Sinh vật lạ là con loăng quăng?

Một số cư dân tòa nhà chung cư CT9 (Khu đô thị Định Công - Hoàng Mai - Hà Nội) phản ánh việc trong nước sinh hoạt ở đây xuất hiện những sinh vật lạ gớm ghiếc.

Cụ thể, những người dân cho hay, đó là con giun sán đột nhiên xuất hiện trong nước sinh hoạt của một số gia đình trong tòa nhà.

Để làm rõ hơn về điều này, sáng nay 25/3, PV Báo điện tử Trí Thức Trẻ đã đến tận nơi tìm hiểu.

Có mặt tại KĐT Định Công và đặc biệt là ở tòa nhà CT9, không khó để nghe những lời xì xào, bàn tán về việc sinh vật lạ xuất hiện trong nước sinh hoạt ở khu chung cư này.

Người thì bảo: "Đó là chuyện bình thường. Mấy năm nay thấy suốt". Cũng có không ít người tỏ ra lo lắng: "Ngay giữa Thủ đô mà không có nước sạch để dùng. Trông mấy sinh vật ấy sợ phát khiếp".

Khi chúng tôi có mặt, Ban quản lý tòa nhà đồng thời cũng là đại diện tổ dân số 52, phường Định Công cũng có mặt ở phòng thường trực của tòa nhà này.

Nói về việc giun sán có trong nước sinh hoạt, bà Lê Thị Lan Hương - Tổ phó Tổ dân phố số 52 - thành viên Ban quản trị tòa nhà khẳng định, đó không phải là giun sán.

Theo bà Lan Hương, cần phải hiểu rõ lịch sử của tòa nhà này và nguồn gốc nước ở đây thì mới hiểu vì sao lại có những sinh vật lạ như vậy.

"Gia đình phản ánh có giun sán trong nước họ mới chuyển đến đây. Chắc là mới gặp lần đầu nên sợ hãi vậy, chứ chúng tôi ở đây đã quá quen với việc này", bà Hương nói.

Bà Lê Thị Lan Hương chia sẻ với PV.
Bà Lê Thị Lan Hương chia sẻ với PV.


Theo chia sẻ của bà Hương, chung cư CT9 đi vào hoạt động từ năm 2005 và từ đó đến nay người dân ở KĐT này đều sử dụng nguồn nước từ 4 chiếc giếng khoan do chủ đầu tư xây dựng, cung cấp.

Tuy nhiên, khoảng hơn một năm nay, một trong bốn giếng khoan ấy đã bị sập, hỏng dẫn tới nguồn cung cấp nước cho tòa nhà CT9 này bị sụt giảm nghiêm trọng, nên xảy ra tình trạng thiếu nước triền miên.

Theo lịch, mỗi năm cư dân lại góp tiền và thau bể chứa nước một lần để đảm bảo sạch sẽ. Tuy nhiên, một năm trở lại đây, vì lượng nước cung cấp giảm sút, thiếu nước nên không thể tiến hành thau bể.

Theo lý giải của bà Hương, muốn thau bể người dân phải chịu cảnh mất nước 3 - 4 ngày. Trước đây, Ban quản trị sẽ thông báo cho bà con tích nước, nhưng giờ nước ngày nào đủ dùng ngày đó nên không có nước để tích.

Không tích được nước thì không thể thau được bể. Cả tòa nhà có 240 hộ gia đình đành phải chịu cảnh dùng nước dè sẻn.

"Khi nước cạn chạm đáy, đương nhiên sẽ có ấu trùng, có những con loăng quăng sẽ bị hút vào các đường ống dẫn nước. Lúc đó, nó chui vào nhà ai thì nhà đó phải chịu", bà Lan Hương giải thích.

Nước khan hiếm nên không thể thau bể

Trả lời câu hỏi của PV về việc vì sao lại không lắp đường ống nước sạch Sông Đà cho người dân sử dụng, hai vị lãnh đạo Tổ dân phố 52 đều than ngắn thở dài về việc một số hộ dân không hợp tác về điều này.

Bà Lan Hương cho biết, khi giếng bị sập, nhiều người lo ngại việc thiếu nước, đại diện chủ đầu tư đã liên hệ với bên nhà máy nước Sông Đà để lắp đường ống, cung cấp nước cho chung cư CT9.

Hiện tại, đường ống đã đến gần sát với tòa nhà này. Tuy nhiên, nếu muốn sử dụng nước sạch Sông Đà, mỗi hộ dân phải đóng khoảng 1,3 triệu đồng tiền đường ống, công lắp đặt...

Đa phần các hộ dân đồng ý với phương án này, tuy nhiên còn một bộ phận dân cư tòa nhà lại không đồng tình. Những người này lý giải, vẫn còn nước giếng khoan để dùng thì sao lại phải lắp nước máy Sông Đà làm gì?

Tòa nhà CT9, nơi người dân phản ánh phát hiện giun sán trong nước.
Tòa nhà CT9, nơi người dân phản ánh phát hiện giun sán trong nước.


Chính sự thiếu đồng thuận này nên việc lắp đặt đường ống nước Sông Đà buộc phải dừng lại. 240 hộ dân của CT9 vẫn quay lại sử dụng nước giếng khoan.

"Chúng tôi cũng muốn dùng nước Sông Đà cho sạch và yên tâm. Nhưng khổ nỗi, các hộ dân vẫn không chịu nên đành phải quay lại dùng nước cũ.

Thấy chúng tôi hô hào lắp nước máy Sông Đà, có người còn nghi ngờ chúng tôi được "miếng này, miếng nọ" nên mới nhiệt tình thế.

Giờ thì kệ, khi nào người dân không chịu nổi nước giếng khoan, đồng thuận lắp nước máy thì chúng tôi mới mời họ đến lắp", bà Tổ phó Lan Hương bức xúc nói.

Bà nói thêm, từ trước giờ sống ở đây quen nên cá nhân bà thấy nước giếng khoan cũng không có vấn đề gì. Cũng nhiều lần thấy nước bẩn thì thuê người thau bể cho sạch. Nhưng lần này, nguồn nước khan hiếm nên không thể thau bể được.

Một số hộ dân sống tại chung cư này cho hay, giá nước sinh hoạt ở đây dù là giếng khoan nhưng vẫn được bán bằng với giá nước máy.

Theo tìm hiểu của PV, chung cư CT9 trước đây thuộc Công ty Đầu tư và phát triển nhà đô thị - HUD đầu tư, xây dựng. Sau đó, HUD đã bán lại cho tập đoàn Mường Thanh của đại gia Lê Thanh Thản.

Vì thế, hiện nay Mường Thanh là đơn vị quản lý, vận hàng chung cư CT9 Định Công. Mấy năm gần đây, ông Thản đề nghị Tổ dân phố kiêm luôn Ban quản trị của tòa nhà này.

Trước đó, vào tối 23/3, anh M. chủ một căn hộ ở CT9 phản ánh, khi xả nước sinh hoạt, anh bàng hoàng phát hiện rất nhiều giun, sán trong nước. Ngay lập tức, anh M. phản ánh sự việc với Ban quản trị tòa nhà và các cơ quan báo chí.

sinh vật
Sinh vật lạ xuất hiện trong nước sinh hoạt của người dân. Nguồn: Giadinh.net.vn


 Theo Soha/ Trí thức trẻ