Nguyễn Quang Vinh (ảnh nhỏ) được xác định là người điều khiển chiếc xe Camry gây tai nạn kinh hoàng.
Sau khi xảy ra tai nạn, Nguyễn Quang Vinh (SN 1977, ở phố Hoàng Như Tiếp, phường Thượng Thanh, Long Biên) đã tới Công an quận Long Biên khai nhận mình là tài xế gây ra vụ tai nạn.
Vinh khai với cơ quan điều tra: Sáng 29.2, có khách điều khiển xe Camry đến cửa hàng rửa xe của gia đình để rửa và để lại chìa khóa. Vinh cùng một người cháu gái sau đó ngồi vào xe, mở nghe nhạc. Thấy đồng hồ xe ô tô có nhấp nháy đèn màu đỏ nên Vinh lái xe đi kiểm tra. Khi vào cua chiếc xe lấn sang làn trái, Vinh bị cuống đạp nhầm chân phanh sang chân ga khiến chiếc xe tăng tốc va gây tai nạn thương tâm.
Liên quan đến vụ tai nạn trên, nhiều người đặt câu hỏi: Ai sẽ chịu trách nhiệm bồi thường cho các nạn nhân?
Về câu hỏi này, luật sư Lê Văn Kiên (Văn phòng luật sư Ánh sáng Công lý) cho biết: Ô tô được quy định là nguồn nguy hiểm cao độ, căn cứ theo Điều 623, Bộ luật Dân sự (quy định về bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ), trong trường hợp cơ quan điều tra xác định người điều khiển chiếc xe Camry đã chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật chiếc ô tô rồi gây tai nạn thì người này có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
“Nếu cơ quan điều tra xác định, chủ phương tiện mang xe đến cửa hàng rửa xe để rửa xe, không giao chìa khóa hoặc không có bất cứ thỏa thuận nào về việc cho phép ông Vinh sử dụng xe, nhưng ông Vinh tự ý lên xe Camry điều khiển đi sau đó gây tai nạn thì ông Vinh phải chịu trách nhiệm bồi thường cho gia đình nạn nhân. Tuy nhiên, nếu chủ sở hữu chiếc xe Camry gây tai nạn, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng chiếc ô tô được xác định là có lỗi trong việc để chiếc ô tô bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại”, luật sư Kiên nói.
Đồng quan điểm với luật sư Kiên, luật sư Trần Tuấn Anh (Công ty luật Hợp danh Thiên Thanh) cho biết thêm, trong trường hợp chủ sở hữu chiếc ô tô Camry gây tai nạn biết việc ông Vinh không có bằng lái xe nhưng vẫn giao chiếc xe cho ông Vinh sử dụng thì phải chịu trách nhiệm bồi thường và bị xử lý hình sự theo Điều 205 Bộ luật Hình sự (quy định Tội điều động hoặc giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ).
“Ô tô là phương tiện được pháp luật quy định là nguồn nguy hiểm cao độ, chủ sở hữu và người được giao sử dụng phải có trách nhiệm tuân thủ các quy định bảo quản, trông giữ, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ. Vì vậy tôi cho rằng, việc xem xét chiếc Camry bị người điều khiển chiếm giữ, sử dụng trái phép hay người gây tai nạn được chủ xe giao sử dụng dẫn tới tai nạn là tình tiết rất quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án”, luật sư Tuấn Anh nói.
Về việc giải quyết bồi thường, luật sư Kiên và luật sư Tuấn Anh đều cho rằng, về nguyên tắc việc bồi thường sẽ trên cơ sở thỏa thuận giữa gia đình bị hại và người gây tai nạn.
Trong trường hợp hai bên không thỏa thuận được thì cơ quan tố tụng có thể áp dụng áp dụng quy định bồi thường ngoài hợp đồng được quy định tại Điều 623, Bộ luật Dân sự và Nghị quyết số 03/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao.
“Theo quy định, gia đình nạn nhân sẽ được bồi thường các khoản như chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc người bị thiệt hại trước khi chết; chi phí hợp lý cho việc mai táng; khoản tiền cấp dưỡng mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng trước khi chết; khoản tiền tổn thất về tinh thần do tính mạng bị xâm phạm”, luật sư Kiên cho biết.
Theo Dân Việt