Ngày 30-12, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có văn bản yêu cầu xử lý vụ việc nhiều cơ sở sản xuất giá đỗ ủ chất cấm.

Phát lộ nhiều lỗ hổng

Theo đó, UBND tỉnh Đắk Lắk giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, Sở Y tế, Công an tỉnh, UBND TP Buôn Ma Thuột khẩn trương kiểm tra, xác minh nội dung báo chí phản ánh về giá đỗ ủ chất cấm và trách nhiệm của từng cơ quan.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Đắk Lắk cũng yêu cầu báo cáo trên địa bàn tỉnh đã cấp được bao nhiêu giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP) để sản xuất, kinh doanh giá đỗ. Giải pháp để quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh giá đỗ trong thời gian tới để kịp thời chấn chỉnh nhằm bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trong quản lý ATTP, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo xử lý.

Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk, cho biết Công ty TNHH Thương mại Lâm Đạo được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP nhưng đây là chứng nhận đủ điều kiện ban đầu để sản xuất, còn hằng ngày, ai kiểm tra, giám sát thì không thực hiện được.

Ông Dương cho rằng Luật ATTP và văn bản hướng dẫn vẫn còn lỗ hổng, chưa chặt chẽ, chưa cụ thể, chưa sát với thực tế. Đặc biệt, là quy định trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị trong quản lý, giám sát cơ sở chế biến thực phẩm. Ngoài ra, cần ban hành được quy chuẩn thực phẩm cho từng loại khi đưa ra thị trường.

Về các giải pháp quản lý, ông Dương cho biết cần sử dụng hệ thống camera giám sát, nhật ký điện tử. Từ đó, các cơ quan chức năng có thể theo dõi, quản lý. Bên cạnh đó, cần siết chặt các điều kiện cấp phép. "Ngay cả các cơ sở có thương hiệu, chứng nhận, truy xuất còn vi phạm huống chi thực phẩm bày bán tràn lan ngoài thị trường, rất nguy hiểm" - ông Dương nói.

Ngày 30-12, ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động tại một số cửa hàng Bách Hóa Xanh ở TP Buôn Ma Thuột không còn bán giá đỗ. Tuy nhiên, tại chợ đầu mối Tân Hòa (nơi 6 cơ sở cung cấp giá đỗ) những ngày gần đây, nhiều sạp vẫn bày bán giá đỗ nhưng tiêu thụ chậm. Tại một số cửa hàng ăn uống trên địa bàn, khách cũng yêu cầu không bỏ giá đỗ.

Cũng trong ngày, với lý do đang phối hợp với cơ quan chức năng để giải quyết vụ việc giá đỗ ủ hóa chất bán trong cửa hàng Bách Hóa Xanh, hệ thống này từ chối cung cấp thêm thông tin.

Vụ giá đỗ ủ hóa chất: Giật mình với việc kiểm tra, giám sát-1
Công an tỉnh Đắk Lắk bắt quả tang Công ty TNHH Thương mại Lâm Đạo dùng chất cấm ủ giá đỗ. Ảnh: CAO NGUYÊN

Siêu thị, hệ thống bán lẻ giám sát thế nào?

Ngay sau thông tin về việc giá đỗ xảy ra, nhiều siêu thị tăng tần suất kiểm tra hàng hóa, lấy mẫu kiểm tra ngẫu nhiên sản phẩm bán tại siêu thị để rà soát, phòng ngừa rủi ro hàng hóa kém chất lượng bị nhà cung cấp cố tình đưa vào phân phối.

Cụ thể, hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra đã tăng cường tần suất kiểm tra hàng hóa kinh doanh tại hệ thống lên gấp 2-3 lần so với ngày thường. Nhóm hàng phục vụ Tết như bánh mứt kẹo, giò chả, thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản, rau củ quả, trái cây, bánh chưng bánh tét... trải qua 3 bước kiểm tra trước khi tới tay khách hàng, bao gồm: kiểm tra tại nơi sản xuất, tại trung tâm phân phối và test nhanh trước khi lên quầy kệ tại siêu thị.

Co.opmart, Co.opXtra đặc biệt chú trọng các mặt hàng giá đỗ, dưa hành… vì nhóm hàng này có thời gian sử dụng ngắn lại thường xuyên góp phần trong bữa ăn hằng ngày.

Hệ thống này còn kiểm soát chặt các hồ sơ pháp lý, chất lượng hàng hóa và chứng minh nguồn gốc xuất xứ; nâng cao khả năng xét nghiệm của phòng thí nghiệm gấp 5 - 10 lần so với ngày thường; tăng cường các chuyến xe kiểm nghiệm thực phẩm lưu động, kịp thời kiểm soát chất lượng thực phẩm ngay tại nguồn.

Tương tự, các hệ thống phân phối khác như MM Mega Market, Big C, GO!, Aeon, Lotte Mart… cũng siết lại quy trình kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng phục vụ Tết.

Ông Nguyễn Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), cho biết đã triển khai lấy mẫu kiểm tra tất cả mặt hàng thực phẩm tươi sống bán tại hệ thống bán lẻ của Satra, bao gồm chợ đầu mối Bình Điền. Nếu phát hiện sản phẩm tồn dư thuốc bảo vệ thực vật/thuốc kích thích tăng trưởng vượt ngưỡng cho phép hoặc chứa các chất gây hại đến sức khỏe người tiêu dùng thì siêu thị/ban quản lý chợ lập tức lập biên bản, ngừng kinh doanh mặt hàng đó và xử lý theo quy định.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, nhìn nhận vụ việc xảy ra với sản phẩm giá kinh doanh tại Bách Hóa Xanh cho thấy cách thức vận hành hiện nay trong chuỗi cung ứng thực phẩm còn lỗ hổng. Vụ việc tại Bách Hóa Xanh hoàn toàn có khả năng xảy ra với các hệ thống phân phối khác nếu không thay đổi cách làm như hiện nay. Bách Hóa Xanh làm đúng quy trình khi nhận phân phối hàng hóa đã được cơ quan quản lý nhà nước cấp phép, có đầy đủ giấy chứng nhận và có quy trình kiểm tra, kiểm soát nội bộ. Tuy nhiên, khi nhà cung cấp cố tình qua mặt để trục lợi thì rất khó kiểm soát 100%" - ông Phương nhìn nhận.

Đó cũng là lý do Sở Công Thương đang phối hợp cùng 8 nhà phân phối lớn triển khai chương trình liên kết kiểm soát chất lượng hàng hóa (chương trình "Tick xanh trách nhiệm" nhằm giúp mở rộng đầu ra cho sản phẩm chất lượng, an toàn, đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa.

Theo Người Lao Động