Liên quan tới vụ bé gái bị dâm ô trong thang máy ở chung cư quận 4 (TP.HCM), cho đến thời điểm hiện tại, cơ quan công an vẫn còn đang tiến hành điều tra làm rõ và chưa có quyết định khởi tố dù dư luận bức xúc về vụ việc.
Nêu quan điểm về vụ việc này, PGS-TS luật, trung tướng Trần Văn Độ nhấn mạnh nhiều người đánh giá vụ án còn có những "điểm mờ" nên khó xử lý, song ông khẳng định pháp luật không có gì "mờ", tất cả rất rõ ràng.
Ông Độ nêu rõ, hành vi tạo ra sự tiếp xúc giữa 2 vùng nhạy cảm của cơ thể để thoả mãn tình dục và trái với mong muốn của người khác để thoả mãn nhu cầu của mình, ví dụ như hôn, sờ ngực, sờ đùi… thì đó là dâm ô.
Trung tướng Trần Văn Độ. - Ảnh: Dân Việt
Vị Trung tướng khẳng định: "Nhìn clip chúng ta chưa bàn đến chuyện người đàn ông đó có sờ mó bé gái ở đâu hay không nhưng rõ ràng người này đã cố hôn bé gái. Hành vi này xảy ra trái ý muốn của cháu bé, nhằm thoả mãn mục đích của người đàn ông, thì đó là dâm ô rồi".
Trung tướng Trần Văn Độ cho rằng cho dù bị hại không đề nghị nhưng cơ quan chức năng vẫn có thể khởi tố để điều tra, truy tố, xét xử. Tuy nhiên, cũng theo ông Độ, trên thực tế có nhiều gia đình không muốn "đào sâu" vụ việc. Đây không phải hành vi đồng tình với hành vi phạm tội mà do lo lắng cho cuộc sống, cho tương lai của con em mình sẽ bị ảnh hưởng.
Bởi vậy, nguyên Phó chánh án TAND Tối cao bày tỏ quan điểm rõ ràng rằng mặc dù vụ ông Nguyễn Hữu Linh (cựu Viện phó VKS TP Đà Nẵng) gây bức xúc trong dư luận, cần phải khởi tố để đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật nhưng quy trình tố tụng tiếp theo phải đảm bảo là quy trình kín, thân thiện vì nạn nhân là trẻ em - người cần được bảo vệ.
Trước đó, cũng về vụ việc trên, luật sư Bùi Quốc Tuấn, đoàn Luật sư TP.HCM lý giải việc cơ quan công an chưa khởi tố vụ án: “Khi nhận tin tố giác tội phạm, cơ quan công an sẽ khởi tố vụ án khi đã xác định có dấu hiệu tội phạm, nếu không khởi tố thì phải căn cứ có một trong các căn cứ quy định tại Điều 157 Bộ Luật Tố tụng Hình sự (TTHS) năm 2015, ví dụ như hành vi không cấu thành tội phạm chẳng hạn...”.
“Trong vụ việc xảy ra tại chung cư ở quận 4, Công an quận 4 xác định điều tra theo tin tố giác tội phạm. Vì vậy, muốn khởi tố vụ án, cơ quan công an phải tiến hành điều tra, thu thập chứng cứ. Thông thường, thời gian điều tra để khởi tố vụ án không quá 2 tháng, có vụ việc phức tạp cơ quan điều tra cần xin ý kiến của Viện trưởng VKS có thẩm quyền có thể gia hạn một lần, nhưng không quá 2 tháng (Khoản 2 Điều 147 Bộ Luật TTHS năm 2015)”, luật sư Bùi Quốc Tuấn cho biết.
Bé gái bị dâm ô trong thang máy chung cư. - Ảnh cắt từ clip
Ở một diễn biến khác liên quan tới vụ việc, hôm nay (9/4), Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Trí Tuệ đã ký công văn yêu cầu TAND các cấp phải phối hợp với Công an và Viện kiểm sát ngay từ giai đoạn điều tra các vụ án về xâm hại tình dục trẻ em.
Công văn nêu rõ, trong thời gian qua, các vụ án xâm hại tình dục và bạo hành trẻ em có xu hướng diễn biến phức tạp và liên tục gia tăng, nhiều vụ án nghiêm trọng đã gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Bên cạnh đó, việc triển khai các quy định của Bộ luật Hình sự và các hướng dẫn trong thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử cũng phát sinh một số khó khăn, vướng mắc.
Vì thế, để phòng ngừa, kịp thời đấu tranh với loại tội phạm này, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em, người chưa thành niên, TAND Tối cao yêu cầu Chánh án TAND, Tòa án quân sự các cấp, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc TAND Tối cao trong quá trình thụ lý, giải quyết các vụ án xâm hại tình dục và bạo hành trẻ em cần quán triệt thực hiện nghiêm túc các đạo luật Quốc hội vừa thông qua (như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, các đạo luật có liên quan) và các văn bản hướng dẫn thi hành án của TAND Tối cao, liên ngành Trung ương, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, các hình phạt và biện pháp tư pháp được áp dụng bảo đảm nghiêm khắc.
Theo Đời sống Pháp luật