Theo hãng tin CNA (Đài Loan) ngày 5/1, NIA đã phát ra thông cáo báo chí, cho rằng vụ 152 du khách Việt “mất tích” vừa qua có sự tiếp tay của tổ chức buôn người. Dưới danh nghĩa sang Đài Loan du lịch rồi trốn lại để làm việc bất hợp pháp, những du khách này hiện có nguy cơ đối mặt với việc bị cưỡng ép lao động nặng hoặc bị đưa vào các đường dây bán dâm.
Một số du khách Việt "mất tích" trình diện cảnh sát - Ảnh: Thời đại
Tính tới 9 giờ ngày 5/1, tổng số du khách Việt Nam “mất tích” tại Đài Loan đã tìm được là 42 người. Hiện còn 106 du khách Việt Nam chưa rõ tung tích sau khi 152 người chia làm 4 nhóm đến Đài Loan hôm 21 và 23/12 năm ngoái. Cơ quan chức năng cho biết hoạt động tìm kiếm vẫn đang diễn ra.
Trước đó, Cục Di dân Đài Loan đã liên hệ được với một người và kiểm tra thì được biết 3 người khác đã xuất cảnh khỏi Đài Loan, nên tổng số người “mất tích” được xác định là 148 người.
Theo quan chức của NIA, người nào bị phát hiện che giấu, tạo điều kiện cho các du khách Việt này trốn đoàn, ép buộc du khách vào các đường dây cưỡng bức lao động nặng hoặc đường dây bán dâm, sẽ bị xem là vi phạm điều 2 Luật Phòng chống buôn bán người, bị tù tới 7 năm và đóng phạt tới 5 triệu Đài tệ (tương đương 3,8 tỷ đồng).
Các đơn vị sử dụng lao động bất hợp pháp sẽ bị liệt vào danh sách vi phạm Luật Dịch vụ việc làm và đóng phạt từ 150.000 - 750.000 Đài tệ (112 triệu - 564 triệu đồng).
NIA cũng phát lời kêu gọi người dân Đài Loan cùng tìm kiếm, tố giác du khách Việt “mất tích” nếu biết được tung tích với số tiền thưởng là 4.000 Đài tệ (3 triệu đồng).
Các du khách Việt Nam "mất tích" được kêu gọi ra đầu thú - Ảnh: Thanh niên
Sự hợp tác du lịch giữa Đài Loan và Việt Nam ngày càng mạnh mẽ trong những năm gần đây và số lượng khách du lịch Việt Nam đến Đài Loan cũng tăng mỗi năm.
Tuy nhiên, sau sự cố 152 du khách Việt “mất tích” tại Đài Loan hồi cuối tháng 12/2018, phía Đài Loan đã phải quyết định tạm ngưng việc cấp visa điện tử Quan Hồng cho khách du lịch Việt sang Đài Loan theo diện khách đoàn. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình kinh doanh du lịch của cả Việt Nam và Đài Loan.
Được biết, hiện tại để ngăn chặn rủi ro, Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại TP.HCM đã phải yêu cầu các công ty lữ hành đến xin cấp visa đoàn phải trình giấy phép kinh doanh của doanh nghiệp mua tour, giấy phép lữ hành quốc tế của công ty du lịch tại Việt Nam, chưa kể thư ủy quyền của công ty du lịch cho công ty đối tác cung cấp dịch vụ tại Đài Loan.
Khách Việt thường xin visa vào Đài Loan theo các diện sau: Visa Quan Hồng: Khách phải xin visa thông qua công ty du lịch được Đài Loan chỉ định, chỉ cần hộ chiếu, không cần mất phí làm visa. Đây là loại hình visa được Đài Loan áp dụng thí điểm tại một số quốc gia trong đó có Việt Nam nhằm thúc đẩy du lịch trong nước. 152 khách Việt mất tích ngày 25/12 thuộc diện này. Hiện, Đài Loan đang tạm ngưng cấp. Visa điện tử (E-visa) du lịch: Được cấp cho người có visa Mỹ, Canada, Nhật, Schengen, Australia, New Zealand và Hàn Quốc còn hạn hoặc hết hạn cách ngày nhập cảnh không quá 10 năm. Khách cần truy cập website của cục di dân Đài Loan để đăng ký. Hệ thống website xét duyệt trước trên mạng và sẽ trả lời kết quả đến du khách, sau đó mới có thể nhập cảnh Đài Loan. Visa thông thường: Cần chuẩn bị hồ sơ gồm hồ chiếu, đơn xin visa, giấy chứng nhận công việc, tài chính, lịch trình chuyến đi, vé bay khứ hồi, ảnh. Phí xin visa là 50 USD. |
Theo Đời sống & Pháp luật