nghĩa vấn đề bản quyền phải chặt chẽ, được tôn trọng tuyệt đối.
Thu Hà (t/h)
Theo VietNamNet