Những ngày qua, dư luận dậy sóng khi ca sĩ Đinh Trang - Á quân dòng nhạc Thính phòng cuộc thi Sao Mai chia sẻ về việc 3 ca sĩ trẻ miệt thị, nói xấu mình trong nhóm chat riêng tư.

Không chỉ giới nghệ sĩ đi trước lên tiếng mà chuyên gia văn hóa, những nghệ sĩ hoạt động trong nghệ thuật cũng bày tỏ quan điểm cá nhân của mình trước vụ việc.

Vụ 3 ca sĩ trẻ bị tố vô ơn: Tẩy chay hay tha thứ là bài học tốt nhất?-1
Ca sĩ Đinh Trang

Văn hóa ứng xử, "tôn sư trọng đạo" phải luôn được đề cao

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, Tiến sĩ văn hóa Đặng Thiếu Ngân - Phó chủ tịch Hội Nghiên cứu Khoa học Hàn Quốc, Giám đốc Đối ngoại và Marketing của Naver Vietnam (Cổ đông của YG Entertainment - Công ty quản lý nhóm nhạc Blackpink) cho hay, khi đọc được những chia sẻ của ca sĩ Đinh Trang, chị cảm thấy ngạc nhiên, buồn cười, rồi thấy sợ khi một bộ phận các bạn trẻ, nghệ sĩ trẻ có lối sống và tư duy, cách hành xử kém như vậy.

Chị thẳng thắn bày tỏ: "Ở góc độ cá nhân, cũng từng là cô giáo và là một người trưởng thành, tôi nghĩ nhóm ca sĩ trẻ này 0 điểm, về chỗ".

Theo Tiến sĩ văn hóa Đặng Thiếu Ngân, phân tích từ vụ việc này, nhiều người sẽ có được câu trả lời trước câu hỏi: "Bao giờ Vpop (nhạc trẻ Việt) có được thành công như Kpop (nhạc trẻ Hàn)?".

Chị nhấn mạnh rằng, Vpop muốn thành công, chắc chắn không phải chỉ cần học Kpop về cách đào tạo, xây dựng văn hóa ứng xử cho các nghệ sĩ trẻ mà quan trọng hơn là yếu tố nền tảng giáo dục gia đình, quan điểm chung của xã hội chứ không phải là trách nhiệm thuộc riêng về các công ty đào tạo nghệ sĩ.

Đặng Thiếu Ngân cho biết, Hàn Quốc là một nước chịu sự ảnh hưởng mạnh từ Nho giáo, nên tôn ti trật tự, kính trên nhường dưới, tuân thủ nhiều nguyên tắc, quy định đến nay vẫn được duy trì. Riêng trong làng giải trí, "tôn sư trọng đạo" là bài học đầu tiên nghệ sĩ không bao giờ quên.

"Tất nhiên, nghệ sĩ hay giới trẻ Hàn bây giờ cũng không còn nghiêm chỉnh theo quy củ một cách cứng nhắc, đôi khi hà khắc kiểu ngày xưa, nhưng khái niệm: Tiền bối, Hậu bối - đặc biệt trong giới giải trí vẫn luôn được bày tỏ rõ rệt.

Sau lưng nhau, chắc chắn họ cũng so bì, khinh khi, chê bai nhau chứ không phải tất cả đều bao dung, khiêm tốn một cách hoàn hảo. Nhưng chắc chắn, không một nghệ sĩ, ca sĩ trẻ nào dám hỗn láo để đối đầu với tiền bối của mình công khai", nữ tiến sĩ văn hóa lý giải.

Vụ 3 ca sĩ trẻ bị tố vô ơn: Tẩy chay hay tha thứ là bài học tốt nhất?-2
Tiến sĩ văn hóa Đặng Thiếu Ngân - Phó chủ tịch Hội Nghiên cứu Khoa học Hàn Quốc.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, nhạc sĩ Dương Trường Giang cũng cho hay, ở nước nào thì văn hóa ứng xử, việc tôn sư trọng đạo cũng được đề cao, người thầy, người giúp đỡ mình luôn đóng vai trò quan trọng, vì thế việc nói xấu, miệt thị là điều tối kị.

"Xã hội 4.0 phát triển, kéo theo là việc sử dụng công nghệ thông tin, dùng các ứng dụng trên điện thoại thông tin rất nhiều.

Không chỉ người làm nghệ thuật mà những ngành nghề khác cũng sử dụng các nhóm chat để phục vụ công việc cho mình. Đôi khi, trong các nhóm kín đó, họ vô tình hay cố ý nói ai đó.

Với một cách nhìn tiêu cực và theo tâm lý đám đông thì thành… nói xấu nhau. Tuy nhiên, việc mang thầy cô, người đi trước vào sự bàn tán đó là không hay", Dương Trường Giang chia sẻ.

Diễn viên Jimmii Khánh - người từng vào vai trong các phim như: Hương vị tình thân, Thương ngày nắng về, Đấu trí, Cuộc đời vẫn đẹp sao… cho biết, mình chơi với nhiều người bạn nước ngoài, có nhiều người làm nghệ thuật. Nhưng họ rất ít nói và không bao giờ nhận xét, chê bai đồng nghiệp chứ chưa nói đến người giúp đỡ mình.

"Người Việt chúng ta có câu "nửa chữ cũng là thầy", nên nói xấu vậy là không văn minh. Với tôi, người thầy rất thiêng liêng, họ cần có một sự tôn trọng nhất định.

Kể cả trong tình huống người thầy của mình có những góc khuất, tôi nghĩ mình cũng không nên đem chuyện đó ra để bàn tán, dựng chuyện, vì cuộc sống mà, không ai hoàn hảo cả", diễn viên Jimmii Khánh thẳng thắn.

Vụ 3 ca sĩ trẻ bị tố vô ơn: Tẩy chay hay tha thứ là bài học tốt nhất?-3
Nhạc sĩ Dương Trương Giang

Tẩy chay hay bao dungtha thứ là cách giáo dục, bài học sâu sắc nhất?

Trả lời câu hỏi trên của phóng viên Dân trí khi 3 ca sĩ bị tố vô ơn, nói xấu thầy của mình, Tiến sĩ văn hóa Đặng Thiếu Ngân cho biết, nếu sự việc như thế này xảy ra ở Hàn, nghệ sĩ chưa kịp phản ứng thì chính khán giả, người hâm mộ đã tự đưa ra phán xét, phản ứng về hành động đáng phải lưu tâm này.

"Việt Nam chúng ta, nhiều người hay "mũ ni che tai", né tránh để khỏi phiền phức. Thi thoảng, một số người tự huyễn hoặc sự từ bi của bản thân, nghĩ phải bao dung, độ lượng, chừa đường cho đàn em sống.

Nhưng họ không nghĩ xa hơn, dung túng cho sự vô lễ, vô ơn thì những bạn trẻ đó sẽ trở nên thế nào, xã hội rồi sẽ phát triển ra sao?", Đặng Thiếu Ngân thẳng thắn.

Chị chia sẻ thêm, xã hội Hàn Quốc cũng nhiều vấn đề. Thanh niên Hàn Quốc ngày nay cũng thờ ơ, cũng vô lễ hơn thế hệ trước nhưng riêng giới giải trí, nếu đồng nghiệp với đồng nghiệp xảy ra scandal (ồn ào) kiểu này thì chắc chắn người sai sẽ rất khó để tồn tại.

"Cũng bởi vì ngay từ đầu, để tìm được cơ hội vào showbiz (giới giải trí) Hàn, tìm chỗ đứng trong lĩnh vực này, bài học khiêm tốn, khéo ứng xử, luôn nỗ lực được truyền dạy rất bài bản. Chính nghệ sĩ cũng tự rèn luyện cực kỹ lưỡng để trở thành hình tượng đẹp trong mắt khán giả.

Việc vi phạm pháp luật, vướng bê bối đời tư, ồn ào hay có phát ngôn thiếu chín chắn có khi khiến họ phải đánh đổi bằng chính sự nghiệp", nữ tiến sĩ văn hóa khẳng định.

Chị nói: "Quan trọng vẫn là thái độ của xã hội. Nếu xã hội cho phép người vô ơn, kém văn hóa ngang nhiên tồn tại, thì cứ thế thôi, có gì đâu để nói. Nhưng Hàn Quốc lại rất ít khi mặc kệ, hay thông cảm, độ lượng để dung túng cho cái sai kiểu thế này".

Đặng Thiếu Ngân cho rằng, ngoài tự thân nghệ sĩ phải phấn đấu, các yếu tố khác bổ trợ, thì điều kiện cực kỳ cần, để Vpop tiến gần đến thành công như Kpop - chính là yếu tố khán giả. Nhận thức của khán giả là rất quan trọng, để làng giải trí đào tạo, nuôi dưỡng ra thế hệ nghệ sĩ thế nào.

Nhạc sĩ Dương Trường Giang bày tỏ, nếu bị học trò nói xấu, nếu bình tĩnh được, anh sẽ nhượng bộ học trò của mình, để cho các em một đường lui, vì các em còn trẻ, cần phải đứng dậy ở nơi vấp ngã.

Anh nói: "Ở các nhóm chat, khi ngồi với đông người, dường như ta có 2 tính cách: Có khi trong lòng rất yêu mến người đó, nhưng vì tâm lý đám đông nên vẫn "hùa" theo mọi người một chút. Điều đó là sai nhưng các em còn trẻ, hãy định hướng thêm cho các em để chúng hoàn thiện hơn.

Không chỉ có Việt Nam mà nhiều nước cũng có kiểu "đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại". Nếu các em biết sai, hãy rộng lượng. Tha thứ là cách giáo dục sâu sắc nhất".

Theo Dân Trí