Mức án cao nhất là 3 năm?

Liên quan tới vụ bảo mẫu bạo hành trẻ em tại cơ sở mầm non Mầm Xanh (thuộc phường Hiệp Thành, quận 12, TP HCM), Công an quận 12 đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam đối với bị can Phạm Thị Mỹ Linh (SN 1974, quê tỉnh Lâm Đồng, ngụ tại quận 12 – chủ cơ sở mầm non Mầm Xanh) để điều tra tội “hành hạ người khác”. Sau khi nhận được hồ sơ từ cơ quan điều tra, Viện KSND quận 12 đã phê chuẩn các quyết định này.

Ngoài bà Linh, hai bảo mẫu khác của cơ sở giáo dục này tên Quỳnh và Đào cũng được cơ quan chức năng xác định có hành vi bạo hành, đánh đập nhiều cháu bé. Hiện 2 đối tượng đã bỏ trốn và đang bị CQCA truy bắt. Cơ sở mầm non Mầm Xanh đã bị đóng cửa sau khi vụ việc bị phanh phui, các cháu bé đang học tại đây cũng được các bậc phụ huynh chuyển tới những ngôi trường khác.

Như Báo Gia đình và Xã hội đã đưa tin, tại cơ quan điều tra, bà Linh đã thừa nhận hành vi dùng tay chân, muôi múc canh, can nhựa, cây lau nhà, thậm chí là dao... để hành hạ, đánh đập, đe dọa các em nhỏ. Bà Linh cho rằng do các bé hiếu động nên giáo viên và bà phải đánh để các cháu sợ và nghe lời.
 

Vụ bảo mẫu bạo hành trẻ mầm non ở TP HCM: Các bé có thể bị chấn động tâm lý suốt đời-1
Chân dung chủ cơ sở mầm non Mầm Xanh bạo hành trẻ em dã man tại TP HCM

Liên quan tới vụ việc trên, trao đổi với PV, Luật sư Lê Văn Khương (Đoàn luật sư TP HCM) cho biết: Căn cứ theo Luật Trẻ em 2016, tại khoản 6, Điều 4 đã quy định rõ: Bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em.

Nếu một người có hành vi vi phạm khoản 6, Điều 4 Luật Trẻ em thì có thể sẽ phạm tội "Hành hạ người khác" được quy định tại Điều 110 Bộ Luật hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009.

Cụ thể, tội "Hành hạ người khác" được xác định là người có những hành vi đối xử tàn ác đối với người lệ thuộc mình như đánh đập và những hành động bạo lực khác một cách có hệ thống, được lặp đi lặp lại nhiều lần có thể vài ngày, vài tuần… Trong trường hợp đối xử tàn bạo với người già, trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người tàn tật sẽ áp dụng khung hình phạt tù từ 1 – 3 năm.

Còn nếu hành vi đối xử tàn ác này mà gây thương tích cho người bị hành hạ, người phạm tội còn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác được quy định tại điều 104 Bộ luật hình sự.

Những hậu quả xót xa

Bàn về góc độ tâm lý, chia sẻ với PV, chuyên gia Nguyễn An Chất (Giám đốc công ty tâm lý An Việt Sơn) cho rằng, căn nguyên của hầu hết các vụ bạo hành trẻ em đều xuất phát từ tâm lý và không hiểu biết về pháp luật của một bộ phận người.

Hiện nay, một số cơ sở giáo dục tư thục tuyển giáo viên không qua đào tạo và không có nghiệp vụ sư phạm. Về vấn đề này, các cơ quan quản lý nhà nước cũng chưa thực sự sát sao.

Ông Chất cũng chia sẻ thêm, hiện nay một số giáo viên không lấy chuẩn mực đạo đức làm thước đo giá trị mà chỉ để tâm tới tiền bạc, sự ích kỷ của bản thân.

Bên cạnh đó, các cô giáo mầm non cũng chịu áp lực từ nhiều phía. Khi áp lực bị tích tụ lại khiến các cô mất khả năng kiềm chế, nên sẵn gì trong tay họ cầm đánh luôn các bé để xả cơn giận giữ.

Ngoài ra, các cô giáo mầm non thường chủ nhiệm lớp có quá nhiều trẻ nhỏ, vượt mức quy định. Trong khi, các trường học dân lập chưa có đủ cơ sở vật chất để đáp ứng yêu cầu dạy và chơi của trẻ. Vì vậy, lượng công việc giáo viên phải làm sẽ quá tải.

Về mức độ ảnh hưởng đến tâm lý của các bé khi bị bạo hành, chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất cho hay, những vụ bạo hành trẻ không chỉ gây hại cho các bé mà còn khiến cho cả xã hội bất an.

Đối với các em nhỏ, hành vi bạo hành trẻ không chỉ khiến cơ thể các bé bị tổn thương mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần, hành vi và cách ứng xử của bé trong tương lai.

Tình trạng kéo dài sẽ gây ám ảnh cho các bé, khiến tính cách bé trở nên hung dữ, lì lợm hoặc nhút nhát, tự ti, không muốn tiếp xúc với xã hội.

Theo Gia Đình & Xã Hội