Trước khi viết lại tỷ mỉ câu chuyện về vụ án từng gây chấn động Hà Nội, vì những lý do tế nhị chúng tôi xin không đăng tải tên thật của những người liên quan trọng vụ án.
Tuy nhiên, câu chuyện này được kể lại bởi chính Trưởng ban chuyên án, người trực tiếp tham gia chỉ đạo, điều tra từ đầu cho đến cuối.
Chính vị trưởng ban này sau đó đã trở thành Phó tổng cục trưởng Tổng cục An ninh II, Bộ Công an nhưng đối với ông, đây là một trong những kỷ niệm sâu sắc bậc nhất đối với cuộc đời của mình.
Thiếu tướng Nguyễn Quang Phòng.
Chân dung vị bác sĩ tài giỏi
Vào những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, nhiều thanh niên trí thức của Việt Nam đã được đưa sang Liên Xô (nay là Nga và 1 số nước Đông Âu) tu nghiệp ở nhiều lĩnh vực khác nhau giúp họ trang bị kiến thức chuyên môn trở về cống hiến cho Tổ quốc.
Trần Hữu Chính (tên thật đã được thay đổi), một sinh viên y khoa được đào tạo bài bản ở Liên Xô, khi trở về Việt Nam được coi là bác sĩ đầu ngành về chuyên khoa Nhi.
Sau một quá trình công tác, với học thức chuyên sâu, kinh nghiệm và khả năng vượt trội, Trần Hữu Chính được giao trọng trách giữ vị trí Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung Ương.
Lúc này, Bệnh viện Nhi Trung ương vẫn còn nằm tại đường Trần Hưng Đạo quận Hoàn Kiếm về sau mới chuyển về đường Đê La Thành, quận Ba Đình.
Vị trí Bệnh viện Nhi trước kia nay đã trở thành Bệnh viện Tim Hà Nội. Mặc dù trong điều kiện thiếu thốn đủ thứ cả về cơ sở vật chất lẫn thuốc men nhưng với tài năng của mình bác sĩ Chính đã trực tiếp cho rất nhiều bệnh nhân vượt qua cơn nguy kịch cùng với đó là đưa ra những pháp đồ điều trị hết sức hiện đại.
Vợ của Chính là chị Nguyễn Thật Thu (tên thật cũng đã được thay đổi), là y tá của Bệnh viện Nhi. Chị Thu được coi là hoa khôi của ngành y Hà Nội khi đó. Chính vì thế mối tình với bác sĩ Chính được mọi người đánh giá là cặp đôi trai tài, gái sắc.
Sau một thời gian yêu đương, cũng tới ngày bác sĩ Chính và y tá Thu tổ chức đám cưới. Mặc dù vào thời điểm đó khó khăn chồng chất nhưng đám cưới của vị giám đốc bệnh viện chẳng thiếu bất cứ thứ gì. Khách mời đều là những cán bộ ở nhiều ngành cả bên chính quyền, y học, thậm chí cả bên công an, quân đội.
Nói không ngoa khi cặp đôi này đã trở thành hình mẫu của giới trẻ Hà Nội khi đó. Hàng ngày họ đưa nhau đến Bệnh viện làm việc trên chiếc xe đời mới, nhìn cảnh đó, không ít cô gái cảm thấy ghen tỵ với y tá Thu nhưng cũng chỉ biết tặc lưỡi mà an phận.
Dù nhiều người xung quanh vẫn còn gồng mình với khó khăn thì vợ chồng bác sĩ Chính sinh sống trong một điều kiện tương đối dư giả. Ngày y tá Thu thông báo đã có thai, nhân viên bệnh viên thay nhau đến chúc mừng, phần vì vị giám đốc Chính, phần là vì y tá Thu có cách sống giản dị, gần gũi nên ai cũng quý mến…
Mọi người bảo rằng, nếu lần này y tá Thu đẻ con trai thì đúng là cuộc đời mười phần cô có đủ cả mười chẳng mất đi bất cứ thứ gì. Bản thân bác sĩ Chính cũng rất tự hào, nhiều lần nói với đồng nghiệp, bạn bè rằng, sau khi vợ sinh nở xong sẽ làm đầy tháng thật to, bất luận là trai hay gái thì cũng sẽ tổ chức thật hoành tráng.
Bi kịch sau ngày vợ vượt cạn
Vốn dư giả về kinh tế, chồng lại là giám đốc nên khi mang bầu đến tháng thứ 5, thứ 6, y tá Thu đã không phải đi làm nữa mà chỉ có nhiệm vụ ở nhà nghỉ ngơi chờ ngày sinh nở.
Trong thời gian này, bác sĩ Chính vẫn đi làm rất đúng giờ, ngày nào cũng đến từ 7h sáng, có khi tối muộn mới ra về. Cũng do yêu cầu của công việc nhiều đêm bác sĩ Chính phải ngủ lại tại bệnh viện, nhiều bạn bè thường hay trêu đùa y tá Thu rằng, không tìm cách mà giữ chồng thì có ngày vị giám đốc sẽ ngủ miết bên ngoài không về nữa.
Nghe xong, y tá Thu chỉ cười rồi nói “vợ chồng tin nhau, nghĩ làm gì đến điều đó…”. Nói là nói vậy nhưng đúng là y tá Thu trong thời gian mang thai ở nhà cũng lo lắng thật. Bác sĩ Chính là người có ngoại hình, lại là người đi học nước ngoài về nên cách giao tiếp rất hấp dẫn người đối diện, chưa kể đến vị trí giám đốc bệnh viện thì chuyện các cô gái khác vây quanh kể cả khi đã có vợ cũng chẳng có điều gì lạ.
Nghĩ vậy, nhưng y tá Thu luôn vững tin rằng tình yêu sẽ giúp cho gia đình mình có được hạnh phúc và cứ thế cô ở nhà yên tâm lo cho đứa con sắp chào đời. Rồi thì y tá Thu cũng đến ngày sinh nở. Mẹ tròn con vuông, đứa bé kháu khỉnh sinh ra trong sự vui mừng của tất cả mọi người.
Bác sĩ Chính thì sau ngày vợ đẻ cứ ở nhà miết, chỉ có việc thật sự cần mới lên cơ quan giải quyết. Do được chăm sóc cẩn thận nên sau khi sinh nở, sức khỏe của y tá Thu rất tốt, những người có kinh nghiệm sinh nở đều bảo rằng, sức khỏe thế này thì chỉ vài bữa là có thể trở lại trạng thái như bình thường, tuy nhiên, dù sao vẫn phải kiêng cữ cho an toàn.
Tuy nhiên, điều lạ là sau khi sinh được 3 ngày, khi được đưa từ bệnh viện trở về nhà, y tá Thu bất ngờ mắc bệnh tiêu chảy. Chồng là bác sĩ đầu ngành, không khó để có thể đoán bệnh và kê đơn thuốc nhưng lạ thay, tình trạng của y tá Thu cứ ngày một xấu đi, uống bao nhiêu thuốc cũng chẳng có dấu hiệu thuyên giảm.
Mọi người xung quanh thấy làm lạ vì sau khi sinh, y tá Thu ăn uống, kiêng cữ rất cẩn thận, thức ăn chín, được nấu rất vệ sinh. Những món ăn tẩm bổ riêng đều được chính tay bác sĩ Chính nấu rồi đưa cho vợ nên không thể nào đổ lỗi cho ăn uống được.
Điều đáng nói là mặc dù sau đó được đưa vào bệnh viện khám phòng trừ việc bị hậu sản nhưng các bác sĩ cũng không đưa ra được kết luận gì, bệnh tiêu chảy vẫn ngày một trầm trọng hơn. Chỉ sau hơn 1 tuần sinh, từ chỗ là người khỏe mạnh, béo tốt, y tá Thu đã gầy rộc, thậm chí chẳng còn sức để mà ngồi dậy cho con bú nữa.
Gia đình cả hai bên lo lắng vô cùng, không biết bệnh tình ra sao, còn bác sĩ Chính thì dường như bất lực hoàn toàn với việc chữa trị bệnh cho vợ mình. 20 ngày sau khi sinh con, y tá Thu đột ngột qua đời trong sự bàng hoàng của tất cả mọi người.
Đám tang của y tá Thu diễn ra trong sự đau đớn của không biết bao nhiêu con người, khách quan đến viếng rất đông ở nhiều cơ quan, nghành nghề khác nhau.
Trong số những người đó có Thiếu tướng Nguyễn Quang Phòng. Vào thời điểm đó, ông đảm nhiệm vị trí Đội trưởng đội Cảnh sát bảo vệ cơ sở y tế chuyên đảm trách công việc bảo vệ an ninh, trật tự ở các bệnh viện vì vậy mà khi biết tin buồn của bác sĩ Chính, ông cũng đã đến để chia buồn.
Có mặt tại đám tang, ngoài những tiếng khóc ai oán của những người xung quanh, ông Phòng còn nghe thấy lời bàn tán của nhiều người về việc cái chết của y tá Thu là rất vô lý. Trước khi sinh nở y tá Thu hoàn toàn khỏe mạnh, cũng chẳng mắc bệnh gì cả nhưng tại sao sau khi sinh lại đổ bệnh tiêu chảy mà không thuốc nào chữa khỏi…
Ông Phòng chú ý nghe kỹ những lời bình luận đó và không hiểu sao lúc đó trong đầu ông nổi lên suy nghĩ rằng, có thể y tá Thu đã chết bởi một nguyên nhân khuất tất nào đó? Ra về với suy nghĩ đó, sau một thời gian đấu tranh tư tưởng ông quyết định mở cuộc điều tra để làm rõ cái chết của y tá Thu…
Lý do tại sao Thiếu tướng Nguyễn Quang Phòng lại quyết định điều tra cái chết của y tá Thu mặc dù tất cả các bác sĩ có mặt tại đám tang đều khẳng định nguyên nhân dẫn đến cái là do tiêu chảy, một biểu hiện của hậu sản, chúng tôi sẽ tiếp tục đăng tải ở số báo sau.
Theo Pháp Luật Việt Nam