Gần 4 năm bước ra từ cuộc thi Giọng hát Việt 2013 với danh hiệu Á quân, không chỉ ghi điểm bằng những bản hit đình đám như Vết mưa, Yêu xa, Mơ... mà Vũ Cát Tường còn để lại dấu ấn đặc biệt trong lòng khán giả với hình ảnh một nữ ca sĩ mang phong cách tomboy, thường mặc sơ mi "chuẩn soái" hay những bộ suit thẳng thắn.
Vậy mà trong thời gian gần đây, Vũ Cát Tường khiến người hâm mộ đi từ ngạc nhiên này tới bất ngờ khác khi "chịu khó" diện những bộ váy nữ tính, điệu đà trong các chương trình ca nhạc, thậm chí là để tóc dài, cử chỉ dịu dàng không thua kém bất kì nữ nhi nào trong MV mới nhất Come back home. Cùng trò chuyện với Vũ Cát Tường để biết động lực nào lại khiến cô bất ngờ thay đổi hình ảnh cũng như những dự định âm nhạc của nữ ca sĩ trong thời gian tới.
Ranh giới về sự nữ tính và nam tính trong tôi ngày càng siết lại ở giữa hơn.
- Khi MV "Come back home" của Vũ Cát Tường được chính thức ra mắt, người hâm mộ đã rất bất ngờ trước hình tượng nữ tính - khác với hình ảnh tomboy mạnh mẽ vốn thấy. Điều gì tác động khiến bạn lại quyết định đổi mới hình ảnh?
Có lẽ sự thay đổi bắt nguồn từ bên trong khi tôi cảm giác tới một thời điểm nào đó, chuyện ăn mặc hay giới tính không ảnh hưởng gì đến mình nữa và muốn mặc lên tất cả những gì mình thích và muốn thể hiện tinh thần của bài hát đó.
Năm 2017, tư duy của tôi về cuộc sống về mọi thứ thay đổi rất nhiều và trong đó có cả suy nghĩ về cốt lõi con người. Nghĩa là tôi chỉ quan trọng mình sống có "đã" chưa, mình cống hiến đủ chưa, mình chơi đùa với âm nhạc đủ chưa, còn những chuyện còn lại như ăn mặc, trai gái... không còn quan trọng với tôi nữa. Tôi sẽ làm tất cả những gì mình thấy thích.
MV "Come back home" đánh dấu hình ảnh một Vũ Cát Tường nữ tính, dịu dàng sau thời gian dài "côp mác" phong cách tomboy, mạnh mẽ.
- Trước giờ theo đuổi hình ảnh tomboy nhưng thời gian gần đây, từ fan-meeting tới Chung kết "The Voice Kids 2017", khán giả lại thấy một Vũ Cát Tường dần hướng đến sự nữ tính. Bạn nói gì về sự thay đổi này?
Như lúc nãy tôi đã nói, ranh giới về sự nữ tính và nam tính trong tôi ngày càng siết lại ở giữa hơn, tôi không còn quan trọng bên nào nam tính bên nào nữ tính nữa và biết đâu đó trong 2018 mọi người sẽ thấy Vũ Cát Tường mặc váy rất nhiều, mặc vest hoặc mặc bất cứ thứ gì tôi thấy thoải mái. Mình thấy nó đẹp, thời trang thì mình mặc thôi, chứ cũng chẳng cần chứng tỏ hình ảnh tomboy hay nữ tính gì.
Tôi nghĩ, đúng là khi người ngoài nhìn vào chắc chắn sẽ thấy một điều rằng tôi đang làm mới hình ảnh của mình nhưng một câu mà tôi nói từ khi mới vào nghề: "Tôi chỉ thay đổi khi thực sự bên trong mình có sự thay đổi".
Có nghĩa khi bên trong con người tôi, tư duy, sự trưởng thành, cách nhìn nhận vấn đề của mình thay đổi thì tự nhiên sẽ dẫn đến những thay đổi bên ngoài. Mình sẽ không còn thấy chuyện mặc váy, quần hay vest là vấn đề nữa, và khi đó tôi sẽ không còn có sự phân biệt đối xử trong chuyện ăn mặc nữa.
- Lật lại khoảng thời gian bạn là thí sinh The Voice 2013, tại sao lại có quyết định chuyển từ ngoại hình nữ tính sang tomboy cho bước khởi đầu của sự nghiệp ca hát?
Lúc tôi thi The Voice 2013 thật sự không nghĩ được cụm từ "bắt đầu sự nghiệp ca hát", chỉ nghĩ là đi thi một cuộc thi vì rất ấn tượng với format của nó cũng như cho bản thân một cơ hội để xem mình có khả năng không. Suốt một thời gian dài không tiến tới với âm nhạc, chỉ lo học thôi và ngành học cũng không liên quan gì đến âm nhạc.
Nhìn người ta thi The Voice 2012 thôi thúc mình nhiều lắm. Lúc thi chỉ nghĩ mình là thí sinh thôi, còn tại sao chọn hình ảnh mình đâu nghĩ gì đâu, không nghĩ cắt tóc có nghĩa là chọn hình ảnh hay đánh dấu một cái gì.
Tôi thi The Voice từ tháng 6/2013, đầu năm 2013 về quê, tới mùng 7 trời nóng quá nên cắt tóc thôi, từ đó thấy thoải mái hơn nhiều nên xài tóc đó nguyên năm luôn chứ đâu nghĩ chiến lược mình sắp thi The Voice rồi phải làm hình ảnh gì.
- Bạn nghĩ fan sẽ thích hình ảnh một Vũ Cát Tường tomboy hay một Cát Tường nữ tính? Và việc thay đổi đột ngột về hình ảnh quen thuộc có thể đối mặt với việc fan không quen, phản đối, quay lưng... bạn có sợ không?
Không. Vì tôi nghĩ fan của mình, đặc biệt FM yêu tôi vì tôi là Vũ Cát Tường thôi, còn việc mình là nam, nữ hay nữ tính, tomboy gì đó thật sự không phải là vấn đề nặng nề. Điều cuối cùng chạm đến trái tim họ là tình yêu, là tâm hồn, và những điều đó không bao giờ có giới tính.
Fan không quay lưng với tôi mà trái lại, họ còn cảm thấy bất ngờ với những gì họ thấy. Bản thân tôi khi tôi đóng MV đó, chuyện khiến tôi bất ngờ không phải việc quay lại hình ảnh nữ tính bởi tôi cũng có sự nữ tính trong người mà.
Điều khiến tôi bất ngờ là khi xem bản final, không ngờ mình có thể diễn xuất hai nhân vật với tính cách khác nhau: Một người đàn ông buồn bã, cô đơn và hối hận còn một cô gái có hơi lả lơi, õng ẹo và tiểu thư, an nhiên trong căn phòng của mình. Chính điều đó khiến tôi nhận ra một chút khả năng về diễn xuất của mình và khiến tôi tò mò hơn về bản thân.
Tôi là con gái thì tại sao lại phải đem chuyện giới tính để tạo sự chú ý?
- Nhiều người cho rằng Tường lấy yếu tố giới tính ra để tạo sự chú ý, và lần thay đổi này cũng vậy. Tường nói sao?
Ngày xưa tôi cũng từng để tóc dài và mặc váy đấy thôi! (Cười) Tôi là con gái thì tại sao lại phải đem chuyện giới tính để tạo sự chú ý?
Tôi có để ý thấy khán giả của mình thích thú hơn hẳn khi tôi trực tiếp vào vai một nhân vật nào đó trong sản phẩm của mình. Từ trước đến giờ tôi luôn xuất hiện trong MV với vai trò "một người kể chuyện tình", một phần vì tôi rất ngại đóng nhiều, sợ cảm xúc lên quá nhiều hay đơ quá sẽ khiến ekip thực hiện mệt mỏi cắt dựng.
Quan sát đủ lâu, tôi nghĩ nên dành tặng một điều bất ngờ thú vị đến khán giả của mình, tôi không chỉ đóng một nhân vật mà với Come back home tôi sẽ đóng cả hai vai. Vừa là để khẳng định âm nhạc của tôi phù hợp với tất cả giới tính, ai nghe cũng có thể thấy câu chuyện của mình trong đó, không còn quan trọng danh xưng "anh-em".
Một phần cũng là để thể hiện hai con người ở bên trong tôi, và cho dù ở hình ảnh nào, tôi vẫn là Vũ Cát Tường, là người mang cảm xúc đến trong âm nhạc, là người thấy điều gì thực sự phù hợp, thật sự đúng lúc thì làm thôi.
Bên cạnh đó tôi cũng muốn thông qua Come back home thể hiện được sự cô đơn của một người, dù là nghệ sĩ hay không, họ cũng có những khoảng trời riêng, những nỗi đau không muốn để ai chạm vào.
- Ý tưởng bắt nguồn cho MV "Come back home" là gì?
Bắt nguồn từ tôi, vì tôi muốn diễn tả sự mất mát không thể bù đắp được. Khi Birthday Concert kết thúc, tôi mới kết nối lại và muốn thể hiện sự đối lập hoàn toàn giữa một người có rất nhiều người yêu quý ngoài kia - cùng chúc mừng trong ngày sinh nhật của mình nhưng với chàng trai này không có gì mất mát hơn khi về nhà với 4 bức tường.
Anh ta vẫn cảm thấy sự trống trải mà hàng ngàn người, hàng trăm thành công cũng không bù đắp được sự mất mát trong tình yêu mình trân quý nhất trong cuộc đời của mình.
- Trong MV "Come back home", nội dung nói về một người nghệ sĩ do chính bạn vào vai trở về nhà mệt mỏi sau ánh hào quang sân khấu. Đây có phải là một phép "ẩn dụ" về cuộc sống nội tâm của bạn?
Tôi nghĩ đó chỉ là một phần, và nghệ sĩ nào cũng có những điều tương tự như vậy. Nhiều người nhìn bên ngoài tưởng nghệ sĩ rất sung sướng, có người nâng khăn sửa túi nhưng thực chất không phải, đặc biệt là ở Việt Nam những mô hình công ty phát triển nghệ sĩ không đủ mạnh, nhiều nghệ sĩ phải tự đi lên bằng đôi chân của mình.
Tôi nhớ khoảng thời gian mình cực khổ nhất là khi vừa đi học, sự nhìn nhận của công chúng về mình cũng chưa được nhiều và cứ chật vật tự vạch ra những chiến lược của mình, lúc đó tôi cũng chưa có ê-kíp chuyên nghiệp gì cả, tự mình phải suy nghĩ xem ngày mai làm gì chứ không được may mắn vào công ty rồi họ sẽ lo hết.
Tôi gặp nhiều người, ai cũng nói trường hợp của tôi rất khó bởi chưa bao giờ có hình mẫu trước đó: vừa là ca sĩ, vừa là nhạc sĩ vừa giải trí trên sân khấu cũng như theo hình tượng unisex.
Tôi vào công ty nào cũng không có ai giải được bài toán đó, tôi cực kì cô độc khi không ai hiểu mình mà cũng không ai có thể sát cánh bên mình lâu dài. Đó là khoảng thời gian từ 2013 - 2016.
Mãi đến gần đây tôi mới tìm được những người chí cốt đồng hành, hiểu và yêu thương mình, họ lắng nghe mình, lúc đó tôi mới tự tin với con đường mình đi, chứ trước kia tôi cũng không khác gì hình ảnh trong MV, rất cô đơn, mệt mỏi.
Sau một đêm cho khán giả những năng lượng của mình, có bao nhiêu đốt cháy hết trên sân khấu, về nhà mệt nhưng đầu chưa được nghỉ, phải nghĩ bước tiếp theo mình nên làm gì.
Tôi không nặng lòng chuyện phải gom hết cả khán giả Việt Nam thích nhạc của mình.
- Âm nhạc của Vũ Cát Tường gần đây thay đổi đa dạng theo ý thích bản thân. Bạn có sợ fan theo không kịp tư duy nhạc của mình không, bởi họ vẫn tìm kiếm bạn ở những ca khúc hit ngày đó như Vết Mưa, Yêu Xa...?
Câu hỏi rất hay, tôi nghĩ khán giả đang phân ra nhiều luồng. Khi mình thay đổi, dĩ nhiên sẽ vấp phải những luồng dư luận khác nhau, có những người họ không còn cảm được nhạc của tôi nữa, có những người vẫn nghe được và tấm tắc nhạc của Vũ Cát Tường ngày càng chất, chính vì vậy tôi nghĩ vấn đề ở đây chỉ là cái duyên thôi.
Họ yêu tôi hay yêu âm nhạc của tôi cũng là duyên, đến lúc nào đó khi tần số 2 bên thay đổi, không phù hợp nhau nữa mình phải bước tiếp. Dĩ nhiên khi tôi bước lên bậc tiếp theo, chắc chắn sẽ có những người cùng tần số đó đi chung với tôi.
Âm nhạc luôn luôn là một chiếc thuyền chuyên chở cảm xúc cho người nghe nên tôi không nặng lòng chuyện phải gom hết cả khán giả Việt Nam thích nhạc của mình. Ở một lúc nào đó, trong một bài nào đó, thậm chí mãi không bao giờ hòa nhập được với Vũ Cát Tường bây giờ và họ vẫn thấy mình trong Yêu xa, Vết mưa... thì họ vẫn hãy như vậy bởi đó là những bài hát dành cho tần số của họ. Còn bản thân tôi luôn thành thật với chính mình.
Cuộc sống và tư duy âm nhạc của tôi đang như thế nào thì sẽ như thế đó chứ tôi không muốn mình chỉ sáng tác cho đám đông đó để chiến thắng họ.
Tôi quan trọng mình phải thành thật với chính mình, ai rồi cũng lớn lên và thay đổi, mình đang thể hiện đúng với con người của mình thôi, còn ai yêu được mình ở góc nào, bài nào mình đều trân trọng hết.
- Cho tới thời điểm này, Vũ Cát Tường đã quá in đậm dấu ấn bằng những ca khúc tự sáng tác, tự thể hiện, thời gian tới bạn có nghĩ sẽ hát những sáng tác của các nhạc sĩ khác không?
Tôi chưa nghĩ tới, có thể sẽ đưa đến cơ duyên tôi sáng tác chung với người khác chứ tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ để ai đó toàn quyền quyết định ca khúc tôi hát được, trừ khi đó là bài hát về cộng đồng hay dự án nào đó mình thấy ổn. Còn nếu dự án cá nhân thì có thể chỉ sáng tác chung, "bệnh nghề nghiệp" thôi không thể để người khác quyết định cá tính âm nhạc của mình.
- Cách đây ít lâu, bạn từng chia sẻ thông tin MV này bị rò rỉ cảnh quay hậu trường lên mạng xã hội. Bạn có thể chia sẻ kĩ hơn về câu chuyện này?
Đấy là một câu chuyện tôi nghĩ không ai muốn nhắc tới nhất là người trong cuộc. Tôi thuộc kiểu người ít khi lên tiếng trên mạng xã hội, trừ những chuyện gì tôi phải có trách nhiệm nói mới lên tiếng.
Chuyện leak MV là một chuyện không ai ngờ tới, khi tôi đang ở studio có nói tất cả mọi người không ai được quay lại. Có một anh chàng nào đó không phải trong ê-kíp làm việc tại studio đó, anh ta ngồi góc đối diện tôi, ngay từ khi anh ta cầm điện thoại lên tôi đã có cảm giác anh ta đang quay và tôi đã nói lớn một lần nữa không ai được quay.
Tôi không muốn chỉ đích danh ai vì không chắc chắn anh ta có quay hay không. Nhưng y như rằng 30 phút sau bên bộ phận truyền thông báo là có người leak lên và tôi cực kì tức giận. Tôi nói ê-kíp yêu cầu anh ta tháo xuống ngay lập tức còn không tôi sẽ không để yên chuyện này.
Tôi nghĩ tất cả nghệ sĩ đều bị chuyện này, ai cũng muốn giữ kín sản phẩm của mình để gây bất ngờ hoặc dự tính gì đó của ê-kíp nhưng nếu như vậy xảy ra nhiều lần, chúng ta cần đưa nó lên một vấn đề nghiêm cấm xảy ra vì nó liên quan đến chuyện bản quyền.
- Quan điểm của bạn về việc ý thức và bản quyền của khán giả đối với sản phẩm của nghệ sĩ Vpop?
Tôi nghĩ nghệ thuật Việt Nam rồi sẽ đến giai đoạn không thể lúc nào cũng miễn phí được và quan điểm của tôi là không bao giờ có gì miễn phí mà chất lượng, từ thực phẩm, thức ăn... cho đến bất cứ thứ gì mà bạn trả tiền, bạn cân nhắc đắn đo và phải nghiên cứu kĩ.
Tôi không biết mọi người thế nào, tôi không có ai hậu thuẫn nên từng đồng tiền kiếm về, chi cho sản phẩm nào, chi cho cái gì tôi đều phải cân nhắc kĩ làm sao có hiệu quả. Tôi nghĩ nghệ sĩ khi tốn bao nhiêu sức lực, cống hiến, khán giả chính là những người ghi nhận và cho họ sự ghi nhận đó bằng việc trả phí.
Tôi nghĩ chỉ có Việt Nam mới phải nói những điều này chứ nước ngoài đi nghe nhạc phải mua vé, down nhạc phải trả tiền hàng tháng đó là chuyện bình thường nhưng chúng ta luôn luôn đi tìm những gì miễn phí, đổ đống ngoài kia để sử dụng free. Đến một lúc nào đó Việt Nam sẽ thay đổi, mọi thứ càng đi lên và phải có điểm nút nào đó.
Theo Trí Thức Trẻ