Pongpob Boonsaree (giữa) hôm 13/8 đăng tải dòng thông điệp trên Facebook ngụ ý sẽ có chuyện không hay xảy ra ở Bangkok từ ngày 14 đến 18/8. Ảnh: Khaosod
Pongpob Boonsaree (giữa) đăng thông điệp cảnh báo người dân ở Bangkok hôm 13/8.
Ảnh: Khaosod

"Khẩn cấp, khẩn cấp, khẩn cấp. Từ ngày 14 đến 18/8, mọi người hãy cẩn thận khi ở Bangkok. Thông tin này chính xác đến 86%. Đó là tất cả những gì tôi có thể nói", Pongpob Boonsaree, 36 tuổi, một người ủng hộ phe Áo Đỏ tại Thái Lan, đăng thông báo trên mạng xã hội lúc 21h54 ngày 13/8, theo Bangkok Post.

Một giờ sau khi vụ nổ xảy ra, Pongpob viết thông báo khác: "Mọi người thấy sao? Tin tôi chưa? Tôi đã cảnh báo rồi mà. Nó đã xảy ra. Hãy kiểm tra xem người của chúng ta có thiệt hại gì không".

Ngày 19/8, Pongpob đã bị triệu tập và thẩm vấn tại Cơ quan Điều tra Tội phạm Công nghệ cao. Tuy nhiên, người này phủ nhận mọi liên quan đến vụ tấn công. Pongpob khẳng định đang ở văn phòng làm việc khi vụ đánh bom xảy ra.

Người đàn ông 36 tuổi cho hay ông chỉ sao chép nội dung thông tin này từ trang Facebook của một nhóm chính trị để cảnh báo mọi người. "Tôi cảm thấy điều gì đó tồi tệ có thể xảy ra và rất lo lắng cho những người bình thường. Vì vậy, tôi đăng tải lại trên Facebook cá nhân", Pongpob nói.

Pongpob từ chối cung cấp thông tin về nhóm chính trị ông đề cập đến nhưng khẳng định sẽ hợp tác với cảnh sát để điều tra nội dung đăng tải trên trang mà ông thấy thông điệp cảnh báo. 

Pongpob lấy tên tài khoản cá nhân là Vitchavej Pornpromraksa. Ông là một nhân viên chính phủ và ủng hộ phe Áo Đỏ tại Thái Lan.

Tối 17/8, thủ đô Bangkok, Thái Lan rung chuyển vì bom nổ. Hung thủ đặt bom ngay gần đền Erawan, nơi rất nhiều du khách trong và ngoài nước tới để tham quan. Vụ nổ khiến ít nhất 20 người thiệt mạng và hơn 120 người khác bị thương.

Chưa đầy 24 giờ sau vụ đánh bom đẫm máu, một thiết bị nổ khác được ném xuống một cầu tàu ở thủ đô Bangkok từ cây cầu bắc qua sông. Nó rơi xuống nước trước khi nổ nên không gây thiệt hại về người.

Cảnh sát Thái Lan công bố phác họa và đang truy lùng nghi phạm mặc áo vàng đã xuất hiện trong video do camera an ninh ghi lại. Người đàn ông này đeo kính với gọng tối màu, mặc áo phông màu vàng, quần soóc có túi và đeo băng ở cổ tay.

Ngoài ra, cảnh sát thông báo hai người khác xuất hiện trong video quay hiện trường vụ đánh bom gần đền Erawan cũng là đối tượng đáng nghi.

Ông Prawut Thawornsiri, phát ngôn viên cảnh sát Thái Lan, cho hay hai người đàn ông – một đối tượng mặc áo đỏ và người kia mặc áo trắng – đứng cạnh nghi phạm áo vàng. Dường như hai người đứng chắn cho thanh niên áo vàng khi anh ta đặt balô ở phía trước một lan can.

Theo Trí thức trẻ