Những ngày qua, nhiều người chia sẻ, bị ám ảnh trước sự việc gia đình anh N.H.N. ở Huế gửi con trai 3 tuổi cho ông L.M.Q., ở Lâm Đồng rồi một tháng sau đó nhận về... hũ tro cốt. 

Theo gia đình anh N., ông Q. là người nhận nuôi dưỡng, điều trị trẻ chậm phát triển, tự kỷ. Với trường hợp con anh, ông Q. nhận điều trị 2 - 3 năm, với chi phí mỗi tháng khoảng 200 triệu đồng. Gia đình phải chuyển trước 600 triệu đồng đặt cọc. 

Vụ gửi con chữa bệnh, nhận về tro cốt: Việc tương tự từng rộ ở Hà Nội-1
Căn nhà ở TP Bảo Lộc, Lâm Đồng, nơi anh N. khẳng định đã gửi con cho vợ chồng ông Q. chăm sóc (Ảnh: P.Đ.)

Khoảng một tháng sau khi gửi con vợ chồng ông Q., gia đình anh N. nhận về hũ tro cốt của con với lời giải thích, cháu bé tử vong, ông này sau đó tự dùng than, củi để thiêu thi thể cháu. 

Hiện cơ quan công an đang vào cuộc điều tra sự việc. 

Theo thông tin từ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Lâm Đồng, qua báo cáo sơ bộ của địa phương thì nơi nuôi dưỡng con anh N.H.N tại phường Lộc Tiến, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng là cơ sở không được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc, hỗ trợ trẻ khuyết tật.

"Tôi không tài nào ngủ được"

Là thành viên trong hội nhóm về trẻ đặc biệt nên chị Trần Ngọc Thương, ở  TPHCM, có con tự kỷ sớm biết thông tin về vụ việc gửi con đi chữa bệnh rồi nhận về tro cốt này.

Nghĩ đến cảnh bé trai 3 tuổi, vốn dĩ có khiếm khuyết, thiệt thòi phải xa bố mẹ đến sống với người lạ, ở một nơi xa lạ rồi trở lại với gia đình theo một cách kinh hoàng như vậy, chị Thương nghẹn thắt ở lồng ngực. Hai đêm liền, hình ảnh hũ tro cốt em bé ám ảnh, làm chị không thể nào ngủ được.

Hơn 13 năm nuôi con tự kỷ, chị không thể nhớ đã đưa con đi viện bao nhiêu lần, đi bao nhiêu cơ sở trong cả nước, thử bao nhiêu phương pháp điều trị, can thiệp, tìm bao nhiêu trường học...

Trong cơn tuyệt vọng, ai mách đâu chị tìm đến đó bằng được. Chị nghỉ việc theo con đi điều trị. Gia đình dồn gần như trọn vẹn nguồn lực có được cho con.

Cũng đã có lúc chị đã để con một vài ngày ở trung tâm hay giao cho người điều trị. May mắn, con chị không xảy ra bất trắc gì.

Nhưng nhiều năm theo con, chị nhận thấy, với mọi đứa trẻ, nhất là trẻ đặc biệt, việc được ở bên bố mẹ, được gia đình đồng hành, giao tiếp, quan tâm, trò chuyện hàng ngày là điều quan trọng nhất. Không một ai có thể làm thay bố mẹ việc đó.

Nhưng trong tâm thức, theo chị Thương, nhiều phụ huynh có con đặc biệt vẫn mong mỏi, ôm hi vọng con... được chữa khỏi. Có bệnh vái tứ phương, khi con gặp vấn đề, bố mẹ nào cũng thường hoang mang, hoảng loạn. Nhiều gia đình rơi vào bế tắc, chỉ trông chờ, bám víu vào một ai đó, một phương pháp nào đó giải quyết vấn đề. 

Chị Thương kể, khi biết sự việc đau lòng này, nhiều bố mẹ trong nhóm phụ huynh có con tự kỷ nhắc nhau: "Con chúng ta đang ở đâu, phải đưa con về ngay. Đừng buông con!". 

Nạn nhân của hi vọng 

Sự việc xảy ra với bé trai ở Huế, nhiều người bày tỏ băn khoăn về quyết định gửi con đi điều trị của gia đình. 

Lý giải vấn đề này, chuyên gia tâm lý Lê Khanh, phụ trách Phòng Tư vấn Tâm lý Gia đình & Trẻ em TPHCM, người nhiều năm đồng hành với trẻ đặc biệt chia sẻ, trong sự việc đau lòng này, đừng vội trách phụ huynh của em bé trong trường hợp này.

Họ là nạn nhân của chính sự hi vọng của mình. Họ hi vọng cậu con trai đặc biệt của mình mắc một chứng bệnh, mà đã là bệnh thì có thể chữa. Những người chào mời đã đánh trúng vào nỗi mong mỏi, niềm hi vọng của phụ huynh nên gia đình mới có thể để giao con nhỏ để "người chữa bệnh" đưa vào tận Lâm Đồng.

Vụ gửi con chữa bệnh, nhận về tro cốt: Việc tương tự từng rộ ở Hà Nội-2
Phụ huynh tại TPHCM trong một chuyên đề tìm hiểu về hội chứng rối loạn tự kỷ ở trẻ.

Theo ông Khanh, dù khoa học đã chứng minh, chậm phát triển hay tự kỷ là tình trạng rối loạn về não bộ, không thể điều trị bằng y khoa nhưng vì chưa tìm ra được nguyên nhân rõ ràng và cũng chưa có được một phương pháp can thiệp hiệu quả nên hàng chục năm nay vẫn có những khoảng trống cho những trò lang băm bịp bợm có chỗ làm ăn. 

Nhiều y bác sĩ và nhà chuyên môn cũng có thể vô tình gọi tình trạng này là "bệnh". Dù nhà chuyên môn vẫn khẳng định đây là "bệnh không chữa được" nhưng khái niệm đó đi ngược với hy vọng của nhiều bậc phụ huynh. 

Nhiều bố mẹ không chấp nhận sự thật đây là một tình trạng rối loạn bẩm sinh.

Mọi hoạt động can thiệp, trị liệu chỉ làm cho tình trạng này giảm bớt, khả năng hoạt động, tương tác xã hội của trẻ có thể cải thiện ở mức độ nhất định. Nhưng để đạt được điều đó, trẻ phải được chẩn đoán, can thiệp đúng cách, trong thời gian dài mà có khi hiệu quả cũng không cao.

Việc cải thiện phần nào tình trạng khiếm khuyết của trẻ tùy thuộc vào nhiều yếu tố như năng lực của giáo viên, sự cộng tác tích cực của gia đình. Chính yêu cầu "cần có sự cộng tác tích cực của gia đình" làm cho nhiều bố mẹ uể oải, chán nản, tìm đến "lối thoát" là giao con cho người khác.

Ông Khanh nhấn mạnh, nếu không có sự tác động tích cực của bố mẹ những lúc con ở nhà, những buổi chiều tối, giờ sum họp hay những ngày cuối tuần với giao tiếp trong gia đình thì dù có đưa có đưa con đi đâu, áp dụng cách thức nào cũng không có tác dụng. 

Chuyên gia tâm lý Lê Khanh cũng cảnh báo, hiện nay những thông tin, kiến thức về trẻ chậm phát triển, tăng động giảm chú ý hay tự kỷ không hề thiếu, nếu không muốn nói là quá nhiều.

Thông tin tràn lan, không có chọn lọc dẫn đến phụ huynh bị rối bời. Nhiều bố mẹ hoang mang, thấy con có vài dấu hiệu đã vội suy đoán ngay về tình trạng của con rồi "dán nhãn đặc biệt" lên đứa trẻ. Điều này vô cùng nguy hiểm.

Ông Lê Khanh cũng day dứt về cơ chế bảo vệ với trẻ em, với những gia đình ở vào trường hợp đặc biệt này với những cơ chế phòng ngừa, xử lý những biểu hiện vi phạm, trục lợi của các thầy lang, các cơ sở "lang băm".

Cách đây vài năm đã rộ lên việc một cơ sở can thiệp ở Hà Nội không có những biện pháp hiệu quả và sai sót trong quá trình chăm sóc, dẫn đến sự suy kiệt với nhiều em, thậm chí làm chết trẻ trong quá trình nuôi dưỡng. Sau rất nhiều tranh cãi, cuối cùng biện pháp xử lý cũng chỉ là đóng cửa trung tâm chứ chưa có những chế tài nghiêm khắc hơn.

Trong hành trình thay đổi nhận thức về trẻ tự kỷ, ông Lê Tất Đạt, đồng sáng lập The Big Friends - tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ người tự kỷ ở Việt Nam luôn nhấn mạnh đến thực trạng nhiều gia đình có con tự kỷ mong chờ quá nhiều vào chuyên gia, bác sĩ hay vào một cơ sở, trường học nào đó.

Ông Đạt day dứt vì các gia đình quên mất rằng, người đồng hành quan trọng nhất với con chính là bố mẹ. Hơn bất kỳ ai, bố mẹ cần chuẩn bị tinh thần đi đường dài cùng con. 

Vụ gửi con đi chữa bệnh, nhận về tro cốt, theo ông Khanh, thêm một trường hợp quá đau xót nhưng vị chuyên gia cũng nhấn mạnh, cái chết của em bé là hồi chuông cảnh báo cho phụ huynh có con đặc biệt nuôi hi vọng về một phương pháp chữa trị dứt điểm "bệnh" tự kỷ.

Đó cũng là lời cảnh báo khi thực tế, còn biết bao nhiêu đứa trẻ, bao nhiêu tiền bạc, tiền triệu hay tiền tỷ nữa bị đổ ra vô ích. 

Theo Dân Trí