Là phóng viên thường trú địa bàn Tây Nguyên của Báo Công an TPHCM gần 20 năm qua, tôi đã chứng kiến, tiếp xúc hồ sơ hàng trăm vụ án mạng nghiêm trọng do Công an các tỉnh Tây Nguyên thụ lý điều tra; vụ án Đỗ Văn Minh sát hại người thân thuộc loại kinh hoàng, tàn độc hàng đầu về mức độ hành vi, diễn biến tâm lý của thủ phạm gây ra loạt 4 tội trong một vụ án.
Chúng tôi trăn trở nhiều, đau đáu với câu hỏi, động cơ nào, bức thiết đến mức độ nào khiến Minh - một cán bộ lãnh đạo xã ra tay tàn độc đến thế, nên đề xuất với Ban giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông cho vào Trại tạm giam tiếp xúc với bị can Minh, thời điểm Minh chưa bị kết án sơ thẩm.
Bị can Đỗ Văn Minh tỏ ra rất thoải mái tinh thần, bình tĩnh, cẩn thận đọc kỹ các tài liệu, lời khai của mình trong vụ án khi điều tra viên làm việc. Ảnh: Ngọc Hà
Bị cáo thay đổi lời khai từ lúc nào?
Quy định bảo vệ can phạm trong các Trại tạm giam rất nghiêm ngặt; chỉ có lực lượng chức năng liên quan (Công an, Viện kiểm sát, Toà án, luật sư...) mới được quyền tiếp xúc với bị cáo. Do đó, để thuyết phục được Ban giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông, chúng tôi cũng lựa thời điểm vụ án đã vào giai đoạn gần kết thúc điều tra, khả năng tâm lý bị cáo đã ổn định.
Tôi đến gặp bị cáo, ngoài việc để viết báo, còn thu thập thêm tư liệu phục vụ cho nghề nghiệp, tôi mang theo tâm thế một chiến sĩ CAND tìm hiểu tâm lý người phạm tội.
14h ngày 20/8/2020, sau khi được sự chấp thuận của Ban giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông, lãnh đạo Phòng CSHS Công an tỉnh, tôi cùng một điều tra viên đang thụ lý vụ án vào Trại tạm giam Công an tỉnh tiếp xúc với BC bị cáo Minh.
Cũng như hầu hết các bác sĩ, trong bất cứ tình huống nào, luôn bảo vệ người nhập viện là bệnh nhân của mình, bất kể họ là tội phạm hay kẻ đang trốn lệnh truy nã, cứu chữa người là ưu tiên trước nhất; điều tra viên thụ lý vụ án cũng luôn bảo vệ, giữ gìn sức khoẻ, tâm lý đối tượng, bị cáo của mình, đảm bảo bị cao không bị "người lạ" làm xáo trộn tâm lý và làm ảnh hưởng đến công tác, tiến độ điều tra của cơ quan điều tra.
Thế nên điều tra viên luôn nhắc: "Chị định hỏi gì? Đừng làm ảnh hưởng tâm lý bị cáo nha...". Tôi trấn an điều tra viên trẻ, đảm bảo rằng không làm gì ảnh hưởng đến buổi làm việc.
Tâm trạng tôi khi đó cũng khá hồi hộp, nếu bị cáo hợp tác, vui vẻ trả lời các câu hỏi của tôi thì tốt, không hợp tác, tôi sẽ chỉ ngồi nghe, quan sát, ghi nhận cảm xúc, thái độ của hai bên khi làm việc.
Suốt quá trình điều tra viên, phóng viên tiếp xúc với bị can, cán bộ quản giáo luôn đứng bên cạnh đề phòng bị can không đảm bảo sức khoẻ, tâm lý, không thể làm việc là đưa về phòng giam. Ảnh: Ngọc Hà
Sau khi trình giấy tờ với Giám thị Trại, ký nhận vào hồ sơ tiếp xúc can phạm, tháo sim điện thoại và các thiết bị ghi âm, máy ảnh để lại bên ngoài, tôi được phép mang theo 1 ĐTDĐ có chức năng chụp ảnh.
Điều tra viên vào gặp quản giáo, trích xuất can phạm đưa ra phòng làm việc. Đỗ Văn Minh bị còng tay, một quản giáo dẫn giải ra, điều tra viên đi bên cạnh hỏi thăm sức khoẻ như người thân, nét mặt bị cáo thoải mái.
Thấy tôi, Minh chào, hơi khẽ cười, dáng đi nhanh nhẹn, tôi chắc mẩm buổi làm việc sẽ diễn ra suôn sẻ.
- Anh Minh khoẻ chứ?
Tôi dùng cách xưng hô thân thiện để làm quen. Minh trả lời: "Cũng không khoẻ lắm, mấy hôm nay bị mất ngủ nhiều". Điều tra viên hỏi: "Bị cáo đã báo với cán bộ trại chưa? Hôm trước BC kêu mất ngủ, nghe nói đã khám, cấp thuốc, nay bác sĩ đã khám chưa?". Minh trả lời: "Có báo, bác sĩ đã thăm khám, cấp thuốc rồi, nhưng... vẫn khó ngủ".
- Anh suy nghĩ gì khiến mất ngủ à? Anh phải cố dỗ giấc ngủ cho khoẻ.
"Tôi hầu như không ngủ được". Minh đáp và nhìn vào tập hồ sơ điều tra viên vừa đặt trên bàn. So với thời điểm mới bị bắt giữ, sắc diện bị cáo trông khá hơn nhiều. Những bức ảnh chụp lúc Minh mới bị bắt, đen và phờ phạc, thất thần; còn hiện tại, trắng và mập. Tôi để điều tra viên nói chuyện, làm việc với bị can.
Điều tra viên hỏi: "Bị can cảm thấy sức khoẻ thế nào, có đảm bảo để làm việc không?". Minh trả lời "được". "Bị can có cần nghỉ ngơi không?", điều tra viên tiếp tục hỏi, Minh nói: "Không. Bị mất ngủ và sáng đến giờ đã ngủ bù rồi". Hỏi về chuyện ăn uống, Minh nói ăn được.
Khi Minh nhìn về phía chúng tôi, ánh mắt, tinh thần tỉnh táo, thế ngồi thoải mái, tự tin. Điều tra viên mở hồ sơ, đưa ra các bản khai, tài liệu liên quan đến vụ án, đặt câu hỏi, Minh đón lấy, thái độ bình tĩnh, cẩn trọng xem, đọc kỹ, chỗ nào thắc mắc thì hỏi, điều tra viên trả lời. Bị cáo cũng trả lời rành rẽ các câu hỏi của điều tra viên.
Sau gần 1h, điều tra viên kết thúc công việc, gấp hồ sơ, Minh ngồi thư thả như muốn tận hưởng không khí thoải mái trong căn phòng mở cửa chính và 2 cửa sổ. Tôi hỏi và được biết, thời điểm này bị cáo có 4 luật sư bào chữa, gồm: 1 luật sư chỉ định (dành cho người có mức án 15 năm tù trở lên, đến chung thân, tử hình), 3 luật sư được mời; Bị cáo đã có nhiều buổi làm việc với các luật sư của mình. Sau đó, bị cáo từ chối 1 luật sư.
Câu hỏi mà phóng viên quan tâm nhất, động cơ gì, bức thiết đến nỗi nào mà bị cáo ra tay sát hại nạn nhân; trong khi nạn nhân Vương là em họ vợ, còn rất trẻ, lại thường nấu cơm cho bị cáo ăn, rất tình cảm mỗi khi bị cáo đến? Đỗ Văn Minh trả lời: "Chỉ là vô ý, tôi có nghĩ được gì đâu"!
- Sao lại vô ý, anh khai dùng búa đánh nạn nhân vào đầu mà.
Bị cáo không trả lời. Trước đó, lãnh đạo Phòng CSHS cho biết, lúc mới bị bắt ở Bình Phước về và trong mấy ngày đầu, bị cáo hợp tác khai: Dùng búa đánh vào đầu nạn nhân, gây án lúc 0h ngày 3/5; nhưng sau khi CQĐT khởi tố tội giết người, bị cáo thay đổi lời khai, cho rằng, không chủ định sát hại nạn nhân mà dùng búa ném con chó, trúng vào nạn nhân.
Theo bị cáo, khoảng 17h ngày 3/5, bị cáo dắt chó sang nhà rẫy của nạn nhân chơi, hai con chó cắn nhau, bị cáo dùng búa ném vào con chó, nhưng búa văng trúng khiến nạn nhân tử vong.
Tuy nhiên, đánh giá toàn bộ lời khai, chứng cứ, dấu vết hiện trường để lại, lời khai này (lời khai sau) của bị cáo không phù hợp với dấu vết hiện trường, diễn biến chuỗi hành vi gây án, chỉ là nại ra hòng trốn tránh tội nên CQĐT không chấp nhận.
Trưởng phòng CSHS cho biết, khi Minh thay đổi lời khai, anh đã trực tiếp hỏi cung bị cáo, Minh cho rằng, sở dĩ khai khác đi vì không muốn sau này con cái lớn lên phải xấu hổ vì có một người cha tàn độc đến thế.
Trước đó, khi chưa bắt được Minh, CQĐT, Viện kiểm sát tổ chức khám nghiệm hiện trường căn nhà rẫy của nạn nhân; phát hiện vết máu trên tường, nệm, tập trung trên nệm nhiều và nhiều vết máu từ nệm ra cửa.
Kết quả giám định mẫu máu cùng nhiều vật chứng khác, xác định nạn nhân là anh Vương, nhưng chưa xác định được việc nạn nhân bị sát hại như thế nào, thời điểm nào, cách thức thủ phạm bắt đầu hạ thủ nạn nhân ra sao, mà tập trung lực lượng để truy tìm bằng được hung thủ.
Hiện trường vụ án, chiếc xe bán tải của Đỗ Văn Minh bị chính bị can mua 30 lít xăng, dầu đổ vào phóng hoả trên quốc lộ 28
Khi Minh bị bắt tại tỉnh Bình Phước, đích thân Giám đốc Công an tỉnh và Phó Giám đốc - Thủ trưởng Cơ quan CSĐT đến Bình Phước hỏi cung "nóng" đối tượng.
Minh khai nhận, khoảng 17h ngày 3/5, Minh đến nhà rẫy của anh Vương, Vương nấu cơm tối và cùng ăn, uống bia với Minh, sau đó cả hai nằm trên nệm ngủ. Đến 0h, Minh lấy cây búa rìu mang theo, dựng ngoài cửa, định tiếp tục đi cạy nắp quan tài lấy xác nhằm "thế thân" cho mình, thì nảy sinh ý định giết anh Vương để lấy xác.
Minh dùng búa đánh 2 nhát vào trán nạn nhân khiến nạn nhân tử vong. BC sau đó ra lùi xe ô tô vào cửa nhà để đưa xác nạn nhân ra xe. Thấy máu ở đầu nạn nhân ra nhiều, Minh dùng áo khoác của nạn nhân trùm đầu rồi bế ra xe, dùng chính chiếc áo lau bớt máu ở nệm, nền nhà, sau đó bỏ áo vào xe phóng hoả.
Lời khai này của BC phù hợp với hiện trường, bởi nạn nhân bị đánh vào đầu khi đang nằm ngủ trên nệm khiến góc nệm thấm máu nhiều và máu văng vào tường. BC khai bế nạn nhân ra xe đậu ở cửa khiến có những vết máu rơi từ nệm ra cửa. Diễn biến này phù hợp với việc cơ quan chức năng thu giữ các vết máu tại các vị trí trong căn nhà.
Khi Minh thay đổi lời khai, CQĐT đấu tranh, hỏi Minh giải thích thế nào về lời khai Minh ném chó trúng nhầm nạn nhân ở cửa nhà, sau đó bế ra xe định chở đi bệnh viện cấp cứu mà một góc nệm đầu giường thấm đẫm máu?
Minh trả lời rằng, trước khi bế nạn nhân ra xe, Minh bế nạn nhân vào nệm nằm. CQĐT lại hỏi, vậy trước đó, bị cáo khẳng định rằng chỉ dùng búa đánh 2 nhát vào trán nạn nhân, không dùng hung khí, vật dụng nào khác hoặc tay chân để tấn công nạn nhân?
Bị "đuối lý", Minh khai: Sau khi ném búa nhầm vào nạn nhân, BC bế nạn nhân vào nệm, dùng búa... đánh tiếp 2 nhát vào đầu nạn nhân. Những lời khai thay đổi của Minh quanh co, thiếu thành khẩn và đã bị CQĐT bác bỏ...
(Còn tiếp...)
Theo Công An TP.HCM