Trong mấy ngày nay, vụ “cô giáo bọ cạp” Trung tâm Anh Ngữ Lê Na xưng hô mày tao và chửi học viên vẫn đang là tâm điểm được dư luận quan tâm.
Cô giáo dạy ngoại ngữ Lê Na xưng mày tao và chỉ thẳng vào mặt sinh viên gây phẫn nộ cộng đồng mạng (ảnh cắt từ clip)
Chia sẻ với chúng tôi về vụ việc này, TS Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, Khoa Tâm lý học, ĐH Sư phạm TP HCM cho rằng: “Với cô giáo, thường người ta sẽ khắt khe hơn khi nhận xét ngôn từ, ứng xử. Do đó, sẽ không có ai chấp nhận một cô giáo sử dụng những ngôn từ này. Tuy nhiên, không phải ai khi nóng giận cũng kiềm chế được cảm xúc, gìn giữ được ngôn từ. Tuy không chấp nhận thái độ ấy của cô giáo nhưng cũng đừng quá khắt khe.
Theo TS Khắc Hiếu: “Nếu nhìn dưới góc độ tâm lý thì đây là vụ bên đổ dầu, bên phừng lửa. Tôi có cảm giác đoạn clip đã được cắt bớt, có lẽ còn một đoạn cô giáo bị xúc phạm nặng lắm mới bùng nổ dữ dội lên như thế”, TS Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu đưa ra nhận định.
Nói về cậu học viên trong clip, TS Khắc Hiếu cho rằng cậu học viên cũng đã lớn, nhưng mọi người lại tập trung hơn vào cô giáo mà đôi khi quên đi tác nhân đã khiến cho cô giáo bùng nổ. Bên đổ dầu, bên lửa cháy, cả hai đều có thể cư xử tốt hơn nhiều.
TS Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu
Dưới góc độ tâm lý, thầy Hiếu cũng đưa ra lý giải cho việc hiện nay có không ít học viên “hỗn” với giáo viên thậm chí đánh giáo viên.
Ngày xưa học sinh được giáo dục lễ nghĩa rất chặt chẽ, thầy cô cũng giữ phép tắc rất nghiêm. Vì vậy, việc học trò hỗn hầu như là một chuyện rất tày trời. Ngày nay, học sinh là trung tâm, giáo viên chỉ là người dẫn dắt và hỗ trợ, nên học sinh cảm nhận rõ vị thế của mình ngày càng được nâng cao.
Song song đó, nhiều thầy cô làm việc sai trái, cá nhân, không tôn trọng học sinh... nên đã ảnh hưởng ít nhiều đến hình ảnh người thầy trong lòng người học.
“Bong bóng sẽ nổ khi bên nào cũng thổi căng bằng những lời tức giận”, do đó theo TS Khắc Hiếu khi gặp tình huống như trên clip thì cách hành xử tốt nhất là “hãy xì chiếc bong bóng cảm xúc của nhau ngay từ đầu bằng sự giải thích rõ ràng và lời xin lỗi nếu cần. Nếu cái sai là do trung tâm ngoại ngữ, nên để người có trách nhiệm trò chuyện và giải thích. Nếu cô giáo có thể thì đại diện trung tâm gửi lời xin lỗi đến học viên. Có thể do cô im lặng không trả lời đã gây nên sự bực tức của học viên, khiến học viên cũng bùng nổ và phản ứng”.
Đối với vụ cô giáo bọ cạp, theo TS Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu mọi việc đang đi quá mức cần thiết. “Việc xưng mày tao tuy không đẹp nhưng cũng không phải là chuyện quá lớn. Trung tâm cần giải thích rõ ràng, cô giáo cần xin lỗi và học viên cũng cần chân thành thì tất cả đều được giải quyết”.
Cư dân mạng rất "vui tính", hễ có xì-căng-đan nào thì ngay lập tức sẽ có ảnh chế, bài viết trào phúng.... Điều đó cũng vui và thú vị, tuy nhiên nếu mang tính xúc phạm ai đó hoặc ảnh hưởng đến tinh thần của người khác thì không nên lắm, vì khi đó mình và nhân vật chính cũng tương tự nhau rồi.
Qua đây, thầy Hiếu cũng đưa ra lời khuyên để luôn được người khác tôn trọng: “Một que diêm có thể đốt cháy cả khu rừng, một lần phát ngôn mất kiềm chế có thể giết chết hình ảnh đã gầy dựng bao năm, ảnh hưởng đến công việc và cả tương lai của chính mình. Vì vậy, hãy tập phản ứng "chậm một nhịp" khi nóng giận, hình dung nhanh hậu quả sẽ tồi tệ thế nào trước khi ứng xử để tự cảnh báo chính mình.
Dù là cô giáo, học sinh hay bất kỳ ai đi chăng nữa cũng cần phải giữ phép lịch sự với nhau. Gieo gì, gặt nấy, chọc giận người khác sẽ bị người khác phản ứng, phản ứng thiếu văn minh sẽ bị dư luận phê bình”.
Theo Trí Thức Trẻ