Vụ đốt nhà mẹ: Trường hợp nào 3 con mất quyền thừa kế?

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hưng Yên đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội "Giết người".

Khởi tố vụ 3 con gái mang xăng phóng hỏa nhà mẹ

Theo cơ quan công an, do mâu thuẫn trong việc chia quyền thừa kế đất, khoảng 9 giờ 30 phút ngày 30/10, 3 cô con gái của bà Đ. mang theo can xăng loại 10 lít đến nhà bà Đ. (tại xã Trung Hòa, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) đổ xăng xuống nền rồi đốt.

Vụ đốt nhà mẹ: Trường hợp nào 3 con mất quyền thừa kế?-1
Mâu thuẫn chuyện đất đai, 3 con gái của bà Đ. mang xăng đến phóng hỏa nhà mẹ ở huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Ảnh: CTV.

Tại đây, chị Đỗ Thị Điểm (sinh năm 1988, con gái thứ 2 của bà Đ.) đã đổ xăng xuống nền nhà gian phòng khách rồi châm lửa đốt cháy. Hậu quả khiến 4 người bị bỏng, tài sản thiệt hại do bị đốt cháy khoảng 50 triệu đồng.

Lãnh đạo xã Trung Hòa cho biết bà Đ. sinh được 3 con gái và một con trai. Trước đó, gia đình đã thống nhất chia cho 3 cô con gái mỗi người một mảnh đất trong ngõ.

Mảnh đất ngoài mặt đường chia cho con trai. Các bên đã đồng ý ký vào biên bản thỏa thuận. Sau đó, 3 con gái đến nhà bà Đ. đòi thêm một suất đất ở ngoài mặt đường. Bà Đ. không đồng ý, nên 2 bên nhiều lần xảy ra cãi vã.

Về vụ việc này, nhiều bạn đọc cũng đặt câu hỏi, liệu 3 người con của bà Đ. có bị truất quyền thừa kế hay không?

3 cô con gái có bị mất quyền thừa kế?

Trao đổi với chúng tôi, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, trong vụ việc này cần phải làm rõ quyền sử dụng đất tranh chấp là tài sản chung của hộ gia đình hay là tài sản chung của bố mẹ những người đó.

Căn cứ để xác định tài sản của ai sẽ dựa vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyết định giao đất hoặc các giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai.

Theo ông Cường, thông thường đất nông nghiệp sẽ là tài sản chung của hộ gia đình còn nếu là đất thổ cư, chỉ là tài sản chung của hộ gia đình nếu có quyết định giao đất cho hộ gia đình hoặc gia đình cùng khai hoang, sử dụng ổn định được Nhà nước công nhận cho cả hộ.

Còn nếu đất do hai vợ chồng tạo lập, nhận chuyển nhượng, được tặng cho, được thừa kế, sẽ là tài sản chung của hai vợ chồng. Nếu các thửa đất đó là tài sản chung của bố mẹ, các con không có quyền yêu cầu chia đối với tài sản này.

Trường hợp ông bố đã chết mà không để lại di chúc, khi đó các con mới có quyền yêu cầu chia thừa kế theo quy định pháp luật.

Vị chuyên gia luật phân tích, theo quy định của Điều 651 Bộ luật dân sự 2015, con trai, con gái, con nuôi, con đẻ đều có quyền thừa kế như nhau.

Ngoài ra, pháp luật nghiêm cấm hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm, tài sản, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của người khác khi có tranh chấp mâu thuẫn về tài sản.

Trong vụ việc này, nếu có tranh chấp về thừa kế hoặc tranh chấp về tài sản chung của hộ gia đình mà các đương sự không thể giải quyết được, có thể gửi đơn đến UBND cấp xã phường để được hoà giải theo thủ tục hòa giải cơ sở.

Trường hợp hòa giải vẫn không thành, chính quyền địa phương cần giải thích, hướng dẫn, tạo điều kiện cho các đương sự gửi đơn đến tòa án để được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.

Khi nhận được hồ sơ khởi kiện, tòa án cũng phải tạo điều kiện để thụ lý hồ sơ, phải xem xét giải quyết và hòa giải khuyên can các bên, tránh để những mâu thuẫn xung đột trở nên trầm trọng hơn.

Từ phân tích trên, ông Cường cho biết, theo quy định của pháp luật, người thực hiện hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của người có di sản; vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng; sửa chữa, hủy bỏ di chúc hoặc có hành vi xâm phạm đến tính mạng sức khỏe của các thừa kế khác nhằm chiếm đoạt di sản sẽ bị truất quyền thừa kế.

Bởi vậy, ngoài việc có thể bị xử lý hình sự, những người con gái có hành vi mang xăng đến đốt nhà mẹ còn có thể bị truất quyền thừa kế theo quy định tại Điều 621 Bộ luật dân sự 2015.  

Theo Dân Việt

Xem link gốc Ẩn link gốc https://danviet.vn/vu-mang-xang-dot-nha-me-o-hung-yen-3-co-con-gai-co-bi-mat-quyen-thua-ke-2022110614081136.htm?fbclid=IwAR1MsWDsFpEKO_y9Xk9i1Y3xthGbJzMekhMS3csVSVwIBF3Ifq_5L2RBreQ

tẩm xăng Giết Người

Tin tức mới nhất