Ngày 19/7, TAND TPHCM tiếp tục xét xử 254 bị cáo liên quan đến các sai phạm xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, các trung tâm đăng kiểm, chi cục đăng kiểm tại TPHCM và các địa phương khác.
Đại diện Viện KSND TPHCM đã công bố bản cáo trạng dài 341 trang.
Theo cáo buộc của VKS, vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm là vụ án tham nhũng kinh tế có quy mô đặc biệt lớn, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng trong lĩnh vực quản lý Nhà nước đối với hoạt động đăng kiểm phương tiện xe cơ giới và phương tiện thủy nội địa.
Ngoài bị cáo Trần Kỳ Hình (cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm, thời gian từ tháng 1/2014 đến tháng 7/2021), bị cáo Đặng Việt Hà (cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm, thời gian từ tháng 8/2021 đến tháng 12/2022) được xác định là người đứng đầu chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện mọi hoạt động của Cục Đăng kiểm nhưng đã không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao, đưa ra chủ trương trái quy định của pháp luật để nhận hối lộ số tiền đặc biệt lớn.
Khi bị bắt, bị cáo Đặng Việt Hà vẫn đang đảm nhiệm chức Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Bị cáo Đặng Việt Hà. Ảnh: Nguyễn Huế
Theo cáo buộc, tháng 8/2021, khi bị cáo Trần Kỳ Hình nghỉ hưu, bị cáo Đặng Việt Hà được bổ nhiệm giữ chức vụ Cục trưởng.
Ngay sau khi nhậm chức, bị cáo Hà đã tổ chức cuộc họp với lãnh đạo Phòng kiểm định xe cơ giới, lãnh đạo các Trung tâm đăng kiểm, yêu cầu hàng tháng phải báo cáo chính xác số liệu hồ sơ đã thẩm định thiết kế, phải bảo đảm lợi ích của bị cáo là cao nhất.
Trước chỉ đạo này Hà, các thuộc cấp đã phải chung chi cho ông ta phần lớn số tiền đã nhận được từ các chủ phương tiện hoặc các công ty.
Vì vậy, chỉ sau hơn một năm lên vị trí Cục trưởng, bị cáo Đặng Việt Hà nhận 8,5 tỷ đồng của Phòng kiểm định xe cơ giới, 9 Trung tâm đăng kiểm tại TPHCM, Hà Nội và của các giám đốc Trung tâm đăng kiểm tư nhân.
Đến tháng 10/2022, khi cơ quan công an phát hiện xử lý các sai phạm của các đơn vị đăng kiểm, lo sợ hành vi bị phát giác, bị cáo Hà vội trả lại số tiền 5 tỷ đồng đã nhận hối lộ của Trần Anh Quân (nguyên quyền Trưởng phòng kiểm định xe cơ giới).
Trước việc điều tra quyết liệt của CQĐT, Đặng Việt Hà như “ngồi trên đống lửa” nên đã nhờ bị cáo Lại Thái Phong (cựu Phó chánh văn phòng Cục Đăng kiểm Việt Nam) "nghe ngóng" xem cơ quan công an xử lý sai phạm gì tại các Trung tâm đăng kiểm.
Thông qua mối quan hệ, Phong biết được Nguyễn Văn Chung (Giám đốc Công ty ATS) quen biết nhiều với công an các tỉnh, thành, có thể dò la được tin tức nên đã giới thiệu Chung cho Đặng Việt Hà.
Nhận được lời đồng ý giúp đỡ từ Chung, Hà đã yêu cầu Quân đưa lại cho mình số tiền 5 tỷ đồng đã trả lại trước đó. Sau đó, Hà đưa cho Phong hơn 2,3 tỷ đồng (tương đương 100 ngàn USD) để Phong chuyển cho Chung “lo việc”.
Nhận tiền, Chung không đi tìm hiểu thông tin về kết quả điều tra của Cơ quan Công an đối với các sai phạm của Đặng Việt Hà và Cục đăng kiểm Việt Nam mà chỉ tìm hiểu thông tin qua…báo chí.
Sau khi bị bắt, Đặng Việt Hà đã làm đơn tố cáo Phong và Chung.
Khi biết Phong bị Cơ quan Công an triệu tập, Chung vội đem trả lại 99 ngàn USD và tới CQĐT nộp đơn tự thú, thừa nhận hành vi phạm tội của mình.
Theo VietNamNet