Vụ chạy thận 9 người chết: Cựu giám đốc bệnh viện đau đớn trước tòa

Là bị cáo đầu tiên được xét hỏi, nguyên GĐ BVĐK Hòa Bình Trương Quý Dương nói "Đau" khi được hỏi về cảm nhận trước vụ việc.

Phiên tòa sơ thẩm xét xử các bị cáo liên quan đến sự cố chạy thận làm 9 người chết ở BVĐK tỉnh Hòa Bình chiều qua chuyển sang phần xét hỏi bị cáo Trương Quý Dương, nguyên giám đốc BV.

Trả lời câu hỏi của chủ tọa: “Về những nội tại và hậu quả để xảy ra sự cố này, theo bị cáo do đâu, trách nhiệm của những người có thẩm quyền?”, bị cáo Trương Quý Dương nói: “Bị cáo chỉ có thể nói trong một chữ 'Đau'.

Đau ở đây trên nhiều phương diện: nỗi đau đớn của các bệnh nhân và người nhà bệnh nhân; Đau của người làm chuyên môn; Đau của người làm công tác quản lý; và trên hết là nỗi đau của ngành y tế”. 

Vụ chạy thận 9 người chết: Cựu giám đốc bệnh viện đau đớn trước tòa-1
Bị cáo Trương Quý Dương đến tòa chiều 14/1

Bị cáo Dương cho biết: “Tự đánh giá lại, bị cáo xin nhìn nhận, đơn nguyên chạy thận là một trong những nơi tâm huyết nhất, chưa có kỹ thuật nào ở bệnh viện được chuẩn bị chu đáo như kỹ thuật này. Ngoài cái đau ra thì bị cáo không chối bỏ trách nhiệm. Thay mặt bệnh viện bị cáo xin nhận mọi trách nhiệm về sự cố này.

Có nhiều cái bị cáo chưa thể làm. Tuy nhiên, bị cáo đã cố gắng hết sức có thể làm, còn cái gì chưa làm được thì trông chờ vào kết luận của HĐXX”, lời bị cáo Dương.

Trả lời câu hỏi của chủ tọa, bị cáo Dương khá xúc động và suýt bật khóc.

Truy trách nhiệm người đứng đầu

Theo bị cáo Trương Quý Dương, ngày xảy ra sự cố nhiều bệnh nhân sốc phản vệ trong quá trình chạy thận (29/5/2017), bị cáo trực lãnh đạo tại bệnh viện. 

Vụ chạy thận 9 người chết: Cựu giám đốc bệnh viện đau đớn trước tòa-2
HĐXX xét hỏi bị cáo Trương Quý Dương 

Khoảng 7h30 sáng, bác sĩ Hoàng Đình Khiếu (PGĐ, Trưởng khoa Điều trị tích cực) báo cáo sự việc nhiều bệnh nhân có biểu hiện dị ứng thuốc, đã báo cáo, trao đổi với các bác sĩ BV Bạch Mai và nhận định có thể là do tồn đọng chất trong đường ống truyền lọc, chỉ cần súc rửa đường ống thì có thể truyền tiếp. Bị cáo nói có bất thường thì tiếp tục báo cáo.

Khoảng trưa 11h30 thì bác sĩ Khiếu và bác sĩ Tình báo cáo có bệnh nhân tử vong. Gọi hỏi ý kiến bác sĩ BV Bạch Mai thì tuyến trên nói, có thể bệnh nhân bị sốc thuốc rồi. Sau đó, BVĐK Hòa Bình gấp rút làm thủ thuật lọc thận khử độc. Lúc này có thêm bệnh nhân tử vong.

Bị cáo Dương chỉ đạo các cán bộ chuyên môn liên hệ với các bệnh viện khác và bệnh viện tuyến trên để xử lý sự cố; liên hệ với các gia đình có bệnh nhân tử vong để chia buồn, đồng thời hỗ trợ mỗi gia đình nạn nhân 10 triệu đồng. 

Sáng hôm sau, bị cáo Dương cùng đại diện bệnh viện đến chia buồn với gia đình các nạn nhân, tiếp tục hỗ trợ thêm mỗi gia đình 10 triệu đồng.

Chủ tọa: Với tư cách là Giám đốc BV, ngoài bác sĩ Khiếu báo cáo ra còn có nguồn tin nào khác?

Thời điểm 10h sáng hôm xảy ra sự cố thì chưa có ai cảnh báo đối với bị cáo về tình huống khẩn thiết cả. Lúc đó bác sĩ Khiếu mới báo cáo là một số bệnh nhân có biểu hiện dị ứng, đã hỏi ý kiến các bác sĩ chuyên môn của BV Bạch Mai chứ không phải là hội chẩn.

Đến 11h30 thì lúc đó mới có bệnh nhân tử vong. Sau khi bị cáo xuống đến khoa, bị cáo ngồi với các bác sĩ, xem hồ sơ thì mới biết khoảng 7h30 sáng hôm đó, sau 15-20 phút thì có sự cố xảy ra với các bệnh nhân chạy thận. Cả ngày hôm đó điện thoại nóng bỏng vì chỉ đạo...

Chủ tọa: Sự việc xảy ra vào đầu giờ sáng nhưng 11h30 bị cáo mới xuống thì đã làm hết trách nhiệm hay chưa?

Với một BV gần 40 khoa với hơn 700 cán bộ, lĩnh vực chuyên môn nào có vấn đề thì các bác sĩ chuyên khoa có trách nhiệm xử lý sự cố.

Ngoài ra, các bác sĩ chuyên khoa ngoài mối quan hệ chuyên môn, nghiệp vụ còn có mối quan hệ thầy trò với các bác sĩ tuyến trên là thầy của mình. Bị cáo mặc dù là giám đốc BV nhưng chuyên môn ngoại khoa nên không thể xử lý tốt hơn được các bác sĩ chuyên khoa.

Theo Vietnamnet


Bác sĩ Hoàng Công Lương chết người

Tin tức mới nhất