Xu hướng làm mới những bài hát cũ (bằng cách hòa âm, phối khí, chọn lối hát khác) hoặc đưa chất liệu xưa vào âm nhạc hiện đại vốn không xa lạ ở thị trường, nhất là trong các chương trình truyền hình thực tế. Và lẽ tất yếu, gần như mọi sản phẩm làm mới đều sẽ đón nhận luồng ý kiến trái chiều, đứng giữa khen chê.
Nhiều ca sĩ thử nghiệm
Năm 2015, tại chương trình The Remix, Tóc Tiên từng gây tranh cãi khi mang Dạ Cổ Hoài Lang lên sân khấu. Ca khúc vọng cổ của tác giả Cao Văn Lầu được phối mới theo phong cách world music.
Màn kết hợp cùng nghệ sĩ Thành Lộc giúp Tóc Tiên giành được số điểm cao. Dù vậy, một bộ phận khán giả nhận xét giọng của nữ ca sĩ không phù hợp, chưa truyền tải được trọn vẹn cảm xúc.
Tóc Tiên khi diễn mới Dạ cổ hoài lang và Hà Lê trong MV Mưa hồng.
Tóc Tiên khi đó chia sẻ: "Phần hát của tôi hay phần góp giọng của NSƯT Thành Lộc là nhằm thể hiện đúng ý đồ của bản hòa âm là kết hợp giữa dân gian và hiện đại. Tôi chọn cách hát hiện đại với luyến láy của nhạc trẻ để giao hòa với cách hát mượt mà của NSƯT Thành Lộc. Dĩ nhiên, cách hát của tôi còn kém xa so với sự mượt mà của các giọng ca tiền bối từng thể hiện ca khúc này nhưng tôi hài lòng khi mình là một phần tạo sự kết nối cho tiết mục trên".
Trên sân khấu The Remix 2016, Hoàng Thùy Linh gây ấn tượng với Bánh Trôi Nước, ca khúc được phổ nhạc dựa trên ý thơ của thi sĩ Hồ Xuân Hương. Sau đó, nữ ca sĩ cũng ra mắt MV và tạo nên một bản hit trong sự nghiệp. Bài hát chỉ có vỏn vẹn 4 câu song đã ghi điểm ở bản phối, lồng ghép khéo léo âm hưởng dân gian và chất nhạc điện tử.
Được đánh giá cao về phần âm nhạc, giọng hát, nhưng MV vẫn vướng lùm xùm ở khâu hình ảnh, trang phục. Nhiều ý kiến cho rằng váy áo mà Hoàng Thùy Linh và ê-kíp lựa chọn chưa đậm bản sắc Việt Nam.
Hay cách đây khoảng một năm, Hà Lê trở thành tâm điểm khi quyết định làm mới hoàn toàn nhạc Trịnh với album Ở trọ. Bảy ca khúc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn như Mưa Hồng, Diễm Xưa, Tuổi Đá Buồn... giống như được khoác chiếc áo mới. Hà Lê cùng producer đã thổi vào đó chất R&B, world music, EDM.
Hà Lê chia sẻ trong quá trình thực hiện sản phẩm, anh gặp những khó khăn nhất định. Một trong những cái khó nhất là làm thế nào để thể hiện cảm xúc và kể chuyện trong một tâm thế mới, ở thời đại mới nhưng vẫn làm nổi bật lên giá trị cốt lõi của tác phẩm.
Anh cũng biết sản phẩm sẽ gây tranh luận và bản thân luôn tiếp nhận ý kiến đa chiều để hoàn thiện.
Gần đây, trong chương trình The Heroes (Thần tượng đối thần tượng), khán giả lại được chứng kiến nhiều hơn những tác phẩm làm mới chất liệu xưa. Erik (kết hợp cùng Phương Mỹ Chi) biến tấu bài thơ cổ Nam quốc sơn hà để thể hiện tinh thần dân tộc, Quân A.P đọc rap kết hợp dân ca quan họ trong tiết mục Giao duyên - Ngồi tựa mạn thuyền, Kiều Loan phổ thơ bài Cáo tật thị chúng...
Mỗi tiết mục nói trên mang đến cho khán giả cảm xúc khác nhau - người khen, kẻ chê. Sản phẩm có thể được công chúng đón nhận hoặc không, nhưng một thực tế là khi các chất liệu xưa cũ được sáng tạo, đối tượng khán giả trẻ tiếp cận dễ dàng hơn. Và những giá trị ấy không bị chìm vào quên lãng.
Erik và Phương Mỹ Chi trình diễn Nam quốc sơn hà.
Lý do tiết mục của Han Sara bị chỉ trích dữ dội
Cũng trong The Heroes, Han Sara biểu diễn ca khúc Cô Gái Gen Z (phiên bản được làm mới từ bài hát Cô Gái Mở Đường). Ngay sau khi lên sóng, tiết mục nhận phản ứng dữ dội. Han Sara và ê-kíp chương trình phải xin lỗi khán giả, đồng thời tháo gỡ tất cả dữ liệu của tiết mục.
Trong bản phát sóng trên VTV, phần thi của Han Sara cũng bị cắt toàn bộ chi tiết liên quan đến tác phẩm của nhạc sĩ Xuân Giao.
Với Cô gái gen Z, Han Sara sử dụng 4 câu hát trong Cô gái mở đường. Đó là: "Em đi lên rừng cây xanh mở lối. Em đi lên núi, núi ngả cúi đầu" và "Ơi những cô con gái đang ngày đêm mở đường. Hỏi em bao nhiêu tuổi mà sức em phi thường".
Ngoài ra, nữ ca sĩ rap: “Nữ nhân hào khí ngút trời / Mẫu Âu Cơ vạn tuế / Hai Bà Trưng xưng vương một thời còn Hồ Xuân Hương lưu danh hậu thế / Đàn ông dù có là ai cũng được sinh ra từ một người phụ nữ / Chị em chúng tôi là một cuốn từ điển còn các anh luôn phải tìm từng chữ”.
Han Sara chia sẻ cô và ê-kíp muốn truyền tải thông điệp nữ quyền của những cô gái thế hệ mới và mở đường cho điều mới mẻ trong cuộc sống, sự nghiệp thông qua tiết mục này.
Tiết mục của Han Sara bị phản ứng.
Có thể nói lỗi của đội Han Sara khi làm mới là đã không giữ được giá trị cốt lõi của tác phẩm. Cô gái mở đường ra đời trong thời kỳ khói lửa chiến tranh, nhằm ca ngợi hình ảnh những cô giao liên băng rừng, dẫn lối cho bộ đội. Ca khúc cách mạng vốn được nhiều thế hệ khán giả yêu mến theo năm tháng.
Trước đó, Hậu Hoàng từng mang Cô gái mở đường lên sân khấu Sàn đấu vũ đạo với một hình ảnh chừng mực và phù hợp hơn.
Giám khảo Lưu Thiên Hương đánh giá Han Sara chưa khai thác tốt chủ đề và ý nghĩa của ca khúc. Phần hát và rap của team gượng ép, thiếu sự liên kết. Ngoài ra, trang phục của Han Sara và vũ đoàn trong màn biểu diễn này cũng bị chê trách.
Theo nhận định từ giới chuyên môn, xu hướng làm mới trong âm nhạc không mang ý nghĩa tiêu cực, thậm chí đáng được khuyến khích. Nó thể hiện sự sáng tạo không giới hạn, đồng thời góp phần lưu giữ giá trị nghệ thuật.
Mỗi sản phẩm làm mới có thể hay hoặc dở, tốt hay chưa tốt. Nhưng điều quan trọng nhất là phải giữ giá trị cốt lõi để không tạo ra khác biệt quá lớn.
Theo Zing